Theo tin từ CNN, hôm thứ Sáu tuần trước, “đế chế” thương mại điện tử do Jack Ma sáng lập tuyên bố từ nay đến năm 2025 sẽ chi số tiền khổng lồ trên cho 5 ưu tiên gồm: sáng tạo trong công nghệ, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm chất lượng cao, hỗ trợ các cộng đồng yếu thế, và thành lập một quỹ phát triển đặc biệt.
Alibaba cũng vạch ra 10 mục tiêu cụ thể, từ tăng đầu tư công nghệ vào các khu vực kém phát triển ở Trung Quốc tới cải thiện phúc lợi cho người lao động trong nền kinh tế chia sẻ, thúc đẩyy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và nông nghiệp. Ngoài ra, Alibaba còn thành lập một “Uỷ ban Công tác thúc đẩy thịnh vượng” do Chủ tịch kiêm CEO Daniel Zhang lãnh đạo.
“Alibaba đã hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế và xã hội mạnh mẽ ở Trung Quốc trong 22 năm qua. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng nếu xã hội trở nên tốt đẹp hơn và kinh tế phát triển tốt, thì Alibaba cũng sẽ ổn”, ông Zhang nói trong một tuyên bố. “Chúng tôi sẵn sàng đóng góp phần của mình thể hiện thực hoá thịnh vượng chung thông qua phát triển chất lượng cao”.
Cam kết trên được Alibaba đưa ra chỉ 1 tuần sau khi một công ty thương mại điện tử lớn khác của Trung Quốc là Pinduoduo quyên góp toàn bộ lợi nhuận quý 2 cho các dự án phát triển nông thôn nước này.
Tương tự, “đế chế” Internet Tencent tháng trước tuyên bố sẽ góp 50 tỷ Nhân dân tệ (7,7 tỷ USD) cho mục tiêu “thịnh vượng chung” mà Bắc Kinh đề ra. Theo Tencent, số tiền này sẽ rót vào các dự án thúc đẩy thu nhập cho người nghèo, giải quyết tình trạng bất bình đẳng về giáo dục, cùng nhiều sáng kiến khác.
Ông Tập Cận Bình gần đây liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của “thịnh vượng chung”, và truyền thông Trung Quốc cũng đồng loạt đưa tin bài về vấn đề phân phối lại của cải trong xã hội.
Trong những năm gần đây, một mục tiêu chính sách lớn của Trung Quốc là xoá đói giảm nghèo. Lời kêu gọi “thịnh vượng chung” gia tăng sức ép lên tầng lớp những người giàu nhất và các doanh nghiệp lớn của nước này, trong bối cảnh các doanh nhân và doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc đang phải đương đầu với môi trường quy chế giám sát siết chặt khi Bắc Kinh tăng cường kiểm soát sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân.
Năm nay, Alibaba đã lĩnh án phạt 2,8 tỷ USD vì hành vi độc quyền. Sau đó, tập đoàn khổng lồ này tiếp tục chịu sự giám sát tăng cường, cho dù lãnh đạo Alibaba cố gắng trấn an nhà đầu tư rằng vấn đề này đã được giải quyết ổn thoả.