January 08, 2022 | 11:25 GMT+7

Alibaba tái cấu trúc mảng thương mại điện tử giữa cạnh tranh khốc liệt

Trang Linh -

Quyết định của Alibaba được đưa ra trong bối cảnh hãng thương mại điện tử khổng lồ này đang hướng tới tiêu dùng nội địa, toàn cầu hóa và công nghệ tiên tiến để thúc đẩy tăng trưởng tương lai sau một năm 2021 đầy sóng gió...

Alibaba lĩnh án phạt kỷ lục vào tháng 4/2021 với cáo buộc kinh doanh độc quyền - Ảnh: AP
Alibaba lĩnh án phạt kỷ lục vào tháng 4/2021 với cáo buộc kinh doanh độc quyền - Ảnh: AP

Theo nguồn tin từ tờ Trung Quốc Nhật báo, Alibaba đã tiến hành tái cấu trúc hoạt động phụ trợ của các nền tảng bán lẻ trực tuyến cốt lõi của mình gồm Taobao Marketplace và Tmall, khi mà hãng thương mại điện tử khổng lồ này đang muốn củng cố vị trí dẫn đầu thị trường Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt và Bắc Kinh có hàng loạt động thái siết quản lý với giới công nghệ. 

Với kế hoạch tái cấu trúc này, Alibaba thành lập 3 trung tâm vận hành mới cho cả Taobao và Tmall, tập trung vào phát triển chiến lược nền tảng, tăng người dùng và hỗ trợ phát triển công nghiệp cho các nhà bán hàng, Trung Quốc nhật báo dẫn nguồn từ một bức thư nội bộ của Alibaba.

Theo đó, hai nền tảng bán hàng trực tuyến hàng đầu Trung Quốc này sẽ chú trọng hơn nữa vào trải nghiệm người dùng và khuyến khích sáng tạo đổi mới cơ chế.

Trong bức thư nội bộ nói trên, Alibaba cho biết đã bổ nhiệm người đứng đầu 3 trung tâm này và họ sẽ báo cáo trực tiếp lên Trudy Dai Shan, tân giám đốc bộ phận thương mại số tại Trung Quốc – phụ trách cả mảng bán buôn trực tuyến và bán hàng trực tiếp.

Kế hoạch tái cấu trúc đánh dấu sáng kiến lớn đầu tiên của bà Dai – thành viên sáng lập Alibaba – trên cương vị mới, một tháng sau cuộc cải tổ bộ máy lãnh đạo lớn nhất của công ty thời gian gần đây. Từng làm việc tại nhiều bộ phận của Alibaba, bà Dai được biết trong nội bộ công ty với biệt danh Su Quan – một trong những nhân vật nữ có võ nghệ cao cường nhất trong tác phẩm Lộc Đỉnh Ký của tác giả Kim Dung.

Bà Trudy Dai Shan, người đồng sáng lập Alibaba - Ảnh: Handout
Bà Trudy Dai Shan, người đồng sáng lập Alibaba - Ảnh: Handout

Theo Arch Pei, nhà phân tích internet độc lập từng làm việc tại Sinolink Securities, nguyên nhân đằng sau việc tái cấu trúc hoạt động phụ trợ của Alibaba là nhằm phá vỡ ranh giới giữa Taobao và Tmall, từ đó mang lại dịch vụ tốt hơn cho người bán hàng và thuyết phục họ tiếp tục sử dụng của Alibaba.

Ra mắt vào năm 2003, Taobao mang đến cho khách hàng ở cả các thành phố lớn và khu vực kém phát triển của Trung Quốc trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa từ các nhà bán hàng nhỏ lẻ, được tối ưu hóa nhờ phân tích dữ liệu lớn và công nghệ. Trong khi đó, Tmall được thành lập vào năm 2008 để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn đối với hàng hóa chất lượng cao từ các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu và mang đến trải nghiệm mua sắm cao cấp.

Teo ông Pei, hiện tại Alibaba đang đẩy mạnh phát triển các nội dung chất lượng cao, bao gồm video, do vấp phải cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng như Douyin – nền tảng chia sẻ video ngắn “anh em” của TikTok, thuộc sở hữu của công ty Bytedance, hay Kuaishou Technology – nền tảng đang thu hút người tiêu dùng trẻ tại Trung Quốc với những trải nghiệm mua sắm trực tuyến khác biệt.

Trong 12 tháng tính tới ngày 30/9/2021, Alibaba có 1,24 tỷ khách hàng hoạt động hàng năm trên toàn cầu, bao gồm 953 triệu tại Trung Quốc và 285 triệu ở nước ngoài.

Việc tái cấu trúc nói trên cũng là bước tiến mới khi mà hãng thương mại điện tử khổng lồ đang hướng tới tiêu dùng nội địa, toàn cầu hóa và công nghệ tiên tiến để thúc đẩy tăng trưởng tương lai sau một năm 2021 đầy sóng gió.

Năm qua, Alibaba đối mặt áp lực lớn khi các nhà chức trách Trung Quốc siết quản lý với lĩnh vực công nghệ, bao gồm án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD với cáo buộc kinh doanh độc quyền. Chiến dịch thúc đẩy sự “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tạo ra môi trường pháp lý khắc nghiệt hơn với Alibaba cũng như nhiều hãng công nghệ lớn khác của nước này.

Không chỉ trong mảng thương mại điện tử, Alibaba cũng đang gặp rắc rối ở các mảng khác. Pinduoduo, hiện là nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ ba Trung Quốc, và Bytedance – công ty mẹ ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok, đều đang nhảy vào lĩnh vực dịch vụ thanh toán di động, đe dọa vị thế thống trị của cả Alibaba (với Alipay) lẫn Tencent (với WeChat Pay), theo đó đe đọa một trong những nguồn lợi nhuận chính của Alibaba.

Trên sàn chứng khoán Hồng Kông, vốn hóa của Alibaba Group đã sụt hơn 50% sau một năm kể từ khi công ty con công nghệ tài chính Ant Group bị đình chỉ niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO), làm mất đi động lực tăng trưởng của hãng thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc. 

Vào cuối tháng 10/2020, vốn hóa của Alibaba đạt đỉnh 6.600 tỷ Đôla Hồng Kông (846 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại). Tuy nhiên, con số này hiện chỉ còn 2.800 tỷ Đôla Hồng Kông (khoảng 358 tỷ USD). Ngoài Hồng Kông, cổ phiếu Alibaba hiện cũng giao dịch trên sàn chứng khoán New York. Alibaba hiện không còn nằm trong top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate