January 13, 2024 | 07:00 GMT+7

Ám ảnh vì ùn tắc, nghiên cứu mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lên 6 - 8 làn xe

Anh Tú -

Theo Bộ Giao thông vận tải, sau 10 năm khai thác, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lưu lượng giao thông tăng cao, đặc biệt sau khi một số đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đưa vào khai thác. Do đó, việc đầu tư, mở rộng từ 4 làn xe lên thành 6 - 8 làn xe là cần thiết và đang được nghiên cứu để triển khai...

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phục vụ trên 21 triệu lượt phương tiện và doanh thu đạt 1.134,4 tỷ đồng năm 2023. 
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phục vụ trên 21 triệu lượt phương tiện và doanh thu đạt 1.134,4 tỷ đồng năm 2023. 

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn số 323/BGTVT-KHĐT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hà Nam về đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét mở rộng thêm làn trên tuyến cao tốc đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Theo phản ánh của cử tri tỉnh Hà Nam, đường cao tốc đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình quy định tốc độ 120km/h nhưng mỗi chiều chỉ có 2 làn đường, mật độ phương tiện lưu thông trên tuyến đông nên không đảm bảo tốc độ cho phép, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Do đó, cử tri tỉnh đề nghị mở rộng tuyến cao tốc này, đồng thời quy định tốc độ xe chạy của từng làn đường để đảm bảo an toàn giao thông.

Phản hồi đề xuất trên Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 20/4/2005, quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục với chiều dài 50km, tổng mức đầu tư 8.974 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 7/2012.

 

"Tuy nhiên, sau hơn 10 năm khai thác, lưu lượng giao thông tăng cao, đặc biệt sau khi đưa vào khai thác một số đoạn tuyến trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ.45…) nên việc đầu tư, mở rộng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ 4 làn xe lên thành 6 - 8 làn xe theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu vận tải là cần thiết".

Bộ Giao thông vận tải.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, tuyến cao tốc này sau khi đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển và quỹ đất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và khu vực. 

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý và khai thác.

VEC cho biết, năm 2023, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã phục vụ trên 21 triệu lượt phương tiện, tăng hơn 7% so với năm 2022. Đây là tuyến cao tốc có lưu lượng phương tiện cao nhất trong 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý và doanh thu đạt 1.134,4 tỷ đồng năm 2023. 

VEC đang nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phương án đầu tư mở rộng đoạn tuyến. Trước đó, vào tháng 3/2023, VEC có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đề xuất chủ trương đầu tư dự án mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, trước mắt thực hiện đoạn Đại Xuyên - Liêm Tuyền từ quy mô 4 làn xe lên quy mô 6 làn xe.

Giai đoạn 1, dự án đã đầu tư quy mô 6 làn xe cho các công trình cầu cống, nền đường nên việc mở rộng chủ yếu gồm mặt đường trên dải đất dự trữ mỗi bên 3,75 m sẵn có và điều chỉnh các hạng mục phục vụ khai thác. VEC dự kiến chi phí cho đầu tư mở rộng đoạn tuyến trên khoảng 512 tỷ đồng do VEC tự thu xếp. Trong đó, vốn chủ sở hữu và vốn hợp pháp của nhà đầu tư là 274,65 tỷ đồng, phần còn lại huy động từ vốn vay thương mại. Thời gian hoàn vốn dự án khoảng 11 năm.

Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Nam, Nam Định trong quá trình triển khai thực hiện.

Vê về việc quy định tốc độ xe chạy của từng làn đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện nay, do đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mỗi chiều chỉ có 02 làn xe cơ giới, việc quy định tốc độ xe chạy của từng làn đường như kiến nghị của cử tri sẽ được xem xét thực hiện sau khi hoàn thành mở rộng tuyến đường.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate