April 03, 2025 | 15:14 GMT+7

Ẩm thực Việt vươn tầm quốc tế: Nhiều việc phải làm

Băng Hảo -

Phiên bản quốc tế đầu tiên của Lễ hội Bánh mì Việt Nam dự kiến được tổ chức ở Úc vào tháng 9/2025, đánh dấu bước tiến nhằm quảng bá món ăn được yêu thích của Việt Nam ra thế giới...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 25/3 vừa qua, Lễ trao giải 50 Nhà hàng Tốt nhất châu Á năm 2025 đã diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc. Nhà hàng đứng đầu danh sách năm nay thuộc về Gaggan (Thái Lan). Hai nhà hàng Trung Quốc tại Hong Kong là The Chairman và Wing, lần lượt giành vị trí thứ hai và thứ ba. 

Trong danh sách 50 nhà hàng Tốt nhất châu Á 2025, Bangkok và Tokyo có nhiều mục giải thưởng nhất. Hai quốc gia này đều có 9 nhà hàng nằm trong top được vinh danh. Đáng chú ý, năm nay không có đại diện nào của Việt Nam lọt top 50 nhà hàng Tốt nhất châu Á. Trong khi vào năm 2024, nhà hàng Anan Saigon tại TP.HCM đứng vị trí 48, đánh dấu 4 năm liên tiếp Anan Saigon được xướng tên trong danh sách này.

Tháng trước, cũng không có đại diện nào của Việt Nam trong danh sách Top 10 điểm đến ẩm thực tốt nhất thế giới năm 2025 do TripAdvisor công bố, dù năm ngoái Hà Nội đứng ở vị trí đầu tiên. Rome trở thành thành phố ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới năm 2025, thăng một hạng so với năm ngoái. 

Ẩm thực Việt vươn tầm quốc tế: Nhiều việc phải làm - Ảnh 1

CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO ẨM THỰC

Hình ảnh các nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước hay các doanh nhân nước ngoài đi dạo, thưởng thức các món ăn đường phố tại Việt Nam dường như đã không còn quá xa lạ.

Những ngày đầu tháng 12/2024, hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn công nghệ NVIDIA Jensen Huang thăm phố cổ Hà Nội và thưởng thức các món ẩm thực đường phố của Hà Nội như nem tai, nem chua rán, uống bia Trúc Bạch... tại phố Tạ Hiện đã trở thành những hình ảnh có sức lan tỏa trên truyền thông và mạng xã hội.

Trước đó, trong chuyến công tác Việt Nam vào tháng 4/2024, CEO Apple Tim Cook cũng từng uống cà phê tại quán Madame Hien Hanoi. Thủ tướng Australia Anthony Albanese từng thưởng thức bia hơi, bánh mì, lạc luộc, chả cá,... trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 6/2023...

Ẩm thực Việt Nam với tính đa dạng, phong phú, hấp dẫn, đặc sắc có thể coi như nguồn tài nguyên trù phú để khai thác, phát triển trong quảng bá đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Ngoại giao ẩm thực theo đó trở thành một thành tố quan trọng trong chiến lược quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, người từng phục vụ bữa ăn cho 21 nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC Đà Nẵng 2017, đánh giá Việt Nam không chỉ có một, hai món ăn để quảng bá mà bất kỳ món ăn nào của Việt Nam cũng khác biệt, cũng có thể khiến khách quốc tế thích thú. Vấn đề là cần có một chiến lược tổng thể trong quảng bá.

“Dù có nhiều đầu bếp tài năng, nhưng Việt Nam chưa có đủ hệ thống đào tạo chuyên nghiệp và bài bản để trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa. Điều này có thể hạn chế khả năng sáng tạo và cải tiến món ăn, khiến ẩm thực Việt khó cạnh tranh với các nền ẩm thực khác,” ông Dương Văn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Đầu bếp Việt Nam, phân tích. “Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa khai thác tối đa nguyên liệu địa phương khi còn nhiều vùng nguyên liệu chưa được khai thác hoặc chưa được quảng bá hiệu quả".

Ẩm thực Việt vươn tầm quốc tế: Nhiều việc phải làm - Ảnh 2

Cũng theo ông Dương Văn Hùng, các giải thưởng ẩm thực thường dựa trên các tiêu chí cụ thể, có thể không phản ánh đầy đủ sự đa dạng và phong phú của ẩm thực Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến việc một số món ăn hoặc phong cách ẩm thực không được công nhận, trong khi những món khác lại được tôn vinh một cách không hoàn toàn đại diện cho toàn bộ nền ẩm thực. Dù các giải thưởng ẩm thực mang lại nhiều lợi ích và tạo ra danh tiếng cho Việt Nam, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng chúng đi kèm với áp lực và thách thức.

"Khi Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng ẩm thực cũng kéo theo sự gia tăng lượng khách du lịch tìm đến trải nghiệm ẩm thực, điều này không chỉ tạo ra danh tiếng mà còn mang lại áp lực cho các nhà hàng và đầu bếp. Các nhà hàng và dịch vụ ẩm thực phải không ngừng đổi mới và phát triển để đáp ứng nhu cầu của thực khách, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa ẩm thực. Việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt khi phải cân bằng giữa sự sáng tạo và việc giữ gìn truyền thống".

XÂY DỰNG NỀN ẨM THỰC BỀN VỮNG

Như vậy, để ẩm thực Việt Nam được nhận diện rõ ràng và trở thành thương hiệu, cần xây dựng một chiến lược quảng bá đồng bộ và bài bản. Thiết kế một logo và slogan đại diện cho ẩm thực Việt Nam có thể giúp tăng cường nhận diện thương hiệu.

Xác định những món ăn mang tính biểu tượng và đặc trưng như: phở, bánh mì, bún chả... và phát triển câu chuyện xung quanh từng món ăn để truyền tải bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm khai thác các kênh truyền thông, mạng xã hội, quảng bá qua phim ảnh, truyền hình...

Ẩm thực Việt vươn tầm quốc tế: Nhiều việc phải làm - Ảnh 3

Tại buổi nói chuyện "Văn hóa ẩm thực và sự di chuyển tại Việt Nam" tổ chức cuối năm 2024 vừa qua, các chuyên gia đánh giá các đầu bếp, nhà hàng, tổ chức và nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá và bảo tồn văn hóa ẩm thực Việt Nam. Cùng với đó, việc tập trung vào nguyên liệu địa phương, kết hợp truyền thống và hiện đại sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ẩm thực Việt Nam trong tương lai.

Ông Ahmad Faiez Mohamed Pisal, Tổng giám đốc Michelin Việt Nam, đề cập tới sự hài hòa trong phát triển. Năm 2020, Sao Xanh Michelin (Michelin Green Star) ra đời nhằm tôn vinh những cơ sở ăn uống tiên phong trong việc hướng đến xây dựng nền ẩm thực bền vững. Trong sự kiện công bố các giải thưởng Michelin lần 2 vào cuối tháng 6/2024, Nén Danang ở Đà Nẵng trở thành nhà hàng đầu tiên của Việt Nam đạt giải Sao Xanh Michelin.

Đại diện Michelin Việt Nam nhận định đây không chỉ là giải thưởng đơn thuần mà còn cho thấy sự nâng cao nhận thức và triết lý kinh doanh về phát triển bền vững đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong mối tương quan giữa hành vi và ý thức bảo vệ môi trường.

Ông cũng nhấn mạnh đến yếu tố "con người hạnh phúc", "nhà hàng hạnh phúc" và "khách hàng hạnh phúc". "Khoảng 90% doanh nghiệp F&B (thực phẩm và đồ uống) ở Việt Nam là vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Tập trung nâng cao năng suất cũng là việc cần quan tâm", ông nói thêm.

Ẩm thực Việt vươn tầm quốc tế: Nhiều việc phải làm - Ảnh 4

Để ẩm thực Việt bước xa hơn, chạm đến giấc mơ trở thành “Kinh đô ẩm thực mới của thế giới” vào năm 2030 – một tham vọng đầy cảm hứng được chia sẻ tại sự kiện C asean Vietnam 2024, ông Chử Hồng Minh, Chủ tịch Chi hội Nhà hàng Việt Nam, chỉ rõ Việt Nam nên tổ chức các cuộc thi ẩm thực khu vực, từ đó đẩy mạnh hợp tác quốc tế với những tổ chức hàng đầu như WFTA (Hiệp hội Du lịch Ẩm thực thế giới). Điều này không chỉ thúc đẩy sự công nhận về chất lượng, mà còn khẳng định giá trị văn hóa đằng sau mỗi món ăn Việt.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate