Theo trang CNN Business, trong số những sản phẩm được nhắc đến trong vụ kiện có thiết bị phát hiện carbon monoxide không thể kích hoạt; một số sản phẩm quần áo ngủ trẻ em dễ bắt lửa; và gần 400.000 máy sấy tóc có thể gây điện giật nếu rơi vào nước.
Vụ kiện này là dấu hiệu về một lập trường cứng rắn hơn nhiều của CPSC, bởi trước đây cơ quan này thường chỉ tự xử lý các doanh nghiệp bị cho là bán sản phẩm nguy hiểm thay vì kiện ra toà.
Các sản phẩm được đề cập trong đơn kiện không phải do Amazon bán trực tiếp, mà được bán bởi các bên thứ ba sử dụng nền tảng Amazon. Nhiều trong số đó là công ty nước ngoài và CPSC không có đủ thẩm quyền để ra lệnh thu hồi các sản phẩm bị cho là độc hại bán trên Amazon. Bởi vậy, CPSC nói rằng kiện Amazon là cách duy nhất để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những sản phẩm như vậy.
Các nhà bán hàng bên thứ ba chiếm hơn một nửa số hàng hoá bán trên Amazon. Năm ngoái, Amazon thu hơn 80 tỷ USD phí hoa hồng và các khoản khác từ các nhà bán hàng bên thứ ba.
Đơn kiện của CPSC nói rằng Amazon đã dừng bán những sản phẩm nói trên sau khi được cơ quan này cảnh báo, và Amazon cũng đã thông báo cho người tiêu dùng mua những sản phẩm này về sự nguy hiểm và đề nghị hoàn tiền. Tuy nhiên, đơn kiện nói “hành động đơn phương của Amazon là chưa đủ để khắc phục những nguy hiểm mà các sản phẩm đó đặt ra”.
Dưới sự lãnh đạo của quyền Chủ tịch Robert Adler, người được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm, CPSC tích cực hơn trước rất nhiều trong việc chống sản phẩm nguy hiểm, độc hại đối với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, CPSC không thể ra lệnh thu hồi sản phẩm mà chỉ có thể đề nghị doanh nghiệp thu hồi sản phẩm. Nếu phía doanh nghiệp từ chối đề nghị đó, CPSC chỉ còn một cách khó khăn và tốn kém là đâm đơn kiện. Hoặc cơ quan này cũng có thể đưa vấn đề ra trước công chúng để gây sức ép lên doanh nghiệp.
Đầu năm nay, CPSC cảnh báo người tiêu dùng Mỹ về một sản phẩm máy chạy bộ của hãng Peloton, sau khi sản phẩm này gây hàng loạt vụ tai nạn khiến một trẻ nhỏ tử vong và 70 người khác bị thương. Peloton sau đó đã phải thu hồi sản phẩm này và xin lỗi người tiêu dùng.
Theo CNN Business, đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm bán trên Amazon bị cho là có vấn đề về an toàn.
Năm ngoái, một cuộc điều tra của hãng tin CNN đã phát hiện hàng chục sản phẩm nguy hiểm được bán trực tiếp bởi Amazon, với những nguy cơ như tan chảy, phát nổ hoặc bốc cháy. Phản hồi về phóng sự điều tra của CNN, Amazon nói rằng “an toàn là ưu tiên hàng đầu” của công ty và rằng các sản phẩm bán trên Amazon đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn an toàn hiện hành.