December 28, 2024 | 08:53 GMT+7

Ấn Độ vượt Trung Quốc thành "nam châm" hút IPO ở châu Á

Ngọc Trang -

Các doanh nghiệp đang chạy đua niêm yết để tận dụng xu hướng giá cao sau nhiều tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán Ấn Độ, bất chấp những lo ngại rằng thị trường có thể bị tác động bởi tăng trưởng kinh tế giảm tốc...

Sàn giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ - Ảnh: Reuters
Sàn giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Thị trường chứng khoán Ấn Độ vừa có một năm bận rộn khi trở thành thị trường huy động vốn cổ phần lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Theo đó, quốc gia Nam Á lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường hàng đầu ở châu Á cho các công ty chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở nước ngoài năm nay.

Theo số liệu từ Dealogic, “cơn sốt” IPO tại Ấn Độ nổ ra nhờ sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán nước này. Còn theo số liệu từ KPMG, sàn chứng khoán quốc gia Ấn Độ đang trên đà trở thành lựa niêm yết lần đầu (primary listing) số một tính theo giá trị IPO, vượt qua sàn Nasdaq và sàn chứng khoán Hồng Kông.

IPO ở nước ngoài bao gồm hoạt động niêm yết lần đầu tiên (primary listing) của doanh nghiệp chưa từng niêm yết trong nước và niêm yết bổ sung (secondary listing) của doanh nghiệp đã niêm yết trong nước trước đó.

Các xếp hạng này đánh dấu sự thay đổi đáng kể về bối cảnh thị trường vốn châu Á khi các biện pháp siết chặt kiểm soát ở Trung Quốc đang khiến số lượng IPO tại nước này giảm mạnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang chạy đua niêm yết để tận dụng xu hướng giá cao sau nhiều tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán Ấn Độ, bất chấp những lo ngại rằng thị trường có thể bị tác động bởi sự suy giảm tăng trưởng kinh tế.

“2024 là một trong những năm bận rộn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Ấn Độ”, V Jayasankar, giám đốc điều hành tại Kotak Investment Banking, nhận định. “Ấn Độ đang thu hút sự chú ý lớn. Do đó, Trung Quốc sẽ cần hành động quyết liệt nếu muốn thu hút doanh nghiệp một cách ổn định”.

Theo ông Jayasankar, thị trường chứng khoán Ấn Độ năm qua được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ dòng vốn nội địa mạnh khi các hộ gia đình có xu hướng đầu tư chứng khoán nhiều hơn.

“Hoạt động giao dịch chung khiến chúng tôi khá ngạc nhiên, theo hướng tích cực”, ông chia sẻ với Financial Times.

Số liệu từ Dealogic cho thấy giá trị các thương vụ niêm yết lần đầu và bổ sung tại Trung Quốc đại lục – thị trường lớn nhất thế giới năm 2023, đã giảm khoảng 86%, từ hơn 48 tỷ USD xuống chỉ còn 7,5 tỷ USD tính từ đầu năm 2024 đến đầu tháng 12.

Theo các nhà phân tích, nền kinh tế suy yếu cộng với các quy định hạn chế đối với hoạt động IPO khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách tiếp cận thị trường đại chúng ở ngoài đại lục. Xu hướng này diễn ra dù các gói kích thích tiền tệ và tài khóa hồi tháng 9 đã giúp thị trường ổn định phần nào sau đợt bán tháo hồi đầu năm.

Điều này giúp Hồng Kông thu hút nhiều IPO hơn với tổng giá trị của các thương vụ tính tới đầu tháng 12 đạt 10 tỷ USD, tăng từ 6 tỷ USD của năm trước. Thương vụ hàng đầu tại thị trường này năm qua là của công ty sản xuất hàng điện tử Midea, huy động được hơn 4 tỷ USD qua niêm yết bổ sung (secondary listing) ở ngoài thị trường đại lục.

Giới phân tích dự báo Hồng Kông sẽ tiếp tục hưởng lợi khi trở thành một điểm đến hàng đầu của các công ty đại lục muốn huy động vốn ở nước ngoài.

“Với các công ty Trung Quốc muốn IPO, sàn chứng khoán Hồng Kông vẫn là một điểm đến hàng đầu với quy trình niêm yết thông thoáng, tính ổn định và minh bạch của thị trường cao và dễ dàng tiếp cận nguồn vốn quốc tế”, ông Frank Bi, giám đốc phụ trách giao dịch châu Á tại hãng luật Ashurst, nhận xét.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Ấn Độ, nơi thu hút một lượng lớn các IPO quy mô nhỏ trong 2024, được thúc đẩy bởi những công ty muốn huy động vốn ở mức định giá cao, bao gồm cả thương vụ của chi nhánh các công ty đa quốc gia như Hyundai.

“Rõ ràng số lượng thương vụ đã tăng lên nhưng quy mô bình quân của các thương vụ giảm khoảng 75-80% trong hai năm qua”, một chuyên viên ngân hàng ở Mumbai cho biết. “Các doanh nghiệp đang chạy đua niêm yết với tâm lý tham gia thị trường càng nhanh càng tốt khi điều tiện thị trường vẫn thuận lợi”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ giảm tốc, doanh nghiệp báo lợi nhuận yếu và tăng trưởng GDP giảm mạnh còn 5,4% trong quý 4 – mức thấp nhất trong gần 2 năm, các nhà quản lý danh mục đầu tư nước ngoài đang bắt đầu thận trọng hơn. Trong tháng 10, khối ngoại đã rút hơn 11 tỷ USD khỏi thị trưởng cổ phiếu nước này – mức thoái vốn cao kỷ lục trong 1 tháng – và rút thêm 2,5 tỷ USD trong tháng 11.

Dù vậy, giới chuyên gia dự báo hoạt động niêm yết lần đầu và niêm yết bổ sung trên thị trường chứng khoán Ấn Độ sẽ vẫn tiếp tục sôi động trong năm 2025.

“Không nói về chất lượng dịch vụ, hoạt động niêm yết sẽ vẫn sôi động miễn là điều kiện thị trường vẫn thuận lợi và vẫn có thanh khoản”, một chuyên viên ngân hàng khác ở Mumbai nhận định. “Tôi cho rằng hai quý đầu năm 2025 sẽ không có gì thay đổi so với hiện tại”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate