Ngày 8/5, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang thông tin, lực lực của đơn vị vừa phối hợp bắt giữ một đối tượng vận chuyển trái phép 5 miếng kim loại nghi là vàng (mỗi miếng 1kg) và lượng lớn ngoại tệ về Việt Nam.
Cụ thể, vào lúc 13 giờ 55 phút ngày 7/5, tại khu vực barie số 2 thuộc trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, tổ công tác của Phòng phòng chống ma tuý và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang và Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên phát hiện một phụ nữ điều khiển xe máy mang biển kiểm soát 67F1-189.18 đi từ hướng cột mốc 275 về Việt Nam.
Qua kiểm tra, người điều khiển xe máy khai tên Huỳnh Thị Nguyên, sinh năm 1983, hộ khẩu tại thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, Tỉnh An Giang. Bên trong túi da của người này có 5 miếng kim loại màu vàng (nghi là vàng), trọng lượng mỗi miếng khoảng 1kg và hơn 1 triệu Riel (tiền Campuchia).
Tại Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Nguyên khai nhận, 5 thỏi kim loại màu vàng nêu trên là vàng mà bản thân vận chuyển thuê cho một người phụ nữ tên Huôn (người Campuchia) mang về giao cho tiệm vàng tại thị trấn Tịnh Biên.
Nếu kết luận giám định cho kết quả là vàng thật thì số vàng 5kg này tương đương với khoảng 133 lượng, giá trị khoảng 7 tỷ đồng.
Tổ công tác đã lập biên bản phạm tội quả tang và tiến hành tạm giữ đối tượng Huỳnh Thị Nguyên cùng với toàn bộ tang vật, phương tiện. Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đã cử cán bộ mang 5 miếng vàng nêu trên đi giám định tại Phân viện Khoa học hình sự tại Tp.HCM – Bộ Công an.
Được biết, hồi cuối tháng 10/2020, Công an tỉnh An Giang cũng đã phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 51kg vàng từ Campuchia vào Việt Nam do bà trùm buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) cầm đầu.
Tại thời điểm đó, với 51kg vàng tính theo giá vàng thế giới thấp nhất là 1.860 USD/ounce thì tổng số tiền bỏ ra để mua 51kg vàng từ Campuchia khoảng 69 tỷ đồng. Nếu tính giá vàng nguyên liệu tại Việt Nam cao hơn thế giới chỉ ở mức khoảng 2 triệu đồng/lượng thì khi nhập lậu trót lọt 51kg vàng, lợi nhuận thu được khoảng 4 tỷ đồng.
Theo một chuyên gia kinh tế cho biết, những vụ việc như trên chỉ là phần nổi của tảng băng, tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới đã tồn tại hàng chục năm nay chứ không phải mới xuất hiện. Đặc biệt, quy mô buôn lậu vàng từ Campuchia là không hề nhỏ.
Đồng thời, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thói quen mua vàng, tích trữ vàng của người dân Việt Nam. Trong khi đó, theo quy định, các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng và điều này dẫn đến vàng lậu tìm đủ mọi cách thâm nhập vào Việt Nam.
Cũng theo vị chuyên gia này, thông thường, thị trường vàng luôn có một mối liên hệ mật thiết với giá USD tự do. Hiểu đơn giản, người dân mang vàng buôn lậu bán lấy VND, sau đó dùng VND đổi sang USD để ra nước ngoài mua vàng và tiếp tục buôn lậu. Hiện tượng buôn lậu càng nhiều thì nhu cầu đổi ngoại tệ càng lớn, nhu cầu lớn khiến giá USD tự do tăng cao vì mua ngoại tệ trên kênh chính thống cần phải có lý do và rất nhiều giấy tờ cần thiết.
“Suốt một khoảng thời gian dài, khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có khi doãng rộng lên tới 7 triệu đồng/lượng phần nào đã đẩy hoạt động buôn lậu vàng sôi động. Thời gian qua, giá USD tự do theo đó cũng có những bước tăng lớn”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, giá vàng thế giới đang xu hướng tăng trở lại trong khi nhu cầu vàng trong nước đang ở mức thấp, nên chênh lệch giá được thu hẹp đáng kể. Hiện tại ngày 7/5, chênh lệch vàng trong nước và thế giới chỉ còn 1 triệu đồng/lượng. Song song, giá USD tiếp tục đà giảm mạnh.
“Do đó, tình trạng buôn lậu vàng có thể sẽ không còn diễn ra nhiều như quãng thời gian trước”, vị chuyên gia nhận định.