July 04, 2023 | 09:34 GMT+7

“Ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu 2 kim loại dùng cho chip

Bình Minh -

Động thái này là một bước leo thang mới của cuộc chiến thương mại trong lĩnh vực công nghệ giữa Bắc Kinh với Mỹ và châu Âu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/Bloomberg.

Trung Quốc áp hạn chế xuất khẩu đối với hai kim loại giữ vai trò quan trọng trong linh kiện bán dẫn, thiết bị viễn thông và công nghiệp ô tô điện. Động thái này là một bước leo thang mới của cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” trong lĩnh vực công nghệ giữa Bắc Kinh với Mỹ và châu Âu.

Hãng tin Bloomberg dẫn một tuyên bố ngày 3/7 của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, hai kim loại gallium và germanium, cùng với các hợp chất, sẽ trở thành đối tượng của các biện pháp xuất khẩu có mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bắt đầu từ ngày 1/8. Các nhà xuất khẩu hai kim loại này từ Trung Quốc sẽ phải xin cấp phép từ Bộ Thương mại nước này và phải báo cáo chi tiết về bên mua ở nước ngoài cũng như việc lô hàng sẽ được sử dụng vào mục đích gì - theo tuyên bố.

Trung Quốc đang ra sức để đạt tới vị trí thống lĩnh công nghệ ở tất cả các mảng của lĩnh vực này, từ điện toán lượng tử cho tới trí tuệ nhân tạo (AI) và sản xuất con chip. Về phần mình, Mỹ áp dụng các biện pháp ngày càng cứng rắn để ngăn Trung Quốc không giành được thế thượng phong. Washington cũng kêu gọi đồng minh ở châu Âu và châu Á hành động thương tự, và lời kêu gọi đó đã đạt một số thành công.

Động thái hạn chế xuất khẩu mới nhất của Trung Quốc còn được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới xoay sở để giảm bớt sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng trong nước vào trang thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài.

Trao đổi với Bloomberg, nhà phân tích Roger Entner của công ty Recon Analytics nhận định ảnh hưởng đối với ngành công nghệ từ việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu 2 kim loại trên “tuỳ thuộc vào lượng dự trữ thiết bị sẵn có”.

“Ảnh hưởng sẽ rõ hơn từ khoảng năm tới trở đi. Nếu biện pháp hạn chế kéo dài, giá sẽ tăng”, ông Erntner nói.

Trung Quốc là nước sản xuất lớn nhất thế giới cả gallium và germanium. Hai kim loại này có ứng dụng trong sản xuất xe điện, công nghiệp quốc phòng và màn hình. Gallium và germanium có vai trò trong sản xuất một số thiết bị bán dẫn phức hợp - loại thiết bị phối hợp nhiều linh kiện khác nhau để cải thiện tốc độ và hiệu quả truyền dẫn. Trung Quốc chiếm khoảng 94% sản lượng gallium của thế giới - theo dữ liệu từ UK Critical Minerals Intelligence Centre.

Tuy nhiên, các kim loại này không đặc biệt hiếm hoặc khó tìm, dù nguồn cung từ Trung Quốc đã giữ chúng ở mức giá rẻ và chi phí khai thác chúng ở những nơi khác có thể tương đối cao. Cả hai kim loại đều là sản phẩm phụ từ quá trình chế biến các mặt hàng khác như than đá và bauxite - nguyên liệu để sản xuất nhôm. Với nguồn cung hạn chế, mức giá cao hơn có thể thúc đẩy gia tăng sản xuất gallium và germanium từ ​​các quốc gia khác.

Ông Christopher Ecclestone, Giám đốc công ty Hallgarten & Co, nhận định: “Khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, việc khai thác những kim loại này ở phương Tây đột nhiên trở nên khả thi hơn, khi đó Trung Quốc lại có nguy cơ ‘phản lưới nhà’. Trung Quốc có được mức giá cao trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng sau đó có thể không giữ được vị thế thống trị trên thị trường. Điều tương tự đã xảy ra với Trung Quốc trước đây ở những nguyên liệu khác như antimon, vonfram và đất hiếm.”

Các quốc gia khác sản xuất gallium bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Ukraine, theo CRU Group - một nhà cung cấp thông tin về ngành công nghiệp kim loại. Germanium cũng được sản xuất ở Canada, Bỉ, Mỹ và Nga.

Động thái của Trung Quốc diễn ra sau khi Mỹ và các đồng minh tăng cường những lời lẽ chống lại nước này trong những tuần gần đây. Theo giới thạo tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch chặn việc bán một số con chip được sử dụng để chạy các chương trình AI. Chính phủ Trung Quốc mới đây đã cấm các sản phẩm của nhà sản xuất chip Mỹ Micron Technology Inc. khỏi một số lĩnh vực quan trọng sau khi cho biết đã phát hiện thấy những rủi ro “tương đối nghiêm trọng” trong một cuộc đánh giá an ninh mạng.

Chính phủ Hà Lan hôm thứ Sáu tuần trước đã công bố các biện pháp ngăn chặn ASML Holding NV - một công ty gần như độc quyền về máy móc cần thiết để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất - bán một số máy móc cho Trung Quốc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate