Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ thăm Bắc Kinh từ ngày 6-9/7, trở thành nhân vật thứ hai trong nội các của Tổng thống Joe Biden thăm Trung Quốc trong mấy tuần trở lại đây, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nỗ lực cải thiện quan hệ song phương từ chỗ đang căng thẳng trong nhiều lĩnh vực.
Theo hãng tin Bloomberg, thông báo về chuyến công du Trung Quốc của bà Yellen chấm dứt quãng thời gian nhiều tháng mà giới quan sát đồn đoán về việc liệu nhà hoạch định chính sách kinh tế cấp cao nhất của Mỹ có thăm Bắc Kinh hay không, và nếu có thì khi nào. Từ nhiều tháng trước, bà Yellen đã nói bà có dự định thăm Trung Quốc, nhưng căng thẳng leo thang - sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào năm ngoái và vụ một khinh khí cầu của Trung Quốc bị phát hiện bay trên bầu trời Mỹ - đã khiến kế hoạch bị ngưng trệ. Trung tuần tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã thăm Trung Quốc.
MỤC ĐÍCH CỦA CHUYẾN THĂM
Tại Bắc Kinh, bà Yellen sẽ gặp các quan chức cấp cao của Chính phủ Trung Quốc để thảo luận về tầm quan trọng của việc quản lý mối quan hệ Mỹ-Trung một cách có trách nhiệm, giữ liên lạc trực tiếp về các lĩnh vực quan tâm, và cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu - Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính từ chối cho biết bà Yellen sẽ gặp các quan chức nào Bắc Kinh, nhưng nói rằng bà dự kiến sẽ không có cuộc gặp nào với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ có thể phải đối mặt với những câu hỏi từ giới chức Trung Quốc về kế hoạch của chính quyền ông Biden nhằm điều tiết và có khả năng cắt đứt hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm.
Vị quan chức này cho biết thông qua chuyến thăm của bà Yellen, Mỹ muốn làm sâu sắc hơn và tăng tần suất liên lạc giữa hai nước, ổn định mối quan hệ, tránh hiểu lầm và mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực có thể.
Ưu tiên chính của Bộ Tài chính Mỹ trong mối quan hệ với Trung Quốc là hối thúc Bắc Kinh tăng cường giảm nợ cho các quốc gia đang phát triển gặp khó khăn. Chuyến thăm của bà Yellen diễn ra sau một thỏa thuận nguyên tắc đạt được mới đây về giảm nợ cho Zambia mà bà đã ca ngợi.
Trong chuyến thăm, người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ có thể phải đối mặt với những câu hỏi từ giới chức Trung Quốc về kế hoạch của chính quyền ông Biden nhằm điều tiết và có khả năng cắt đứt hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm.
Đến Bắc Kinh, bà Yellen cũng sẽ truyền đạt mối quan tâm của Mỹ và thúc đẩy Trung Quốc có hành động khắc phục đối với những vấn đề như chính sách của nước này mà Washington cho là phi thị trường - vị quan chức Bộ Tài chính cho biết.
CÁC KÊNH LIÊN LẠC
Vị quan chức cho biết Bộ Tài chính Mỹ không mong đợi những bước đột phá đáng kể xuất phát từ chuyến thăm Trung Quốc lần này của bà Yellen. Thay vào đó, họ hy vọng sẽ xây dựng các kênh liên lạc dài hạn hơn với ê-kíp kinh tế mới của chính phủ Trung Quốc và thảo luận thường xuyên hơn về các vấn đề trong mối quan hệ kinh tế song phương.
Các cuộc tham vấn giữa các quan chức kinh tế hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc thường bao gồm việc so sánh các báo cáo về triển vọng tăng trưởng của mỗi nước. Lần này, bà Yellen sẽ có cơ hội nhận được đánh giá của Chính phủ Trung Quốc về các dữ liệu kinh tế gần đây của nước này - những số liệu yếu đã khiến các nhà kinh tế khu vực tư nhân cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Ngược lại, sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ và lạm phát dai dẳng ở nước này đã thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ chủ trương thắt chặt hơn nữa - một động lực khiến đồng USD tăng giá gần đây so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng như nhiều đồng tiền khác ở khu vực châu Á.
Trong một bài phát biểu hồi tháng 4, bà Yellen cảnh báo rằng Mỹ sẵn sàng chấp nhận trả giá về mặt kinh tế để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia khỏi các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Sự tương tác giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay chỉ còn là cái bóng của những gì trước đây. Bộ trưởng Tài chính có thời điểm gặp cấp tương đương của Trung Quốc 6 tháng một lần, thông qua “Đối thoại kinh tế chiến lược”. Tuy nhiên, những cuộc gặp như vậy đã không còn tồn tại dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, người đã khơi mào một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Cả bà Yellen và các quan chức hàng đầu của Nhà Trắng trong những tháng gần đây đã tìm cách nhấn mạnh rằng Mỹ không tìm cách phân ly khỏi Trung Quốc, mà chỉ tìm cách giảm thiểu rủi ro. Mặc dù vậy, trong một bài phát biểu hồi tháng 4, bà Yellen cảnh báo rằng Mỹ sẵn sàng chấp nhận trả giá về mặt kinh tế để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia khỏi các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Đối tác mới của bà Yellen ở Bắc Kinh là Phó thủ tướng Hà Lập Phong, một người thân tín lâu năm của ông Tập Cận Bình. Ông Hà là người kế nhiệm ông Lưu Hạc - một người nói tiếng Anh lưu loát, từng học tại Đại học Harvard, và là một nhân vật kỳ cựu của Trung Quốc trong các diễn đàn quốc tế. Khi bà Yellen và ông Lưu gặp ở Zurich vào tháng 1 năm nay, mối quan hệ của họ thân thiện đến mức có lúc hai vị quan chức bỏ mặc các trợ lý của mình để tiếp tục nói chuyện. Các nhà phân tích sẽ quan tâm theo dõi mức độ thân thiện giữa bà Yellen và ông Hà trong cuộc gặp sắp tới.
Những vấn đề khác có thể được đưa ra trong các cuộc thảo luận trong khuôn khổ chuyến thăm có thể bao gồm việc Trung Quốc gần đây siết chặt kiểm soát đối với việc truy cập thông tin về các công ty của nước này, và các câu hỏi về triển vọng của các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch của Mỹ. Về phần mình, Trung Quốc liên tục nhấn mạnh rằng đất nước họ chào đón các công ty nước ngoài.
“Họ có một số thách thức kinh tế và tôi nghĩ họ muốn đảm bảo duy trì được một môi trường tích cực cho đầu tư nước ngoài,” bà Yellen nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Về một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung, hồi giữa tháng 6, Tổng thống Biden cho biết ông dự kiến sẽ gặp ông Tập sau vài tháng nữa. Hai nhà lãnh đạo đã gặp ở Indonesia vào tháng 11 năm ngoái, tại thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới G20.