March 30, 2023 | 12:07 GMT+7

Anh có thể được phê chuẩn vào CPTPP trong tuần này

Phương Linh -

Theo nguồn tin thân cận của tờ báo Nikkei Asia, 11 nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến quyết định việc Anh gia nhập hiệp định trong tuần này...

Hiện tại Anh đã có các hiệp định thương mại tự do song phương với 9/11 quốc gia thành viên CPTPP - Ảnh: Reuters
Hiện tại Anh đã có các hiệp định thương mại tự do song phương với 9/11 quốc gia thành viên CPTPP - Ảnh: Reuters

Nguồn tin cho hay các nước thành viên sẽ “bật đèn xanh” cho việc gia nhập CPTPP của Anh tại một cuộc họp cấp bộ trưởng trực tuyến diễn ra vào ngày 31/3. Sau đó, các quy trình tiếp theo sẽ được tiến hành để chính thức hóa việc gia nhập của Anh.

Như vậy, Anh sẽ trở thành quốc gia đầu tiên không phải thành viên sáng lập gia nhập CPTPP, cho thấy sức hấp dẫn của hiệp định thương mại trải dài khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương này.

“Chúng tôi đang đạt được những bước tiến lớn trong quá trình gia nhập CPTPP và đặt mục tiêu kết thúc các cuộc đàm phán trong thời gian sớm nhất”, người phát ngôn Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh cho biết. “Chính phủ đang làm việc để đảm bảo rằng Anh gia nhập hiệp định với những điều khoản phù hợp với các doanh nghiệp Anh và phù hợp với các ưu tiên của chúng tôi”.

Trong khi đó, việc Anh gia nhập hiệp định được dự báo sẽ không có nhiều tác động về mặt kinh tế nếu xét ở mức độ giao thương hiện tại cũng như khoảng cách giữa Anh và hầu các nước thành viên CPTTP, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện tại Anh đã có các hiệp định thương mại tự do song phương với 9/11 quốc gia thành viên CPTPP với nhiều cấp độ thực hiện khác nhau.

CPTPP được ký kết bởi 11 thành viên vào ngày 8/3/2018 tại Chile - Ảnh: Getty Images
CPTPP được ký kết bởi 11 thành viên vào ngày 8/3/2018 tại Chile - Ảnh: Getty Images

“Đối với Anh, lợi ích về kinh tế trong dài hạn từ CPTPP có thể hạn chế nếu so với những thiệt hại kinh tế của việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), như chính Chính phủ nước này dự báo”, nhà nghiên cứu cấp cao tại thương mại quốc tế Minako Morita-Jaeger tại Trường Kinh doanh Đại học Sussex và Cơ quan giám sát Chính sách Thương mại Anh, nhận xét.

Tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), CPTPP được ký bởi 11 thành viên sáng lập vào năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi. Bất kỳ thành viên mới nào muốn gia nhập phải đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đồng thời nhận được sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên hiện tại.

CPTPP hứa hẹn mở ra nhiều thị trường cho Anh với những lợi ích liên quan tới dòng chảy dữ liệu và tiêu chuẩn chung. Với việc được “bật đèn xanh”, Chính phủ Anh sẽ phải thực hiện các thay đổi cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định trong một khoảng thời gian định trước.

Tuy nhiên, theo ông David Henig, giám đốc Dự án Chính sách Thương mại Anh tại Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế Châu Âu (ECIPE), cho rằng động thái gia nhập CPTPP của Anh “thiên về chính trị nhiều hơn là kinh tế".

“CPTPP, hiện không gồm bất kỳ cường quốc hàng đầu thế giới nào, có thể đóng vai trò quan trọng ở một thời điểm trong tương lai, mà ở đó Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chịu áp lực bởi các hành động của Mỹ, EU và Trung Quốc”, ông Henig nhận định.

Trong khi đó, giáo sư Tsuyoshi Kawase, tại Khoa luật của Đại học Sophia (Nhật), cho rằng “CPTPP có thêm thành viên là một nền kinh tế lớn như Anh đồng nghĩa Nhật Bản có một đối tác đáng tin cậy để dẫn dắt cả khối”.

Về phía Anh, Chính phủ nước này cũng nhấn mạnh giá trị thực sự của việc gia nhập CPTPP nằm ở khả năng ảnh hưởng đến các cấu trúc quốc tế. Sau khi rời khỏi EU - khối thương mại trị giá 14,5 nghìn tỷ Euro (khoảng 15,4 nghìn tỷ USD), các quan chức Anh đang chịu áp lực để hoàn thành cam kết của các thủ tướng rằng việc rời EU sẽ cho phép nước này ký kết được những hiệp định thương mại lớn trên toàn thế giới. Các nước thành viên CPTPP hiện tại có tổng dân số khoảng 500 triệu người, chủ yếu là các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á.

Theo các nhà phân tích, sau Anh, các nước thành viên CPTPP sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ phức tạp và mang tính địa chính trị nhiều hơn, đó là xem xét đơn xin gia nhập hiệp định của Trung Quốc và Đài Loan.

Tháng 9/2021, Trung Quốc và Đài Loan lần lượt nộp đơn chính thức xin gia nhập CPTPP. Điều này khiến các nước thành viên của hiệp định đối mặt với một quyết định khó xử do những mâu thuẫn hiện tại giữa Bắc Kinh và chính quyền Đài Loan.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù quy trình gia nhập của Trung Quốc được khởi động thì việc này có thể sẽ không diễn ra nhanh chóng.

“Các thành viên hiện tại nói rằng họ không vội xúc tiến việc gia nhập của các ứng viên tương lai sau khi Anh gia nhập vì quy trình này phức tạp hơn so với dự kiến”, ông Henig của Dự án Chính sách thương mại Anh, cho biết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate