November 17, 2021 | 06:00 GMT+7

Vì sao Mỹ sẽ không gia nhập CPTPP?

Hoài Thu -

Nhấn mạnh quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng sẽ không gia nhập hiệp định CPTPP thời điểm này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết Washington cởi mở với một khuôn khổ hợp tác cùng Nhật Bản cùng các quốc gia thân thiện khác...

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo bắt đầu chuyến công du châu Á kéo dài 4 ngày bằng chuyến thăm Nhật Bản ngày 15/11 - Ảnh: Nikkei Asia
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo bắt đầu chuyến công du châu Á kéo dài 4 ngày bằng chuyến thăm Nhật Bản ngày 15/11 - Ảnh: Nikkei Asia

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo ngày 15/11 cho biết nước này sẽ thiết lập một khuôn khổ pháp lý vượt trên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương  (CPTPP).

“Mỹ có tầm nhìn hướng đến một khuôn khổ kinh tế mà theo nhiều cách có thể mạnh hơn so với các hiệp định thương mại tự do truyền thống”, bà Raimondo chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây.

Nhấn mạnh quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng sẽ không gia nhập hiệp định CPTPP thời điểm này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ nêu rõ Washington cởi mở với một khuôn khổ hợp tác cùng Nhật Bản cùng các quốc gia thân thiện khác, bao gồm nhiều lĩnh vực như công nghệ, chuỗi cung ứng.

Trước đó, ông Biden cũng thông báo về kế hoạch xây dựng một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á được tổ chức trực tuyến vào cuối tháng 10.

“Chúng tôi mong muốn ký thỏa thuận với các nền kinh tế trong khu vực. Đây sẽ là khuôn khổ kinh tế mạnh mẽ”, bà Raimondo cho biết.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã tham gia các cuộc đàm phán của Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), được ký kết vào năm 2016 nhưng chưa bao giờ được thực thi. Mỹ đã rút khỏi TPP dưới thời kế nhiệm của ông Obama – Tổng thống Donald Trump và CPTPP ra đời thay thế cho TPP. CPTPP hiện có 11 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Trung Quốc và Đài Loan đã lần lượt đăng ký tham gia hiệp định này hồi tháng 9.

Theo nhiều nhà phân tích, nếu Trung Quốc đáp ứng đủ các điều kiện và được chấp thuận gia nhập CPTPP, Mỹ có thể sẽ gặp bất lợi trong chiến lược tăng cường sức ảnh hưởng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.

"Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, quan hệ thương mại của nước này với các quốc gia châu Á vốn đã phụ thuộc đáng kể vào thị trường nước này sẽ càng được củng cố hơn nữa. Và khi việc này mang đến cho Bắc Kinh đòn bẩy chính trị lớn hơn với các nước trong khu vực, Mỹ lại không đưa ra được lựa chọn thay thế nào", chiến lược gia về kinh tế và địa chính trị Brian Klein - một cựu quan chức ngoại giao và thương mại của Mỹ - nhận định.

Theo chiến lược gia này, Washington đang phung phí một trong những tài sản quốc tế giá trị nhất của mình - một thị trường công bằng và dễ tiếp cận. Nếu Mỹ không nắm lấy các cơ hội, hoạt động kinh tế sẽ chảy tới những thị trường dễ tiếp cận hơn. CPTPP giúp giảm thuế quan với nhiều mặt hàng, mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương và điều này cũng có lợi cho Mỹ.

CPTPP được ký kết với sự tham gia của 11 nước tại Chile vào tháng 3/2018 - Ảnh: Ap
CPTPP được ký kết với sự tham gia của 11 nước tại Chile vào tháng 3/2018 - Ảnh: Ap

Trong cuộc phỏng vấn, được phát trong chương trình "World Business Satellite" của kênh truyền hình Tokyo, bà Raimondo cho biết Nhật Bản và Mỹ có chung nhiều mối quan tâm cũng như lợi thế.

Trong chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Thương mại Mỹ, hai bên đã thống nhất thành lập Thỏa thuận hợp tác công nghiệp và thương mại Mỹ - Nhật. Nêu rõ các vấn đề trong chuỗi cung ứng, bà Raimondo cho biết tình trạng thiếu chip toàn cầu và năng lượng sạch là hai trong số các vấn đề ưu tiên của hai quốc gia.

Đề cập tới việc phát triển kinh tế số, bà Raimondo cho rằng việc này cần chú trọng tới các giá trị dân chủ và bảo vệ quyền riêng tư. Bà cũng cho biết đã gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó nói về kế hoạch chi tiêu cho cho cơ sở hạ tầng của chính quyền Biden và Washington mong muốn hợp tác với các tập đoàn Nhật Bản.

Về thuế quan Mỹ đang áp lên thép và nhôm nhập khẩu từ Nhật, bà Raimondo cho biết bà đang tìm cách giải quyết những bất đồng bởi Nhật Bản là một đồng minh của Mỹ.

“Công suất dư thừa của ngành thép Trung Quốc đang làm méo mó thị trường toàn cầu và làm tổn hại đến các nhà sản xuất thép của Nhật Bản cũng như của Mỹ”, bà nói. "Chúng tôi muốn hợp tác với Nhật để chống lại tình trạng dư thừa do Trung Quốc và bảo vệ ngành công nghiệp của chúng tôi cũng như của Nhật Bản”.

Sau Nhật Bản, bà Raimondo sẽ đến Singapore và Malaysia. Chuyến công du kéo dài 4 ngày của bà dự kiến kết thúc vào thứ Năm tuần này (18/11).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate