Ngày 2/4, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố kế hoạch thuế quan đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại, Thủ tướng Anh Keir Starmer lên tiếng khẳng định chính sách ngoại giao kiên nhẫn của ông với Washington đã mang lại hiệu quả.
Ông Starmer nói rằng nhờ sự kiên nhẫn này mà ông Trump chỉ áp thuế quan 10% lên hàng hóa Anh nhập khẩu vào Mỹ, bằng một nửa so với mức thuế 20% áp lên hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU).
Ông nói rằng cách tiếp cận của mình đã “cứu” được hàng nghìn việc làm, nhưng khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán một thỏa thuận thương mại Anh-Mỹ mà theo đó Washington sẽ loại bỏ thuế quan với hàng hóa Anh.
10% là mức cơ sở trong kế hoạch thuế đối ứng được ông Trump công bố ngày 2/4, được áp dụng với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ. Khoảng 60 quốc gia sẽ chịu thuế quan đối ứng cao hơn, bao gồm Trung Quốc (34%), Hàn Quốc (25%), Nhật Bản (24%), Việt Nam (46%)…
Trong khi ông Starmer dường như “thở phào nhẹ nhõm” bởi hàng hóa Anh chỉ bị áp thuế quan đối ứng cơ sở, một số quan chức Anh bày tỏ sự thất vọng khi ông Trump làm đảo lộn hệ thống thương mại toàn cầu và không miễn trừ cho Anh - một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ.
“Chúng tôi hoàn toàn không muốn bị áp thuế quan”, một quan chức chính phủ Anh phát biểu.
Tuy nhiên, theo vị quan chức, việc Washington áp thuế quan thấp hơn với hàng hóa Anh là minh chứng cho cách tiếp cận đúng đắn của Chính phủ.
“Sự khác biệt giữa 10% và 20% là hàng nghìn việc làm”, người này nhận xét. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán, bình tĩnh và điềm tĩnh. Chúng tôi muốn đàm phán một thỏa thuận thương mại bền vững và tất nhiên để đưa thuế quan xuống mức thấp hơn. Ngày mai cũng tôi sẽ tiếp tục công việc đó”.
Thời gian qua, Thủ tướng Anh Starmer nhiều lần nhấn mạnh rằng Anh có quan hệ thương mại cân bằng với Mỹ và không nên bị trừng phạt bởi thuế quan đối ứng.
Theo dự kiến, Bộ trưởng Thương mại Anh Jonathan Reynolds sẽ cập nhật thông tin về thuế quan Mỹ cho các nghị sĩ Quốc hội Anh trong ngày 3/4. Ông cảnh báo rằng Anh sẽ không loại trừ khả năng sẽ trả đũa thuế quan Mỹ nếu không đạt được thỏa thuận thương mại.
“Chúng tôi có nhiều công cụ và không ngại sử dụng chúng”, ông Reynolds cho biết. “Không ai muốn xảy ra chiến tranh thương mại cả và mong muốn của chúng tôi vẫn đạt được một thỏa thuận”.
Theo tờ báo Financial Times, nhiều tuần qua, ông Reynolds đã đối thoại với các ngành công nghiệp tại Anh có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn bởi thuế quan Mỹ, bao gồm dược phẩm, thép và ô tô. Tại các cuộc đối thoại, hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp Anh kiến nghị nhà chức tránh nên chú trọng đàm phán thỏa thuận thương mại để giảm thuế quan.
Trên thực tế, ngoài thuế quan đối ứng cơ sở 10%, ông Trump hiện đang áp thuế quan 25% với nhôm và thép nhập khẩu, đồng thời sẽ triển khai việc áp thuế 25% với ô tô và phụ tùng nhập khẩu từ ngày 3/4.
“Thông báo của Tổng thống Mỹ về việc áp thuế quan đối ứng 10% với hàng hóa Anh và 25% với ô tô, nhôm thép có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất Anh”, ông Stephen Phipson, giám đốc của Make UK, tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất Anh, nhận xét.
Trong đàm phán thỏa thuận thương mại với Mỹ, ông Starmer đề xuất giảm hoặc xóa bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số của Anh - loại thuế ảnh hưởng lớn tới các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, đồng thời đề xuất giảm thuế quan với một số mặt hàng Mỹ như thịt và hải sản.
Ông Lord Peter Mandelson, đại sứ Mỹ tại Anh, cũng đang theo đuổi một thỏa thuận công nghệ với Washington theo hướng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và hàng không vũ trụ.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc Mỹ áp thuế quan đối ứng với Anh thấp hơn áp với EU có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa London và Brussels vào thời điểm ông Starmer đang có gắng “thiết lập lại” mối quan hệ với EU sau khi Anh rời khỏi khối này vào năm 2020 - còn gọi là Brexit.
Ông Starmer cũng có thể đối mặt rắc rối chính trị nếu ông từ chối phản ứng với thuế quan Mỹ, trong bối cảnh các đồng minh như EU và Canada đang đáp trả bằng các biện pháp thương mại.
Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, ông Ed Davey, ngày 2/4 kêu gọi ông Starmer hợp tác với EU, Canada và các đối tác khác để thành lập một "liên minh kinh tế tự nguyện" phản ứng với thuế quan của ông Trump.
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Anh gần đây cảnh báo rằng kế hoạch dự phòng ngân sách 9,9 tỷ bảng Anh của Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves sẽ bị “thổi bay” nếu chính sách thuế quan của ông Trump châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu toàn diện và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Anh.