Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn xem thuế quan là một trọng tâm chính trong chương trình nghị sự kinh tế của mình và cũng mở rộng việc sử dụng thuế quan như một công cụ ngoại giao.
Ông Trump đã dùng đến thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm nay, ông sử dụng công cụ này quyết liệt hơn bất kỳ tổng thống nào trong lịch sử hiện đại của Mỹ.
Theo dự kiến, ông chủ Nhà Trắng sẽ công bố kế hoạch thuế quan đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả đối tác thương mại vào ngày 2/4. Đây sẽ là chương trình thuế quan có quy mô lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Một điều được nhiều người quan tâm lúc này là rào cản thương mại này sẽ có tác động ra sao.
Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng nhìn lại tác động của thuế quan Mỹ trong nhiệm kỳ trước của ông Trump và nhiệm kỳ của Tổng thống Barrack Obama với một số mặt hàng cụ thể, theo phân tích của hãng tin Reuters.
NGƯỜI MỸ TỐN THÊM 1,5 TỶ USD VÌ THUẾ QUAN MÁY GIẶT
Năm 2018, ông Trump áp thuế quan bổ sung tối đa 50% với máy giặt nhập khẩu, một động thái được cho là cần thiết để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước và việc làm cho người lao động Mỹ.
Sau đó, một số nhà sản xuất nước ngoài đã chuyển một phần sản xuất sang Mỹ, trong khi các nhà sản xuất Mỹ - chủ yếu là Whirlpool - tăng nhẹ tuyển dụng lao động. Một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên tạp chí American Economic Review ước tính thuế quan với máy giặt của ông Trump có thể đã tạo ra khoảng 1.800 việc làm.
Tuy nhiên, giá tăng do thuế quan đã khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm 1,5 tỷ USD mỗi năm khi mua máy giặt
Do hiệu ứng lan truyền từ thuế quan máy giặt, giá máy sấy quần áo tại Mỹ cũng tăng dù mặt hàng này không chịu thuế quan. Nguyên nhân là máy giặt và máy sấy thường được bán cùng nhau và nhiều công ty đã tăng giá máy sấy để bù đắp cho biên lợi nhuận giảm do thuế quan máy giặt. Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất Mỹ cũng tranh thủ cơ hội để tăng giá bán.

NGƯỜI MỸ TỐN THÊM 1,1 TỶ USD VÌ THUẾ QUAN LỐP XE
Tương tự như thuế quan máy giặt của ông Trump, thuế quan với lốp xe của cựu Tổng thống Obama cũng không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Thuế quan với lốp xe nhập khẩu vào Mỹ được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2009 trong nhiệm kỳ của ông Obama để tăng sản lượng và việc làm trong nước trước làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc. Năm đó, thuế quan với lốp xe được quyết định là 35%, sau đó giảm xuống 30% vào năm 2010 và 25% năm 2011.
Hết hạn vào năm 2012, thuế quan này đã làm giảm nhập khẩu lốp xe Trung Quốc vào Mỹ nhưng không mang lại nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất Mỹ. Theo các nhà phân tích, dòng chảy lốp xe Trung Quốc đã chuyển hướng sang Mỹ Latin và các nước châu Á khác trước khi vào Mỹ.
Ba năm sau đó, trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang (State of the Union) năm 2012, ông Obama nói rằng nỗ lực trên đã giúp mang lại cho người Mỹ hơn 1.000 việc làm. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cái giá của những việc làm đó là người tiêu dùng Mỹ tốn thêm 1,1 tỷ USD trong năm 2011 do giá lốp xe tăng.

GIÁ TV GIẢM DÙ BỊ ÁP THUẾ QUAN
Thuế quan không có tác động giống nhau với mọi hàng hóa nhập khẩu. TV là một ví dụ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump áp thuế quan bổ sung 25% với thiết bị và máy móc điện tử từ Trung Quốc. Các mặt hàng này bao gồm TV màn hình phẳng. Thời điểm đó, Trung quốc chiếm hơn 50% TV nhập khẩu vào Mỹ - theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC).
Bị áp thuế quan, giá TV tại Mỹ vẫn tiếp tục xu hướng giảm đã ghi nhận trước đó. Thuế quan chỉ giảm chậm đà giảm giá của mặt hàng này. Giá TV tăng trong một thời gian ngắn do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và lạm phát trong kỷ nguyên đại dịch Covid-19, chứ không phải do thuế quan.
Trước khi thuế quan của ông Trump có hiệu lực năm 2017, Trung Quốc là nhà cung cấp TV lớn nhất của Mỹ. Sau đó, TV Trung Quốc vẫn tiếp tục vào thị trường Mỹ nhưng qua Mexico. Đây là lý do ông Trump muốn áp thuế quan với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mexico – nước xuất khẩu nhiều hàng hóa vào Mỹ nhất thế giới.

GIÁ ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH LIÊN TỤC GIẢM 5 NĂM QUA
Điện thoại thông minh tránh được thuế quan trong cuộc chiến thương mại đầu tiên do ông Trump khởi xướng năm 2018 nhưng lần này có thể sẽ không may mắn như vậy.
Đáng chú ý là giá điện thoại thông minh giảm đều trong 5 năm qua kể từ khi Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ bắt đầu theo dõi riêng giá mặt hàng này trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng.

Thuế quan bổ sung 20% với hàng hóa từ Trung Quốc mà ông Trump mới đưa ra gần đây sẽ áp dụng cho một số danh mục hàng điện tử quan trọng của Trung Quốc, trong đó có điện thoại thông minh, và không bị ảnh hưởng bởi các thuế quan trước đó.