January 24, 2025 | 13:58 GMT+7

Áp lực đáo hạn trái phiếu gia tăng trong năm 2025, đạt đỉnh vào quý 3 với 70.000 tỷ

Thu Minh -

Áp lực đáo hạn sẽ gia tăng dần và đạt đỉnh vào quý 3/2025 với lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lên tới khoảng 70 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 1,6 lần so với cùng kỳ... 

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong tháng 12 ước đạt khoảng 68,7 nghìn tỷ đồng, tăng 88% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ, theo số liệu từ Chứng khoán MBS.

Đáng chú ý, ngành Ngân hàng không còn là ngành có tỷ trọng phát hành áp đảo trong kỳ khi ngành Bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần lên với giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng đạt gần 25,5 nghìn tỷ đồng - mức phát hành trong tháng cao nhất trong năm 2024 - chiếm 37% tổng giá trị phát hành của toàn thị trường.

Các đợt phát hành đáng chú ý trong tháng gồm: Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp An Thịnh giá trị 7 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 84 tháng, lãi suất 3%, Công ty CP Vinhomes 4 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 12%.

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2024 đạt hơn 472.1 nghìn tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân gia quyền trong 12 tháng năm 2024 ước khoảng 7,2%, thấp hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.

Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với hơn 318.4 nghìn tỷ, tăng 77% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 67%, lãi suất bình quân gia quyền là 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân 5.1 năm. Các Ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm có: ACB (36,4 nghìn tỷ đồng), HDBank (34,4 nghìn tỷ đồng), OCB (31,4 nghìn tỷ đồng).

MBS cho rằng ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm củng cố nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2025 với mục tiêu dự kiến ở mức 16%.

Tổng giá trị phát hành của nhóm Bất động sản đạt hơn 86,2 nghìn tỷ đồng tăng 9% so với cùng kỳ chiếm tỷ trọng 18%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản ở mức 10,6%/năm, kỳ hạn bình quân là 3 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Công ty CP Vinhomes (20,5 nghìn tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup (10 nghìn tỷ đồng) và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp An Thịnh (7 nghìn tỷ đồng).

Bước sang năm 2025, hoạt động phát hành của ngành Bất động sản được kỳ vọng sẽ trở nên sôi động hơn khi được tháo gỡ pháp lý trên diện rộng hơn trong việc triển khai các dự án mới, qua đó sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu về vốn trong thời gian tới.

Hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh so với tháng trước. Trong tháng 12, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn ước tính khoảng 41,1 nghìn tỷ đồng, tăng 276% so với tháng trước, trong đó Ngân hàng chiếm 83%, nhóm Bất động sản chiếm 14%. Trong năm 2024, khoảng 214,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 14% so với cùng kỳ.

Áp lực đáo hạn là mối quan tâm lớn trong năm 2025. Tính đến hết tháng 12, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 205,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 69% giá trị chậm trả.

MBS ước tính khoảng 177,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2025 tăng 9% so với năm 2024. Đáng chú ý, việc nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định về việc giới hạn gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm, sẽ dẫn đến khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn kể từ quý 2. Theo đó, áp lực đáo hạn sẽ gia tăng dần và đạt đỉnh vào quý 3 với lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lên tới khoảng 70 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 1,6 lần so với cùng kỳ. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate