September 05, 2024 | 10:05 GMT+7

Áp lực lạm phát và lương hưu khiến làm việc sau tuổi 70 thành tiêu chuẩn mới ở Nhật

Ngọc Trang -

Nhật Bản đang trở thành một trường hợp nghiên cứu điển hình để các nước phát triển khác có xu hướng nhân khẩu học tương tự rút kinh nghiệm...

Khoảng 20% người trên 65 tuổi sống trong cảnh nghèo, cao hơn nhiều so với mức bình quân 14,2% của các nước thuộc OECD - Ảnh: Japan Times
Khoảng 20% người trên 65 tuổi sống trong cảnh nghèo, cao hơn nhiều so với mức bình quân 14,2% của các nước thuộc OECD - Ảnh: Japan Times

Tại Nhật Bản, tuổi thọ đang ngày càng tăng, trong khi hệ thống hưu trí gặp nhiều khó khăn và lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Do đó, nhiều người phải trì hoãn kế hoạch nghỉ hưu tới sau 70 tuổi hoặc muộn hơn nữa, tiếp tục làm việc để trang trải cuộc sống.

Bà Michie Hino là một trong số đó. Dù đã 77 tuổi, hiện bà làm công việc vệ sinh và giặt giũ 8 tiếng mỗi ngày tại một trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở phía Đông Tokyo. Mức lương hưu hàng tháng của bà Hino là 40.000 yên (tương đương 272 USD), một con số quá thấp để trang trải chi phí sinh hoạt tại Tokyo. Với công việc tại trung tâm trên, bà kiếm được 160.000 yên mỗi tháng, đủ cho các nhu cầu cơ bản và thậm chí tiết kiệm được một chút.

KHÔNG SỐNG ĐƯỢC BẰNG LƯƠNG HƯU

Nhật Bản là một trong những quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới, với tuổi thọ bình quân của nam giới là 81 tuổi và nữ giới là 87 tuổi. Điều này đang gây áp lực lớn lên hệ thống hưu trí của Nhật và đưa nước này trở thành một trường hợp nghiên cứu điển hình để các nước phát triển khác có xu hướng nhân khẩu học tương tự rút kinh nghiệm.

Vấn đề này có thể sẽ trở thành một trọng tâm của cuộc bầu cử tại Nhật trong tháng 9, khi các ứng viên Thủ tướng tập trung vào các chính sách giải quyết tác động của tình trạng chi phí sinh hoạt cao đối với cử tri, đặc biệt là người cao tuổi. Cuộc bầu cử sẽ xác định người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Fumio Kishida, người đang chứng kiến tỷ lệ ủng hộ sụt giảm do mối lo lạm phát dai dẳng.

“Chính phủ có xu hướng tập trung ưu tiên các vấn đề của người trẻ, như tỷ lệ sinh giảm. Tuy nhiên, vấn đề liên quan tới người cao tuổi vẫn cực kỳ quan trọng”, ông Nobuhiro Maeda, nhà phân tích cấp cao tại NLI Research Institute, nhận xét.

Bà Michie Hino tại nơi làm việc của mình - Ảnh: Bloomberg
Bà Michie Hino tại nơi làm việc của mình - Ảnh: Bloomberg

Theo hãng tin Bloomberg, kinh nghiệm hệ thống hưu trí của Nhật sẽ mang lại bài học quan trọng cho các nhà hoạch địch chính sách tại Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ - những nước cũng đang chật vật với vấn đề già hóa dân số. Tuy nhiên, thách thức của Nhật nan giải hơn bởi dân số nước này già hơn nhiều so với các quốc gia kể trên.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tại Nhật, khoảng 20% người trên 65 tuổi sống trong cảnh nghèo, cao hơn nhiều so với mức bình quân 14,2% của các nước thuộc OECD. Đây là tỷ lệ được tính toán trước khi nước này lần đầu ghi nhận lạm phát trong nhiều thập kỷ hơn 2 năm trở lại đây.

Không nhiều người cao tuổi ở Nhật có thể sống nhờ vào lương hưu. Tổng lương hưu và các phúc lợi khác bình quân của một người cao tuổi tại nước này là 144.982 yên (986 USD) mỗi tháng, chưa bằng một nửa chi phí sinh hoạt bình quân của một hộ gia đình có từ 2 người trở lên. Theo trang web An sinh Xã hội của Mỹ, mức lương hưu bình quân ước tính tại nước này vào tháng 1/2024 là 1.907 USD.

Trở lại với bà Hino, bà yêu thích công việc tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi của mình bởi sự vận động giúp bà chống lại tuổi già. Bên cạnh đó, bà cũng cần phải tiếp tục làm việc để trang trải chi phí sinh hoạt, đặc biệt là trong bối cảnh giá cả tiêu dùng tăng trên 2% trong hơn 2 năm qua. 

“Mọi thứ dường như đều đắt đỏ hơn”, bà Hino chia sẻ. “Mỗi khi đi mua sắm, tôi thấy giá cả đều đắt hơn”.

Một báo cáo của Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản năm 2019 đã làm dấy lên mối lo trong xã hội nước này khi kết luận rằng người dân Nhật cần có tiền tiết kiệm lên tới 20 triệu yên để bổ trợ cho lương hưu. Trong nỗi giận dữ của dân chúng, Bộ trưởng Tài chính Nhật khi đó là ông Taro Aso đã rút lại và nói rằng báo cáo trên đã “gây hiểu lầm”, đồng thời khẳng định người dân hoàn toàn có thể sống được nhờ lương hưu.

Tuy nhiên, mối lo vẫn tiếp tục hiện hữu khi hệ thống hưu trí công của Nhật chứng kiến dòng tiền vào sụt giảm trong khi dòng tiền ra tăng lên. Trong 2 thập kỷ qua, số lượng người đóng góp vào quỹ hưu trí công giảm khoảng 3 triệu, trong khi số lượng người hưởng thụ tăng hơn 40%.

TIẾP TỤC LÀM VIỆC SAU 70 TUỔI

Chính phủ Nhật, hiện đang gánh khối nợ lớn gấp hơn 2 lần quy mô nền kinh tế, đã phân bổ khoảng 34% ngân sách quốc gia năm 2024 cho phúc lợi xã hội, tăng từ mức 20% của năm 2000. Với nguồn lực hạn chế, chính phủ nước này đang cân nhắc thực hiện một số cải cách, bao gồm tăng độ tuổi đóng bảo hiểm hưu thêm 5 năm lên 65 tuổi.

Để khuyến khích các công ty tiếp tục giữ lại lao động cao tuổi, Chính phủ Nhật hiện trợ cấp cho những doanh nghiệp tuyển dụng lao động trên 65 tuổi.

Hiện tại, người lao động Nhật vẫn tiếp tục làm việc khi đã ở tuổi cao hơn rất nhiều so với tuổi nghỉ hưu ở các nước phát triển khác. Theo OECD, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở nam giới trong các nhóm tuổi 65-69 và 70-74 tại Nhật đã tăng mạnh. Ở nhóm 70-74, tỷ lệ này đã tăng lên 43,3% vào năm 2023, từ mức 29,8% của hai thập kỷ trước. Trong khi đó, năm 2023, tỷ lệ này là 22,4% ở Mỹ và bình quân 17,3% tại các nước OECD khác.

Tuy nhiên, làm việc lâu hơn cũng mang lại ưu điểm, đó là người cao tuổi có mục đích sống và có cộng đồng. Gần 50% người cao tuổi trong một khảo sát của Chính phủ Nhật năm 2020 dẫn các lý do này là lợi ích chính của việc tiếp tục lao động sau tuổi nghỉ hưu. Một số người muốn tận dụng kỹ năng của mình, trong khi một số khác nói rằng họ cảm thấy lao động giúp họ khỏe mạnh.

“Người cao tuổi luôn được sếp và khách hàng cảm ơn. Điều này mang lại cho họ cảm giác có ích cho xã hội”, ông Fumio Murazeki, chủ tịch công ty Koureisha chuyên cung cấp lao động cao tuổi, cho biết. Độ tuổi bình quân của người lao động đăng ký với Koureisha là 72,1.

Tuy nhiên, khảo sát trên cũng cho thấy hơn 80% người được hỏi cảm thấy rằng ngân sách gia đình eo hẹp.

“Nhiều người cao tuổi gặp khó khăn về tài chính”, ông Maeda của NLI Research Institute, cho biết.

Tình hình hiện tại khiến người trẻ Nhật có xu hướng quan tâm hơn tới việc hoạch định tài chính cho tương lai.

“Mọi người đều lo lắng ở mức độ nhất định về hệ thống hưu trí”, bà Mariko Suzuki, CEO công ty Kinyu Joshi chuyên tổ chức các cuộc hội thảo về tài chính nhắm tới nữ giới trẻ tuổi, cho biết.

Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu công bố hồi tháng 6 của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ), tỷ trọng cổ phiếu và quỹ đầu tín thác đầu tư trong tài sản của các hộ gia đình Nhật đã tăng lên mức kỷ lục 19,7% vào cuối tháng 3/2024.

Dù con số này vẫn tương đối thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng chương trình đầu tư miễn thuế được công bố năm 2014 của Chính phủ Nhật đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của những người như Asami Masuda, một bà mẹ 35 tuổi bắt đầu đầu tư 6 năm trước.

“Tôi lo lắng về những điều có thể xảy ra khi tôi lớn tuổi hơn”, Masuda chia sẻ. “Đầu tư giúp tôi cảm thấy yên tâm hơn”.

Tại Nhật, nữ giới gặp nhiều khó khăn khi gần tới tuổi nghỉ hưu. Theo giáo sư Aya Abe tại Đại học Đô Thị Tokyo, trong số nữ giới cao tuổi độc thân, ước tính khoảng 44% sống dưới mức nghèo.

“Để duy trì các quyền lợi hưu trí, Chính phủ phải chính thức kéo dài độ tuổi làm việc của người lao động”, ông Naohiro Yashiro, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Nữ Showa, nhận định. “Nếu các quyền lợi này bị giảm, người lao động sẽ phải chật vật để trang trải chi phí sinh hoạt. Cách tiếp cận hợp lý nhất là ấn định độ tuổi bắt đầu nhận lương hưu cao hơn”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate