Theo Nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí, năm học 2022 - 2023, mức trần học phí đại học chưa tự chủ dao động từ 13,5 - 27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng). Các trường đại học tự chủ có mức học phí cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với các trường chưa tự chủ.
Nghị định này có hiệu lực chính thức từ ngày 15/10/2021. Theo đó, từ mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học công lập đã thông báo, thậm chí thu học phí tăng theo quy định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu không tăng học phí ở tất cả các bậc học.
Hàng loạt trường đại học sau đó, đã thông báo trả lại tiền học phí chênh lệch cho sinh viên do đã thu theo mức mới.
Tuy nhiên, từ năm học 2023-2024 nhiều trường bắt đầu rục rịch dự kiến tăng học phí.
Theo đề án tuyển sinh, Học viện Tài chính dự kiến học phí năm học 2023 - 2024 đối với chương trình chuẩn từ 22 - 24 triệu đồng/sinh viên/năm học; chương trình chất lượng cao từ 48 - 50 triệu đồng/sinh viên/năm học; diện tuyển sinh theo đặt hàng từ 42 - 44 triệu đồng/sinh viên/năm học.
Từ những năm học sau học phí có thể thay đổi, nếu tăng thì không quá 10%. Mức học phí dự kiến này của Học viện Tài chính tăng 10-20% so với hiện tại.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến điều chỉnh học phí chương trình chuẩn từ hơn 440.000 đồng/tín chỉ lên hơn 500.000 đồng/tín chỉ với khóa tuyển mới sắp tới; chương trình chất lượng cao, học phí là 1,5 triệu đồng/tín chỉ, tăng 200 nghìn đồng/tín chỉ so với hiện hành. Trường Đại học FPT tăng học phí chính khóa từ 27,3 triệu đồng/học kỳ/sinh viên lên 28,7 triệu đồng/học kỳ/sinh viên.
Trường Đại học Điện lực dự kiến năm học tới tăng học phí 14% so với năm học này, từ hơn 14 triệu đồng/năm đối với sinh viên khối Kinh tế và gần 16 triệu đồng/năm với khối Kỹ thuật lên tương đương gần 16 đồng và 18 triệu đồng.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm học 2022 - 2023 học phí hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Năm học tới, học phí được Nhà trường dự kiến từ 16 triệu đồng đến 22 triệu đồng/năm.
Theo quy định, học phí được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp để tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo nhưng tỷ lệ tăng không quá 15%/năm. Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học có thể kiểm định các chương trình đào tạo. Khi chương trình đào tạo được phê duyệt kiểm định, nhà trường thu được học phí ở mức cao hơn.
Vậy trong trường hợp cùng một ngành đã được kiểm định và có thêm chương trình đào tạo chất lượng cao thì chương trình chất lượng cao có phải kiểm định không?
Theo TS. Nguyễn Kim Phụng (Giám đốc Công ty luật TNHH Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục Đào tạo), theo Nghị định 81, đối tượng kiểm định là cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, không có đối tượng ngành hay chuyên ngành. Thông thường, một ngành có 1 hoặc một số chương trình đào tạo. Nếu một ngành có 1 chương trình đào tạo thì chương trình đó mang tên ngành đó. Nếu một ngành có 2 chương trình đào tạo (ví dụ chương trình đại trà và chất lượng cao) thì theo Nghị định 81, chương trình chất lượng cao phải kiểm định thì nhà trường mới được thu học phí cao hơn.
Học phí là một trong các yếu tố quan trọng khi thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường.
Trên thực tế, có không ít thí sinh khi đỗ được vào đại học, nhưng vì điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của trường đã chọn nên không thể theo học.
Bên cạnh lộ trình tăng học phí, thí sinh cũng cần chú ý thêm cách tính học phí của các trường. Cách tính học phí của các trường hiện nay rất khác nhau, có trường tính theo năm, theo kỳ, theo quý, có trường tính theo tín chỉ hoặc theo chương trình kiểm định