April 03, 2023 | 12:17 GMT+7

Gỡ vướng tự chủ đại học

Đỗ Như -

Tự chủ làm thay đổi toàn diện các mặt của cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là trụ cột về chuyên môn gồm việc mở ngành đào tạo, tuyển sinh.... Làm thế nào để tự chủ đạt hiêu quả?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại buổi tọa đàm “Tiếp tục triển khai tự chủ đại học hiệu quả theo Luật số 34/QH/2018 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP” ngày 30/3/2023, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Giám đốc Công ty luật TNHH Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục Đào tạo đã chia sẻ về những thách thức để tự chủ đại học đạt hiệu quả.

LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC PHẢI GIẢI QUYẾT TRỤ CỘT LỚN NHẤT CỦA TỰ CHỦ

Theo TS. Phụng, nói đến tự chủ đại học thì tập trung vào trường công vì chịu quản lý hành chính. Đối với trường tư, nhìn chung được tự chủ khá cao về tài sản, tài chính.

Điều 4 Luật Giáo dục đại học định nghĩa, quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục đại học, được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học.

Trong khi Luật Giáo dục đại học có vai trò quan trọng về vấn đề chuyên môn còn về lĩnh vực khác như: tổ chức - nhân sự, tài chính – tài sản bị chi phối bởi các luật chuyên ngành khác như: Bộ Luật Lao động, Luật Đầu tư, Luật Quản lý tài sản công… Tự chủ phải trên cơ sở pháp luật, đủ thẩm quyền thì không cần phải xin – cho. Cơ sở giáo dục càng tự chủ từ càng có nhiều quy định ràng buộc.

Theo Tuyên bố của Liên Hiệp các đại học Châu Âu 1988, tự chủ đại học để nói đến mức độ độc lập đối với chủ thể bên ngoài để quản trị, tổ chức thực hiện các hoạt động chức năng, tổ chức bộ máy và nhân sự, khai thác, phân bổ và sử dụng các nguồn lực, không vi phạm pháp luật và có trách nhiệm giải trình.

TS. Nguyễn Kim Phụng cho rằng có 4 dấu hiệu đặc trưng về tự chủ. Đó là nhà trường được độc lập quyết định các vấn đề liên quan đến vận mệnh của mình, làm sao để trở thành nơi sáng tạo tri thức, dẫn dắt xã hội. Tự chủ ở mức độ cao thì nhà trường mới thực hiện được vai trò này.

Thứ nữa là giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của nhà nước; tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và không loại trừ đầu tư, quản lý của nhà nước.

Theo TS. Phụng, hiện nay, nội dung về chuyên môn ngày càng mở rộng về mở ngành, tuyển sinh, đào tạo… Đây là trụ cột lớn nhất, được mở rộng và sứ mệnh của Luật giáo dục đại học là phải giải quyết vấn đề tự chủ này.

NHIỀU THÁCH THỨC CẦN VƯỢT QUA

Theo TS. Nguyễn Kim Phượng, trong giai đoạn đầu, tự chủ đại học chưa được như mong muốn. Vì vậy có rất nhiều thách thức cần phải vượt qua.

Một số thách thức cơ bản như nhận thức chưa thống nhất, có một số trường chưa hiểu hết các quy định liên quan.

Thứ hai là hệ thống pháp luật. Luật Giáo dục đại học chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều nên chưa đồng bộ.

Thứ ba là các cơ quan chủ quản còn chi phối nhiều chiều, tư duy quản trị, quản lý đổi mới, chưa xác định được hệ thống thống quy định nội bộ, phối hợp phân cấp phân quyền;

Thứ tư là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đảm bảo thu nhập cho cán bộ, giảng viên, người lao động…

Thứ năm là cạnh tranh chưa lành mạnh về thị trường nhân lực, tuyển sinh, đào tạo

Thứ sáu là hạn chế nguồn lực, hạ tầng kỹ thuật số, minh bạch thông tin, văn hóa…

Nhắc đến nguyên tắc chung về áp dụng văn bản pháp luật, nhà trường cần xác định đúng phạm vi áp dụng, thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật…

Để thực hiện tự chủ thực chất, TS Phụng cho rằng cần rất nhiều điều kiện. Nếu tính ở cấp hệ thống thì cần đổi mới nhận thức, tư duy quản lý giáo dục đại học theo hướng Nhà nước pháp quyền (bằng quy định pháp luật, các tiêu chuẩn tối thiểu để mở ngành, mở trường, cấp bằng, đào tạo chất lượng cao…);

Hệ thống chính sách, pháp luật cần đồng bộ, không có hoặc giảm vai trò bộ chủ quản (ủy quyền cho hội đồng trường);

Thừa nhận vai trò và nâng cao năng lực tự chủ của hội đồng trường và đội ngũ cán bộ quản lý; công khai minh bạch thông tin trong toàn hệ thống và từng trường trong đó nhà nước, xã hội giám sát…; xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng văn hóa chất lượng…

Ở cấp trường, cần xác định sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược để có kế hoạch, đầu tư nguồn lực phục vụ mục tiêu; xây dựng hệ thống văn bản nội bộ hữu hiệu; huy động sự tham gia thực chất của bên liên quan (cán bộ, giảng viên, sinh viên);

Lựa chọn bộ máy tối ưu, quản trị tốt (tự do học thuật, quản trị chia sẻ), phân quyền, phân nhiệm rõ ràng; tuyển dụng/bổ nhiệm theo năng lực; ổn định tài chính; tuân thủ chuẩn chất lượng…;

Thường xuyên đối sánh, cải thiện hiệu quả quản lý trị và chất lượng hoạt động; chuẩn bị nguồn lao động tốt cho phân khúc thị trường đã xác định…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate