January 28, 2018 | 19:54 GMT+7

Áp thuế tự vệ phân bón: "Cuộc chơi" cho doanh nghiệp nội

Bạch Dương

Áp thuế tự vệ phân bón DAP là công cụ được Bộ Công Thương sử dụng để thiết lập một "cuộc chơi" bình đẳng với các doanh nghiệp nội

Việc áp dụng thuế tự vệ được cho là một "mũi tên" giúp chuyện thoái vốn ở Vinachem tránh khỏi thất bại.
Việc áp dụng thuế tự vệ được cho là một "mũi tên" giúp chuyện thoái vốn ở Vinachem tránh khỏi thất bại.

Áp thuế tự vệ phân bón DAP là công cụ được Bộ Công Thương sử dụng để thiết lập một "cuộc chơi" bình đẳng với các doanh nghiệp nội, đồng thời có tính quyết định tới sự thành bại của công cuộc bán vốn của Vinachem.

Áp thuế tự vệ và chuyện thoái vốn ở Vinachem

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 16/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2017-2020. Theo đó, Vinachem sẽ có vốn điều lệ 20.000 tỷ đồng, nhà nước sẽ chỉ còn nắm cổ phần chi phối 50%.

Theo đề án này, Vinachem sẽ thực hiện bán sạch vốn sau khi doanh nghiệp hết lỗ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả tại Công ty Cổ phần DAP - Vinachem (Hải Phòng), Công ty Cổ phần DAP số 2-Vinachem (Lào Cai), Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc. Bán vốn tại 4 doanh nghiệp trên là một bài toán khó đối với Vinachem bởi đây là 4 trong số 12 dự án yếu kém, thua lỗ, chậm tiến độ của Bộ Công Thương.

Riêng với DAP số 1 và DAP số 2, hai doanh nghiệp này chìm trong khó khăn từ 2015 - 2017 do áp lực từ việc cạnh tranh với các loại phân DAP nhập khẩu, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc.

Áp lực thoái vốn lớn song để bán được đã khó, bán được giá lại càng nan giải. Bài toán khó nhưng không phải không có lời giải. Sau một thời gian khá dài điều tra việc bán phá giá phân bón trên thị trường, ngày 19/8, Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn.

Biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng trong khoảng thời gian không quá 200 ngày kể từ ngày có hiệu lực. Biện pháp này sẽ chấm dứt vào ngày 6/3/2018 hoặc Bộ Công Thương có quyết định áp thuế tự vệ chính thức.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2016 Việt Nam nhập khẩu 4,15 triệu tấn phân bón, tương ứng 1,1 tỷ USD. Bộ Công Thương dự tính, chi nhập khẩu phân bón trong năm 2017 tương đương với năm 2016 ở mức 1,1 tỷ USD. Thị trường nhập khẩu chính là từ Trung Quốc.

Việc áp dụng thuế tự vệ tạm thời được cho là một biện pháp cấp bách cứu ngành phân bón DAP trong nước ổn định sản xuất, cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ghi nhận trên thị trường, ngay sau khi áp thuế, giá các loại phân bón NPK có giá dao động từ 530.000 đồng - 800.000 đồng/bao, tăng 30.000 - 90.000 đồng/bao so với vụ trước đó.

Về phía các doanh nghiệp, áp dụng thuế tự vệ giống như "đũa thần" giúp các công ty này thoát khỏi "vũng lầy" ổn định tài chính, là cơ sở để thoái vốn thành công theo đề án của Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ tháng 8/2017, Công ty Cổ phần DAP - Vinachem đã có lãi trong kỳ khoảng 4 tỷ đồng, tháng 9/2017 ước lãi 6,766 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2017 có lãi lũy kế. Tuy nhiên DAP số 2 và Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc vẫn lỗ do gặp nhiều khó khăn về giá nguyên liệu cao, trong khi giá sản phẩm thấp và nhiều chính sách chưa được áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cụ trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) cho rằng những năm qua các doanh nghiệp DAP nội đã phải chịu nhiều áp lực như chi phí tài chính cao, phân bón Trung Quốc ồ ạt chiếm thị trường trong nước với lượng lớn và giá thấp. Do đó, việc áp dụng biện pháp thuế tự vệ tạm thời với DAP được Bộ Công Thương nghiên cứu và triển khai, đảm bảo phù hợp với các cam kết của WTO, bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Ông Thanh nhấn mạnh, hiện nay các nhà máy DAP chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước. Các nhà máy đã cơ sản xuất ổn định, đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, do đó việc áp dụng thuế tự vệ là hợp lý.

"Về lâu dài, việc áp thuế tự vệ sẽ tạo sự bình ổn thị trường, giúp bảo vệ các doanh nghiệp phân trong nước và người nông dân cũng được hưởng lợi", ông Thanh nói.

Để người nông dân hưởng lợi

Ông Phạm Ngọc Hùng - Phó chủ tịch Quỹ Chống hàng giả Việt Nam, cho biết, khi áp dụng phòng vệ thương mại sẽ đảm bảo việc chống bán phá giá của nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là từ phía Trung Quốc, giúp phần nào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước.

Theo đó, khi áp thuế tự vệ các nhà sản xuất trong nước sẽ được hưởng lợi, còn nhà nhập khẩu sẽ gặp khó khăn vì giá thành nhập cao hơn. Nhưng đối tượng cần quan tâm nhất theo ông Hùng đó là người nông dân.

Ông Hùng cho rằng, để việc áp thuế không gây ảnh hưởng lớn đến người nông dân thì các nhà sản xuất khi được Chính phủ hỗ trợ về cơ chế chống bán phá giá thì giữ nguyên giá thành hoặc hạ giá cho người tiêu dùng.

Thực tế áp thuế sẽ chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất NPK bởi DAP là nguyên liệu cho sản xuất NPK. Vì vậy, nếu giá DAP cao thì chi phí sản xuất của doanh nghiệp NPK sẽ nâng lên, song việc nâng giá NPK trên thị trường rất khó khăn bởi vấp phải sự cạnh tranh của rất nhiều doanh nghiệp NPK khác. Song giá NPK hiện nay trên thị trường đang cao một cách hết sức phi lí đều trên 10.000 đồng/kg.

Hơn nữa, trên thị trường hiện nay rất đa dạng phân bón, nông dân có vô vàn sự lựa chọn nên không dùng DAP có thể dùng nhiều loại phân bón khác.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, đánh giá, áp thuế tự vệ thương mại là tình thế, có tác dụng lớn với các doanh nghiệp như Đình Vũ và Lào Cai. Song, muốn giải quyết triệt để vấn đề lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông dân thì phải sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Vì áp dụng theo luật này đã vô tình làm các sản phẩm phân bón nhập khẩu đã rẻ càng rẻ hơn.

Thực tế đang có sự khác nhau giữa mức thuế VAT 0% và không phải chịu thuế VAT. Một khi nằm trong danh mục chịu thuế VAT (0% hay 5%), doanh nghiệp vẫn là đối tượng chịu thuế nên phải kê khai thuế VAT đầu ra và được hoàn thuế VAT đầu vào.

Nếu thuế VAT giảm từ 5% còn 0%, doanh nghiệp có thể giảm giá bán phân bón cho người tiêu dùng 5%. Nhưng với quy định phân bón không phải chịu thuế VAT, cả doanh nghiệp và nông dân đều thiệt bởi doanh nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đầu vào và buộc phải tính vào giá thành sản phẩm, đẩy giá phân bón lên cao nên rất khó có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Ông Thuý cho rằng, có thể thực hiện hai giải pháp song song vừa thực hiện giảm VAT về 0% và đồng thời hai nhà máy sản xuất DAP của Việt Nam phải nghiên cứu nâng chất lượng sản phẩm, như vậy, cả doanh nghiệp và người nông dân mới có lợi ích…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate