Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2025 đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Riêng tháng 4, kim ngạch đạt 894,2 triệu USD tăng 15%. Tuy nhiên, tăng trưởng không đồng đều giữa các nhóm sản phẩm và thị trường, trong bối cảnh bất ổn về thuế quan từ Hoa Kỳ đang tạo ra những thách thức đáng kể.
CÁC THỊ TRƯỜNG CHỦ LỰC KHỞI SẮC
Về từng mặt hàng cụ thể, VASEP cho biết tôm tiếp tục là mặt hàng chủ lực, đạt 1,27 tỷ USD trong 4 tháng, tăng 30% so với cùng kỳ; riêng tháng 4, xuất khẩu tôm đạt 358,9 triệu USD, tăng 25%. Sự phục hồi chủ yếu đến từ nhu cầu gia tăng ở các thị trường lớn như Trung Quốc, EU và Nhật Bản, cùng với giá tôm đang hồi phục do cung – cầu toàn cầu tái cân bằng.
Cá tra đứng thứ hai với kim ngạch 632,7 triệu USD, tăng 9%; tháng 4 đạt 174,2 triệu USD, tăng nhẹ 3%. Cá ngừ đạt 304,2 triệu USD, tăng 1% trong 4 tháng; riêng tháng 4 giữ nguyên mức 86,3 triệu USD so với cùng kỳ.
Mực và bạch tuộc đạt 216,4 triệu USD, tăng 18% trong 4 tháng; riêng tháng 4 tăng 22% đạt 54,1 triệu USD. Nhuyễn thể có vỏ tiếp tục tăng trưởng mạnh đạt 83,1 triệu USD, tăng 82%; riêng tháng 4 đạt 21,1 triệu USD, tăng 36%.
Trong khi đó, nhóm nhuyễn thể khác giảm 33% trong tháng 4, đạt chưa tới 0,5 triệu USD, dù lũy kế 4 tháng vẫn tăng nhẹ 5%. Cua, ghẹ và giáp xác khác tăng 50%, đạt 112,1 triệu USD; riêng tháng 4 đạt 27,6 triệu USD, tăng 21%.

Về thị trường, Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục là khu vực tiêu thụ lớn nhất, đạt 709,8 triệu USD trong 4 tháng, tăng 56%; tháng 4 đạt 173,3 triệu USD, tăng 23%. Nhật Bản đứng thứ hai với 536,6 triệu USD, tăng 22%; tháng 4 đạt 134,9 triệu USD, tăng 13%.
Thị trường Hoa Kỳ đạt 498,4 triệu USD 4 tháng đầu năm, tăng 7% so với cùng kỳ với tháng 4 đạt 153,6 triệu USD, tăng 8%. Dù tăng trưởng trở lại sau quý 1 trầm lắng, hoạt động xuất khẩu sang Mỹ vẫn chịu tác động rõ rệt từ chính sách thuế quan đối ứng và các rào cản kỹ thuật mới.
Trong khi đó, thị trường EU ghi nhận kim ngạch 351,5 triệu USD tăng 17% trong 4 tháng, dù riêng tháng 4 giảm 15%, chỉ đạt 76,8 triệu USD; Hàn Quốc đạt 264,1 triệu USD, tăng 15%; tháng 4 tăng nhẹ 2%, đạt 64,2 triệu USD.
Đáng chú ý, ASEAN trở thành điểm sáng với mức tăng trưởng 25%, đạt 218,8 triệu USD trong 4 tháng; riêng tháng 4 tăng đột biến 68% đạt 68,2 triệu USD.
Trong khi đó, Trung Đông là thị trường duy nhất sụt giảm cả trong tháng 4 đạt 22,8 triệu USD giảm 26% và lũy kế 4 tháng là 105,4 triệu USD, giảm 8% do nhu cầu tiêu thụ yếu.
Các thị trường khác đóng góp 615,1 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ; riêng tháng 4 đạt 200,4 triệu USD, tăng 35%.
NHIỀU CƠ HỘI XUẤT KHẨU CÁ NGỪ SANG NGA
Bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ hay EU, xuất khẩu thủy sản Việt Nam thời gian qua cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường ngách và thị trường mới nổi. Trong đó, Nga đang nổi lên như một đối tác tiềm năng, đặc biệt với mặt hàng cá ngừ nhờ vào những nỗ lực thúc đẩy hợp tác song phương và tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu.
VASEP dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy kim ngạch xuất khẩu sang Nga năm 2024 đã đạt gần 45 triệu USD, tăng 5 lần so với năm 2020, đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt hơn 10 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024.

VASEP cho biết theo các tham tán thương mại, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam - Nga có nhiều thuận lợi, cơ hội cho hợp tác kinh tế - thương mại. Cụ thể, Việt Nam và Nga là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm của Nga để phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Trong khi đó, Nga nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, thực phẩm…
Bên cạnh đó, Nga cũng đang là một trong 30 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ trên thế giới. Theo đó, nhập khẩu cá ngừ của Nga đang ngày càng tăng lên qua từng năm, giá trị nhập khẩu cá ngừ đã tăng gấp đôi chỉ trong 5 năm, đạt gần 90 triệu USD vào năm 2023.
Dù vậy, theo các chuyên gia tại VASEP, hiện nay các khó khăn gây trở ngại lớn cho thương mại song phương trong thời gian gần đây như vận tải, thanh toán, việc đi lại của thương nhân đã và đang được tích cực tháo gỡ.
Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thể sử dụng tuyến vận tải biển trực tiếp Vladivostok - Hải Phòng, TP.HCM với thời gian vận chuyển khoảng 8 - 11 ngày; hoặc tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam qua Trung Quốc, Kazakhstan rồi tới Moskva với thời gian khoảng 35 - 40 ngày.
Về thanh toán, các doanh nghiệp hai nước có thể sử dụng đồng rúp và tiền đồng Việt Nam để thanh toán trong thương mại song phương khá thuận lợi. Bên cạnh đó, việc Liên bang Nga cấp visa điện tử với thời hạn lưu trú tại Nga 15 ngày cho công dân Việt Nam cũng tạo thuận lợi cho việc đi lại của các thương nhân.
Ngoài ra, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, mà Nga là thành viên, đã ký Hiệp định thương mại tự do vào năm 2015 (VN-EAEU FTA). Hiệp định này đã có hiệu lực từ tháng 10/2016. Đến nay, phần lớn các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% hoặc ở mức rất thấp. Các doanh nghiệp hai nước cần tích cực sử dụng những điều kiện thuận lợi mà Hiệp định mang lại để thúc đẩy thương mại, đầu tư song phương.
Tuy nhiên, VASEP cho rằng để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga một cách ổn định, tránh xảy ra tranh chấp liên quan tới chất lượng, các tham tán thương mại khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của nước sở tại về chất lượng, bao bì, nhãn mác... đối với các sản phẩm.