Chia sẻ về chương trình này, ông Emmanuel Pillai, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, AWS khu vực ASEAN cho biết, mục tiêu AWS sẽ đào tạo 29 triệu học viên trên thế giới có những kỹ năng về máy tính, điện toán cũng như đám mây khi mang tới cho họ những cơ hội tham gia các khóa học miễn phí về điện toán đám mây. Đặc biệt, các học viên sau đào tạo sẽ được hỗ trợ kết nối với nhà tuyển dụng để tìm kiếm việc làm. Có tới 90% học viên sau đào tạo đã tìm được việc làm trong các doanh nghiệp.
Ông đánh giá thế nào về thực trạng nguồn nhân lực điện toán đám mây hiện nay đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số tại Việt Nam cũng như ở các nước?
Các khách hàng, đối tác của chúng tôi trên toàn cầu, khu vực ASEAN cũng như tại Việt Nam đang phải đối mặt với việc thiếu hụt các nhân lực có kỹ năng đám mây. Quan sát những nghiên cứu khảo sát tại Châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, bao gồm cả ASEAN, Việt Nam, khoảng 85% nhà lãnh đạo của các tổ chức phản ánh sự thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực có kỹ năng điện toán đám mây và chuyển đổi số.
Một khảo sát khác do AlphaBeta thực hiện với sự ủy quyền của AWS cũng chỉ rõ, trong năm tới các tổ chức ở Châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản cần nâng cao kỹ năng điện toán đám mây cho khoảng 86 triệu nhân viên nếu muốn bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế xã hội hiện nay.
Theo một cuộc khảo sát của PWC, 84% số người được khảo sát ở Việt Nam cho rằng họ cần phải tinh thông hơn về công nghệ số cũng như cần phải có kỹ năng số mới.
Đây có phải là lý do AWS triển khai chương trình đào tạo việc làm và phát triển kỹ năng điện toán đám mây miễn phí trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam? Chương trình này sẽ góp phần giải “cơn khát” thiếu hụt nhân lực điện toán đám mây ở các thị trường thế nào, thưa ông?
Trong bối cảnh đó, AWS hướng tới việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng từ những người không chuyên sâu về công nghệ số bao gồm cả những người chưa có hoặc thiếu việc làm bằng việc ra mắt chương trình re/Start tại Hà Nội và Tp.HCM. Chương trình được triển khai thông qua 2 đối tác của chúng tôi là AI Education và Cloud Kinetics. Trên thế giới chương trình đã được triển khai tại 100 thành phố ở 40 quốc gia.
AWS re/Start là chương trình giúp cho phát triển kỹ năng đám mây thông qua đào tạo miễn phí trong vòng 12 tuần để những người mới nhập môn có các kỹ năng ban đầu, sau đó có thể phát triển nghề nghiệp dài hạn trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Trước đó, tháng 12/2020 AWS đã tuyên bố cam kết sẽ đào tạo miễn phí 29 triệu người từ nay đến năm 2025. Đến cuối năm 2021, AWS đã đào tạo được 6 triệu người trên phạm vi toàn cầu. Với kết quả bước đầu, AWS tự tin đến năm 2025 hoàn toàn đạt được, thậm chí có thể vượt qua mục tiêu đề ra.
Vậy những ứng viên muốn tham gia chương trình đào tạo re/Start này cần phải đáp ứng những tiêu chí gì, thưa ông?
Chương trình re/Start tập trung vào đối tượng không có hoặc thiếu việc làm nhưng có mong muốn được làm việc trong lĩnh vực điện toán đám mây. Các ứng viên cũng cần có trình độ văn hoá nhất định, ví dụ tốt nghiệp cấp 3; có cam kết tham gia đủ chương trình, dành đủ thời gian 12 tuần bắt đầu từ 9h sáng đến 5h chiều. Cùng với đó, học viên có cam kết tham gia vào lực lượng lao động sau tốt nghiệp.
Tại Việt Nam, các khoá học AWS re/Start hiện đang tổ chức theo hình thức trực tiếp (offline), chưa có kế hoạch online trong tương lai. Những ứng viên đủ điều kiện và quan tâm chương trình AWS re/Start, có thể lên trang www.cloudcareer.vn để tìm hiểu và đăng ký tham gia.
Trong số 29 triệu nhân lực AWS hướng tới trong chương trình đào tạo này, mục tiêu của AWS ở Việt Nam sẽ là bao nhiêu? Cơ hội việc làm với số học viên sau đào tạo sẽ thế nào, thưa ông?
Trọng tâm của chương trình re/Start hướng tới đối tượng khá đặc thù, xuất phát điểm đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và giúp đỡ các đối tượng không có hoặc thiếu việc làm. Đây là chương trình hoàn toàn miễn phí dành cho các học viên. Chỉ cần đầu tư 12 tuần đi học, các học viên hoàn toàn có kiếm được một công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và điện toán đám mây nói riêng.
AWS re/Start sẽ giúp cho khách hàng cũng như đối tác tại địa phương có thể tiếp cận được một nguồn nhân lực dồi dào và đã được đào tạo cơ bản về kỹ năng điện toán đám mây.
Theo thống kê, trên phạm vi toàn cầu, khoảng 90% học viên tốt nghiệp khoá re/Start đều kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Trong quá trình hợp tác với các với các tổ chức ở các thành phố hoặc các quốc gia triển khai, các tổ chức đào tạo sẽ đảm nhiệm việc kết nối học viên tốt nghiệp với những nhà tuyển dụng tiềm năng để tìm kiếm việc làm.
Với sự kết nối này, các nhà tuyển dụng tiềm năng có thể phỏng vấn ứng viên ngay từ khi đang học chương trình re/Start hoặc ngay sau khi tốt nghiệp. Ở Việt Nam, AI Education chịu trách nhiệm đào tạo, còn Cloud Kinetics sẽ kết nối học viên tốt nghiệp với các nhà tuyển dụng.
Tôi tin rằng, với những kỹ năng đa dạng sau khi được đào tạo phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng, các học viên hoàn toàn có thể tìm kiếm công việc không chỉ ở AWS mà còn nhiều công ty công nghệ thông tin khác nhau. Điều quan trọng là nguồn nhân lực trong lĩnh vực này hiện đang rất thiếu.