June 06, 2022 | 12:54 GMT+7

Ba dấu hiệu “đuối sức” của kinh tế Mỹ

Điệp Vũ -

Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tăng trưởng, nhưng đã có một số dấu hiệu cho thấy tăng trưởng giảm tốc...

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Bloomberg.

Kinh tế Mỹ liệu có rơi vào một cuộc suy thoái hay không đang là một chủ đề nổi bật trong các cuộc thảo luận của giới đầu tư ở Phố Wall, đồng thời đặt ra thách thức đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay – theo trang CNN Business.

Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tăng trưởng, nhưng đã có một số dấu hiệu cho thấy tăng trưởng giảm tốc.

Giới phân tích cho rằng sự giảm tốc tăng trưởng sẽ đặt ra thách thức mới đối với doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, việc này có thể giúp ích cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong trung hạn, trong bối cảnh ngân hàng trung ương này đang tìm cách rút lại các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng thời đại dịch và đưa lạm phát về tầm kiểm soát mà không gây ra một cú sốc. Nếu tăng trưởng giảm tốc vừa phải và lạm phát dịu đi, Fed có thể giãn bớt tiến độ tăng lãi suất để tránh xảy ra suy thoái kinh tế.

Theo CNN Business, có 3 dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang “đuối sức” so với giai đoạn phục hồi sôi động sau khi các hạn chế chống Covid được dỡ bỏ.

Dấu hiệu thứ nhất đến từ thị trường việc làm. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Sáu vừa rồi cho thấy khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 390.000 công việc mới trong tháng 5. Con số này cao hơn dự báo, nhưng giảm so với 428.000 công việc mới của tháng 4. Phần lớn thời gian của 1 năm trở lại đây, nền kinh tế Mỹ có thêm từ 450.000-650.000 công việc mới mỗi tháng trong khu vực phi nông nghiệp.

Dấu hiệu thứ hai đến từ thị trường bất động sản. Lãi suất cho vay mua nhà đã tăng mạnh do Fed nâng lãi suất. Trong tuần kết thúc vào ngày 2/6, lãi suất của các khoản vay thế chấp nhà kỳ hạn 30 năm lãi suất cố định đã đạt bình quân 5,09%, từ mức 2,99% cùng kỳ năm ngoái.

Lãi suất tăng khiến nhiều người có ý định mua nhà trở nên ngần ngại, nhu cầu vì thế giảm bớt. Trong tháng 4, doanh số bán nhà đã qua sử dụng ở Mỹ giảm tháng thứ ba liên tiếp.

Và dấu hiệu thứ ba đến từ báo cáo kinh tế Beige Book của Fed. Theo báo cáo công bố vào tuần trước, tất cả 12 khu vực trên toàn nước Mỹ đều chứng kiến kinh tế tăng trưởng, nhưng ảnh hưởng của các điều kiện tài chính thắt lại bắt đầu được thể hiện rõ.

“Hoạt động bán lẻ yếu đi do người tiêu dùng đối mặt với mức giá cao. Doanh số bất động sản nhà ở cũng yếu do giá tăng cao và lãi suất cũng tăng”, theo báo cáo. Cuộc khảo sát cũng cho thấy kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đã giảm đi ở 8 khu vực, trong khi có 3 khu vực bị cảnh báo có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, không phải số liệu kinh tế nào gần đây cũng cho thấy kinh tế Mỹ đang gặp khó. Mặt khác, các chuyên gia kinh tế của Citigroup cho rằng số lượng việc làm mới giảm xuống chưa chắc đã phải là một dấu hiệu cho thấy sự sụt tốc tăng trưởng.

“Sự tăng trưởng chậm lại của thị trường lao động có thể là một dấu hiệu tích cực cho Fed, rằng nhu cầu nhân công đã dịu đi. Nhưng trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng điều này phản ánh nhiều hơn những hạn chế xuất phát từ tình trạng thiếu nhân công”, báo cáo của Citigroup nhận định. Trong tháng 4 vừa qua, vẫn có tới 11,4 triệu công việc cần tuyển người ở Mỹ.

Ngoài ra, dù giá nhà giảm xuống, giá nhà vẫn tiếp tục tăng. Giá bình quân một căn nhà ở Mỹ trong tháng 4 lập kỷ lục ở mức 391.200 USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái – theo báo cáo từ Hiệp hội Quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản (NAR).

Điều này có nghĩa là còn quá sớm để kết luận rằng kế hoạch của Fed đưa kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” có thành công hay không. Giới chuyên gia cho rằng cách tốt nhất cho nhà đầu tư lúc này là tiếp tục thận trọng.

Đối với Tổng thống Biden, kinh tế giảm tốc và lạm phát cao là một nguyên nhân khiến tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống mức đáy trong thời gian gần đây và đặt Đảng Dân chủ của ông trước nguy cơ mất quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội vào tay phe Cộng hoà trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.

Hồi cuối tháng 5, tỷ lệ ủng hộ ông Biden giảm còn 36%, mức thấp nhất kể từ đầu nhiệm kỳ - theo dữ liệu từ Reuters/Ipsos. Trong cuộc khảo sát tiến hành vào tuần trước, tỷ lệ ủng hộ ông Biden đã phục hồi lên mức 42%. Tuy nhiên, trong suốt 6 tháng trở lại đây, tỷ lệ ủng hộ mà cử tri Mỹ dành cho nhà lãnh đạo đến từ Đảng Dân chủ đã duy trì ở mức dưới 50% - theo Reuters.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate