July 13, 2022 | 00:31 GMT+7

Ba lưu ý phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030

Khánh Vy -

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, những vấn đề mới phát sinh đối với phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh mới, có 3 vấn đề cần được làm rõ…

Phát triển vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh.
Phát triển vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh.

Tại Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 12/7, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 13-KL/TW đã đề ra các yêu cầu về phát triển văn hóa, xã hội, môi trường cho toàn vùng.

Qua quá trình triển khai, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và môi trường.

“Tuy nhiên, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh và được đặt ra đối với phát triển vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định.

Vì vậy, để phát triển vùng theo định hướng, nhiệm vụ được nêu ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng như chủ trương phát triển vùng kinh tế của Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần phải làm rõ 3 nội dung chính.

Thứ nhất, cần đánh giá, làm rõ những thành tựu, kết quả đạt được cũng như chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường của toàn vùng và từng địa phương.

Đánh giá toàn diện các thuận lợi và khó khăn về việc ban hành, tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách mang tính toàn vùng, nhất là vấn đề liên kết để tối ưu hóa nguồn lực phát triển, việc thu hút nguồn lực xã hội - xã hội hóa để phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên - môi trường.

Các đại biểu tham gia Hội thảo.
Các đại biểu tham gia Hội thảo.

Làm rõ hơn về xu hướng tất yếu và lợi ích của các địa phương khi tăng cường liên kết vùng về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường trong bối cảnh tình hình mới; các phương thức, biện pháp để tăng cường hợp tác, liên kết vùng trong phát triển các lĩnh vực này.

Thứ hai, phân tích, đánh giá bối cảnh, tình hình mới tác động đến từng lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường và nguồn nhân lực của vùng và từng địa phương trong vùng, đặc biệt là tác động của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống (dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu với cam kết NetZero 2050 tại COP26…), cuộc Cách mạng CN4.0 với quá trình chuyển đổi số… đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đất nước ta trong đó có vùng đồng bằng sông Hồng. Các yếu tố này vừa là thách thức nhưng cũng vừa là thời cơ cho đất nước ta nói chung và vùng chúng ta nói riêng để tạo đột phá cho phát triển nhanh, bền vững.

Thứ ba, nhận thức rõ tầm quan trọng của các lĩnh vực văn hóa, xã hội, KHCN, môi trường, cùng với việc nắm rõ bối cảnh tình hình mới, phát huy thành tựu, khắc phục hạn chế, tồn tại, tôi đề nghị các quý vị cùng đề xuất các quan điểm phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, môi trường vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

 

Ngày 12/7/2022, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 

Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nằm trong chuỗi hội thảo, tọa đàm và là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình tổng kết Nghị quyết.

Hội thảo cũng có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn giúp Ban Chỉ đạo tổng kết nghị quyết 54-NQ/TW hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các nhiệm vụ, giải pháp mới về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tài nguyên - môi trường và nguồn nhân lực nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bằng sông Hồng thời gian tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate