April 02, 2024 | 06:54 GMT+7

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thêm 15 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn hơn 60.000 tỷ đồng

Phương Hoa

Trong số 15 dự án, có 10 dự án đầu tư trong nước tập trung các lĩnh vực bất động sản, chế biến gỗ, cơ khí và 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp...

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao giấy chứng nhận đầu tư cho 1 trong số 15 dự án.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao giấy chứng nhận đầu tư cho 1 trong số 15 dự án.

Tại Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra mới đây, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án, với tổng số vốn đầu tư đạt khoảng hơn 60.000 tỷ đồng.

Cụ thể, 10 dự án đầu tư trong nước có tổng số vốn khoảng 26.000 tỷ đồng đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, chế biến gỗ, cơ khí. Trong đó, một số dự án có vốn đầu tư lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng như: Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ với dự án Cơ sở lưu trú công nhân tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, tổng vốn đầu tư 1.820 tỷ đồng); Công ty CP Tập đoàn Eco Pearl City với dự án Khu nhà ở sinh thái An Điền tại thị trấn Long Điền; tổng vốn đầu tư 4.269 tỷ đồng; Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ với dự án Nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ tại KCN Mỹ Xuân B1 - Đại Dương, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng; Công ty CP Sản xuất Nhựa Phú Mỹ với dự án Nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene Phú Mỹ tại KCN Cái Mép, điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư thêm 11.390 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án lên 24.855 tỷ đồng.

Và 5 dự án FDI có tổng số vốn khoảng 35.060 tỷ đồng (1.5 tỷ USD) tập trung về lĩnh vực sản xuất công nghiệp gồm có: Công ty TNHH Hóa Chất Hyosung Vina với dự án đầu tư Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại KCN Cái Mép, tổng vốn đầu tư tăng thêm 49 triệu USD, tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1,6 tỷ USD; Tập đoàn Tosoh với dự án TVP tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, tổng vốn đầu tư 176 triệu USD (4.395 tỷ đồng); Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam với dự án Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam, tổng vốn đầu tư 250 triệu USD (6.251 tỷ đồng); Công ty TNHH Điện tử - Nghe nhìn BOE với dự án thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam giai đoạn 2 tại KCN chuyên Sâu Phú Mỹ 3, tổng vốn đầu tư 277,5 triệu USD; Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai  với dự án sản xuất Bio-based (1,4 Butanediol) BDO tại KCN Phú Mỹ II, tổng vốn đầu tư 730 triệu USD.

Các doanh nghiệp FDI cũng đánh giá rất cao về môi trường đầu tư tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và bày tỏ sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư trong thời gian tới. Theo đó, ông Lee Sang Woon, Phó chủ tịch Tập đoàn Hyosung, chia sẻ rằng tập đoàn này đã đầu tư hơn 4 tỷ USD vào Việt Nam kể từ năm 2007 và hiện đang có khoảng 9.000 nhân viên ở bốn tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Nam và Bắc Ninh. Hyosung quyết định tiếp tục đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu vì tỉnh có lợi thế về địa lý là cửa ngõ hàng hải, có lực lượng lao động dồi dào và trình độ cao, cơ sở hạ tầng tốt và chính sách ưu đãi hấp dẫn.

Tính đến cuối quý 1/2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 1.156 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn hơn 430.000 tỷ đồng, trong đó có 465 dự án FDI với 33,1 tỷ USD. Con số ấn tượng này phản ánh triển vọng phát triển tích cực của địa phương nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hoàn thiện, sự hình thành các tổ hợp quy mô về công nghiệp, dịch vụ và đô thị.

Bên cạnh là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã đạt được những kết quả ấn tượng trong suốt thời gian qua, cụ thể tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 5,94%/năm.

Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2023 đạt hơn 366 nghìn tỷ đồng, đóng góp 3,51% tổng GDP của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 8 nghìn USD/người/năm, cao gần gấp đôi GDP bình quân đầu người cả nước (4.284 USD).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate