Canada và Việt Nam có mối quan hệ thương mại lâu dài và cùng có lợi trong ngành nông nghiệp và thực phẩm. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Năm 2023, thương mại nông nghiệp hai chiều đạt 1,12 tỷ đô-la Canada (tương đương 843 triệu USD). Ngoài ra, Việt Nam là điểm đến lớn thứ ba cho xuất khẩu nông sản thực phẩm của Canada tại ASEAN. Với tư cách là thành viên CPTPP, hiệp định này giúp cho các bên liên quan của Canada và Việt Nam có thêm cơ hội tăng cường thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản thực phẩm và hải sản. Trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Canada, Canada cam kết tăng cường quan hệ đối tác kinh tế với Việt Nam, một quốc gia – đối tác toàn cầu có tầm quan trọng lớn đối với Canada.
Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Phái đoàn thương mại Canada gồm đại diện của 200 doanh nghiệp hàng đầu Canada, bà Diedrah Kelly, Giám đốc điều hành Văn phòng Nông nghiệp và Thực phẩm Nông nghiệp của Canada tại khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương (IPAAO), đã trả lời phỏng vấn VnEconomy về tiềm năng hợp tác nông nghiệp giữa Canada và Việt Nam trong tương lai.
Xin bà chia sẻ về chuyến thăm Việt Nam lần này trên cương vị Giám đốc IPAAO?
Một trong những điểm đặc biệt về IPAAO đó là cơ quan này được thành lập dưới sự kiên nhẫn của các nhà sản xuất, nông dân và các công ty nông nghiệp tại Canada, những người đang nhìn thấy những xu hướng liên tục trong thương mại giữa Canada và các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, cũng như các kế hoạch tăng trưởng và các triển vọng đầu tư tiềm năng, nơi họ nhìn thấy cơ hội để củng cố sự hợp tác hoặc tạo ra cơ hội mới. Chính vì vậy, chính những người nông dân và nhà sản xuất Canada đã tìm cách thuyết phục Chính phủ rằng Canada cần có một sự hiện diện cố định để mở rộng mối quan hệ trong khu vực và xây dựng trên thương mại tích cực trong nông nghiệp và thực phẩm nông sản.
Và tại sao chúng tôi làm điều này tại Việt Nam? Đó là bởi vì Việt Nam và Canada chia sẻ một quan hệ thương mại mạnh mẽ và bổ sung trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và hải sản, và chúng tôi hy vọng có thể xây dựng nhiều hơn nữa trên nền tảng đó. Trên thực tế, Canada có thâm hụt thương mại với Việt Nam trong lĩnh vực này. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam gấp khoảng hai lần so với lượng hàng Canada bán cho Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu từ năm ngoái, Canada xuất khẩu hàng trị giá 421 triệu USD về thực phẩm và hải sản cho Việt Nam, và ngược lại, chúng tôi nhập khẩu hàng trị giá 703 triệu USD về thực phẩm, cá và hải sản từ Việt Nam. Vì lí do đó, chúng tôi hi vọng có thể cân bằng lại cán cân thương mại này.
Một nhiệm vụ của IPAAO là giải quyết mọi vấn đề phát sinh trước khi chúng làm gián đoạn giao thương, làm cho quá trình giao thương trở nên hiệu quả hơn, dễ dàng hơn, cũng như xúc tiến hiểu biết lẫn nhau của hai bên. Ngoài ra, chúng tôi cũng có một đội ngũ chuyên về phát triển thị trường, làm gia tăng cơ hội đầu tư trực tiếp và thúc đẩy một sự hiện diện trên thị trường Việt Nam mạnh mẽ hơn.
Trong thời gian tới, tiềm năng hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Canada sẽ phát triển theo phát triển theo hướng nào?
Tôi nghĩ rằng có tiềm năng rất lớn cho hợp tác nông nghiệp giữa Canada và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Đương nhiên, chúng ta có thể tiếp tục tăng cường thương mại hai chiều và tiếp tục tìm kiếm cách đưa lượng hàng lớn hơn từ Canada và Việt Nam đến các ngạch thương mại của mỗi bên, giới thiệu các sản phẩm mới, nhưng tôi nghĩ hai nước cũng có thể nhìn vào các lĩnh vực nông nghiệp mới như di truyền và giống cây trồng.
Một tín hiệu tích cực liên quan lợi ích của việc sử dụng di truyền giống cây trồng mà tôi muốn chia sẻ là gần đây, Việt Nam đã cho phép nhập khẩu giống khoai tây của Canada. Thông tin ghi nhận được từ Philippines gần đây cho biết các nông dân phản hồi rằng sản lượng tăng gấp 10 lần khi sử dụng giống khoai tây của Canada. Sản lượng nhiều hơn có nghĩa là người nông dân bán được nhiều hơn và họ đang kiếm được nhiều tiền hơn. Vì vậy, không chỉ là chất lượng, mà còn là lợi ích trực tiếp cho những người nông dân và đóng góp không nhỏ vào việc đảm bảo an ninh lương thực. Vì vậy, áp dụng sang một lĩnh vực khác như chăn nuôi, Việt Nam có thể xem xét việc sử dụng các giống nhập khẩu từ Canada như một cách để cải thiện sản xuất chăn nuôi địa phương.
Ngoài ra, Việt Nam và Canada cũng có thể hợp tác trong các hoạt động trao đổi khoa học và nghiên cứu, xem xét việc sử dụng máy móc của Canada, các giải pháp sáng tạo để giúp đóng góp vào mục tiêu nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Văn phòng IPAAO có ưu tiên ra sao với Việt Nam nói riêng và toàn khu vực nói chung, đặc biệt trong việc hợp tác cải thiện chuỗi cung ứng nông nghiệp, cụ thể với những vấn đề như đa dạng sinh học, nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng tương lai xanh và bền vững?
Chúng tôi có ba ưu tiên đối với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.
Một là, tăng cường hợp tác về mặt pháp lý và nâng cao nhận thức về thực hành kiểm tra và an toàn thực phẩm của Canada để đảm bảo rằng nguồn cung cấp thực phẩm của chúng tôi là an toàn và đáng tin cậy khi các sản phẩm nông nghiệp của Canada được xuất khẩu ra nước ngoài. Điều quan trọng là phải đảm bảo chúng có tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao nhất, vì mối quan tâm đến vấn đề này ngày càng phổ biến. Việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy mức độ trao đổi lớn hơn về cách tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học và khuôn khổ pháp lý có thể đạt được thông qua các phiên kỹ thuật, xây dựng năng lực, tham quan học tập và đối thoại khác nhau, từ đó tăng cường hợp tác khoa học và trao đổi pháp lý.
Hai là, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về thực hành canh tác bền vững. Ở Canada, khoảng 10% tổng lượng khí thải nhà kính đến từ sản xuất cây trồng và chăn nuôi. Mặc dù sản lượng nông nghiệp trong nước tăng đáng kể nhưng lượng phát thải khí nhà kính chỉ tăng nhẹ nhờ thử nghiệm và áp dụng các biện pháp đổi mới như giảm đất canh tác, trồng cây che phủ và chăn thả luân phiên. Những thực hành này góp phần giảm phát thải khí nhà kính và cô lập carbon, khiến chúng trở thành giải pháp bền vững và có thể mở rộng áp dụng trên toàn thế giới.
Ba là, thúc đẩy thương mại bổ sung và cùng có lợi. Hai nước có tiềm năng đáng kể không chỉ trong việc mở rộng các lĩnh vực thương mại hiện có mà còn khám phá những lĩnh vực mới. Ví dụ như ngành công nghiệp thức ăn cho thú cưng, nơi mọi người ngày càng đối xử với thú cưng của mình như thành viên trong gia đình, mối quan tâm đến việc cung cấp thức ăn có chất lượng tốt hơn cho thú cưng ngày càng tăng. Canada, với tư cách là nhà sản xuất, có thể khai thác thị trường này, mang đến những cơ hội thương mại mới.
Các nhà đầu tư Canada sẽ mở rộng sự hiện diện của mình trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam như thế nào trong thời gian tới, thưa bà?
Tôi cho rằng có sự quan tâm tích cực từ các công ty và nhà đầu tư Canada vào Việt Nam. Và tôi hy vọng rằng chúng ta cũng sẽ có cơ hội chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Canada cho các nhà đầu tư Việt Nam đang tìm kiếm sự đa dạng hóa.
Điều thú vị là chúng ta có hai tổ chức tại Canada.
Một là Tổ chức Phát triển Xuất khẩu (Export Development Corporation - EDC), và công việc của họ là cung cấp tài chính và sản phẩm bảo hiểm. Từ trước đến nay, các lĩnh vực ưu tiên của tổ chức này là hạ tầng hoặc hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, gần đây, họ đã chỉ ra rằng nông nghiệp và thực phẩm nông nghiệp là một lĩnh vực mà cần sự quan tâm đầu tư vào, và đó là một công cụ tài chính quan trọng có thể giúp đẩy mạnh đầu tư của Canada vào Việt Nam. Tương tự, Tổ chức Thương mại Canada (Canadian Commercial Corporation - CCC) cung cấp hỗ trợ chính phủ cho chính phủ (government-to-government), và họ cũng đã xác định nông nghiệp và thực phẩm nông nghiệp là một lĩnh vực ưu tiên mới. Vậy nên, không chỉ có các công ty Canada đang xem xét lĩnh vực nông nghiệp là cơ hội đầu tư tiềm năng, mà chúng ta cũng có các tổ chức chính phủ cung cấp hỗ trợ tài chính và hợp đồng đang ưu tiên lĩnh vực này. Vì vậy, tôi nghĩ cơ hội là rất lớn.