December 17, 2021 | 16:59 GMT+7

Bác đơn "kêu cứu", xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt nặng từ đầu năm 2022

Anh Tú -

Dù nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã vận tải gửi đơn "kêu cứu" xin gia hạn thời điểm xử phạt xe ô tô kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát, Bộ Giao thông vận tải vẫn khẳng định kể từ ngày 01/01/2022 các lực lượng chức năng sẽ xử lý vi phạm theo quy định...

Hàng loạt hiệp hội, doanh nghiệp vận tải gửi đơn đến Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ xin gia hạn thời điểm phạt.
Hàng loạt hiệp hội, doanh nghiệp vận tải gửi đơn đến Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ xin gia hạn thời điểm phạt.

Hạn chót ngày 1/1/2022 đang đến gần, các phương tiện không thực hiện lắp camera giám sát trên xe theo quy định sẽ bị xử lý nghiêm. Trước thời điểm trên, nhiều doanh nghiệp vận tải gửi đơn đến Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ xin gia hạn thời điểm phạt.

HÀNG LOẠT DOANH NGHIỆP "KÊU CỨU"

Hiệp hội vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải xin lùi thời gian lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa.

Theo Hiệp hội vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh, qua khảo sát, hiện tại tỷ lệ đã lắp đặt camera không cao mà hạn chót là 31/12/2021. 

 

"Với thời gian còn lại sẽ không kịp tiến độ để lắp đặt hết 100%, do chi lắp đặt một camera dao động từ 5 - 6 triệu đồng/xe, chưa kể phí bảo trì, phí duy trì vận hành,... tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trước tình thế khó khăn do đại dịch Covid-19", Hiệp hội vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh khẳng định.

Thời gian thực hiện việc lùi thời hạn xử phạt vừa qua cũng là giai đoạn đỉnh dịch, TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện cách ly xã hội, hoạt động kinh doanh vận tải gặp rất nhiều khó khăn nên vẫn chưa thực sự hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp vận tải.

Hiệp hội vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh nêu thực tế, hiện các doanh nghiệp vận tải vẫn phải duy trì chuỗi cung ứng sản xuất, với nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí như chi hỗ trợ cho người lao động phải nghỉ việc; chi phí phát sinh mua thuốc khử khuẩn, khẩu trang, chi phí cho việc xét nghiệm định kỳ.

"Tình trạng thiếu hụt tài xế do dịch bệnh nên nhiều tài xế bỏ việc về quê, dẫn đến doanh nghiệp không khai thác hết công suất, kinh doanh cầm cự để bù đắp cho các xe không chạy. Giá xăng dầu tăng nên việc kinh doanh không có lời, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ phải phá sản", Hiệp hội vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh chỉ rõ.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã vận tải du lịch Thiên Ân cũng vừa gửi Thủ tướng Chính phủ xin lùi thời gian lắp camera đối với xe ô tô kinh doanh vận tải.

Ngoài ra, đơn kêu cứu của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vận tải Quân Trung (Công ty Quân Trung) đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép lùi thời gian thời gian xử phạt vi phạm hành chính liên quan việc lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải đến sau ngày 31/12/2023.

Đồng thời, điều chỉnh quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP theo hướng cho doanh nghiệp vận tải du lịch được tùy nghi lựa chọn việc lắp đặt hoặc không lắp đặt camera để phù hợp với đặc thù hoạt động của từng doanh nghiệp, từng loại hình vận tải.

KHÔNG CHẤP NHẬN LÙI THỜI HẠN XỬ PHẠT

Trong khi Chính phủ chưa ra quyết định có lùi thời hạn xử phạt xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát hành trình, đại diện Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Lê Đình Thọ vừa ký công văn số 13333 gửi Hợp tác xã Vận tải Du lịch Thiên Ân và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vận tải Quân Trung về kiến nghị xin lùi thời gian lắp camera. 

Tại công văn, Bộ Giao thông vận tải khẳng định, theo quy định của Luật Đầu tư, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 10), trước ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông; xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.

Ngay khi Nghị định 10 được ban hành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải và các Sở Giao thông vận tải thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải về nội dung quy định của Nghị định 10 để tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, "việc xây dựng Nghị định 10 được Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, ngành chức năng và các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra lộ trình lắp đặt camera, loại phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp camera bảo đảm phù hợp với các doanh nghiệp vận tải để thực hiện và đảm bảo sự công khai, minh bạch, công bằng giữa các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Công ty Quân Trung nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện vận tải bằng xe ô tô để lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với điều kiện của đơn vị mình, khi đã lựa chọn loại hình kinh doanh nào thì phải tuân thủ và chấp hành theo điều kiện kinh doanh của loại hình đó.

 

Bộ Giao thông vận tải khẳng định đã và sẽ tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện và kể từ ngày 01/01/2022 các lực lượng chức năng sẽ xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định 100.

Đối với nội dung kiến nghị lùi thời gian xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận, kể từ ngày Nghị định 10 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/4/2020 cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm phải áp dụng giãn cách xã hội, điều này ảnh hướng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn xã hội, trong đó, có của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Trước những ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, đặc biệt từ ngày 01/4/2020 đến nay, tình hình kinh doanh vận tải của doanh nghiệp khó khăn do không có doanh thu để chi trả tiền lương lái xe, đóng bảo hiểm xã hội, nộp các khoản thuế, trả gốc, lãi tiền vay ngân hàng,…

Bộ Giao thông vận tải và các Bộ ngành đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như thuế, phí sử dụng đường bộ, đăng kiểm....

Bộ Giao thông vận tải cũng báo cáo Chính phủ xem xét đưa vào Nghị quyết của Chính phủ: “Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người điểu khiển xe ô tô quy định tại điểm p khoản 5 Điều 23, điểm c khoản 3 Điều 24; đối với cá nhân kinh doanh vận tải, tổ chức kinh doanh vận tải quy định tại điểm o, điểm p khoản 6 Điều 28 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP liên quan đến lắp đặt, sử dụng camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải, được thực hiện kể từ ngày 01/01/2022.”

Theo đó, Chính phủ chỉ quyết định tạm ngưng áp dụng đến hết ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi quy định theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100) liên quan đến việc lắp đặt, sử dụng camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, đối với việc lắp camera theo quy định của Nghị định 10, Bộ Giao thông vận tải khẳng định đã và sẽ tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện và kể từ ngày 01/01/2022 các lực lượng chức năng sẽ xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định 100.

 

Trường hợp xe sau ngày 31/12/2021 vẫn chưa lắp camera, khi tham gia giao thông, các phương tiện sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải. 

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng phù hiệu từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate