June 08, 2018 | 15:20 GMT+7

Bắc Giang khẳng định chất lượng vải thiều cao nhất từ trước đến nay

Duyên Duyên

Đại diện tỉnh Bắc Giang cho biết, nâng cao chất lượng vải thiều là ưu tiên hàng đầu để tăng sức cạnh tranh, không chỉ đáp ứng yêu cầu của các thị trường

Bắc Giang sẽ duy trì thị trường ở 30 nước vải thiều đang có mặt như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, đặc biệt tập trung cao vào thị trường Trung Quốc.
Bắc Giang sẽ duy trì thị trường ở 30 nước vải thiều đang có mặt như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, đặc biệt tập trung cao vào thị trường Trung Quốc.

Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, vải thiều năm 2018 của tỉnh này có chất lượng cao nhất từ trước đến nay và Bắc Giang luôn coi trọng tất cả thị trường, cả trong và ngoài nước.

Trao đổi với báo chí trước thềm Diễn đàn Kinh tế vải thiều 2018, ông Trần Quang Tấn cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt, tỉ lệ ra hoa và đậu quả cao, đặc biệt các hộ trồng vải thiều đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP và GlobalGAP nên sản lượng và chất lượng vải thiều Bắc Giang có thể nói là cao nhất những năm gần đây.

Vụ vải năm 2018, tỉnh Bắc Giang có gần 29.000 ha vải thiều, ước tính sản lượng đạt khoảng 150.000-180.000 tấn. Trong tổng diện tích trên, có 13.500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ước sản lượng đạt 90.000 tấn; 218,5 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sản lượng đạt 10.000 tấn. Dự kiến 50% tổng sản lượng vải sẽ tiêu thụ trong nước, 50% còn lại phục vụ xuất khẩu.

"Bắc Giang cũng coi nâng cao chất lượng vải thiều là ưu tiên hàng đầu để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, không chỉ đáp ứng yêu cầu của tỉnh Quảng Tây mà tất cả các thị trường", ông Tấn nói.

Liên quan đến các yêu cầu, quy định mới của tỉnh Quảng Tây đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam, đặc biệt là vải thiều, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tìm hiểu kỹ và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp. Đến nay, các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như Bắc Giang do doanh nghiệp xuất khẩu đều tự khai báo về chất lượng, số lượng trong quá trình làm thủ tục và hoạt động này diễn ra tương đối thuận lợi.

"Bắc Giang cũng được sự hỗ trợ đắc lực của các tỉnh vùng biên như Lạng Sơn, Lào Cai trong việc kết nối, tạo điều kiện về thủ tục thông quan, do đó, hiện nay, quả vải thiều Bắc Giang đang được xuất khẩu hết sức thuận lợi", ông Tấn cho biết.

Về thị trường tiêu thụ, ông Tấn khẳng định, Bắc Giang luôn coi trong tất cả thị trường, cả trong và ngoài nước. Năm 2018, Bắc Giang sẽ tiếp tục duy trì thị trường các tỉnh, thành phố lân cận và các thành phố lớn, hướng sâu hơn thị trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Đối với thị trường xuất khẩu, duy trì thị trường ở cả 30 nước vải thiều đang có mặt như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, đặc biệt tập trung cao thị trường truyền thống là Trung Quốc, đẩy mạnh thêm sản lượng xuất khẩu vào thị trường Thái Lan, Maylaysia.

Bên cạnh đó, thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, trong chiều 7/6, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp mặt, kết nối giao thương giữa các hộ sản xuất, doanh nghiệp trong nước với gần 100 doanh nghiệp của thị trấn Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây và huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Theo đó, tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến thu mua vải thiều.

Tại buổi gặp mặt, một số doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp ổn định giá cả các mặt hàng đi kèm theo quả vải thiều như thùng xốp, đá lạnh bảo quản để ổn định giá mặt hàng chính là vải thiều.

Đồng thời, tăng cường đưa các mặt hàng nông sản Việt Nam nói chung, vải thiều Bắc Giang nói riêng đến với các sàn giao dịch điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng nông sản...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate