Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phải giảm quy mô sản xuất dẫn đến tình trạng nhiều lao động bị mất, giảm việc làm, ảnh hưởng đến hơn 26.500 lao động trong nửa đầu năm 2023. Trong đó riêng số phải thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động là hơn 17.100 người.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết 13.223 hồ sơ về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 8.365 hồ sơ người lao động nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia
LAO ĐỘNG HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP NỬA ĐẦU NĂM 2023 TĂNG MẠNH
Tình trạng mất, giảm việc làm của người lao động đã ảnh hưởng rất lớn tới thu nhập, tạo áp lực rất lớn tới công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, các chế độ, chính sách đối với người lao động được thực hiện đảm bảo đầy đủ, kịp thời. 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 11.772 người lao động, tăng 38% so cùng kỳ.
Tình hình nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đến nay giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, và thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung cả nước.
Năm 2023, tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến cuối năm có khoảng 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 5,3% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; khoảng 38,4% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu về số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã đưa ra một loạt giải pháp đồng bộ. Hàng năm, tỉnh sẽ thực hiện tổ chức rà soát, đánh giá và tổng kết tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.
Cùng với đó, kịp thời đề xuất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội các nội dung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, quy trình thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện và ngăn ngừa, hạn chế trục lợi. Ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực việc làm.
Tỉnh cũng sẽ đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nhằm phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Trước mắt, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh rà soát, đánh giá cơ sở vật chất hiện tại của Trung tâm, các địa điểm tổ chức tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
TĂNG CƯỜNG GIẢI ĐÁP CÁC VƯỚNG MẮC VỀ CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM
Ngoài các giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả hơn chính sách bảo hiểm thất nghiệp, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh. Qua đó, nhằm kết nối người lao động với doanh nghiệp để giúp người lao động sớm tìm được việc làm phù hợp với khả năng và mong muốn, từ đó giúp họ đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, trước mắt Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ nắm sát tình hình diễn biến của thị trường lao động để thực hiện có hiệu quả việc kết nối cung - cầu, nắm rõ thị trường cần những ngành nghề gì, số lượng bao nhiêu, trình độ thế nào để “việc cần người” và “người tìm việc” đến được với nhau.
Về lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nhất là việc thu thập, cập nhật thông tin dữ liệu về thị trường lao động, thực hiện số hóa và kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ, kịp thời, thuận lợi hơn nữa các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, công tác tư vấn giới thiệu việc làm và các chính sách hỗ trợ khác để bảo đảm ổn định, và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Mặt khác, Sở cũng sẽ tăng cường công tác đối thoại, giải đáp khó khăn vướng mắc về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, và thường xuyên rà soát, nắm chắc tình công nhân lao động; công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, và các chế dộ chính sách đối với người lao động của các doanh nghiệp. Qua đó, bảo đảm mối quan hệ cân đối, hài hòa về quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động và người lao động.