May 29, 2023 | 17:25 GMT+7

Bác sỹ trẻ không muốn về tuyến dưới làm việc vì lương thấp

Phúc Minh -

Chính sách về tiền lương, phụ cấp cho nhân viên y tế chưa tương xứng khiến y tế cơ sở khó thu hút được nguồn nhân lực có chuyên môn về làm việc. Thậm chí, bác sỹ mới ra trường đa số không ai chịu về tuyến cơ sở làm việc, nhiều nơi trạm y tế chỉ có một bác sỹ nhưng lại là bác sĩ y học cổ truyền…

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề xuất có chính sách để thu hút bác sĩ mới ra trường về y tế cơ sở. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề xuất có chính sách để thu hút bác sĩ mới ra trường về y tế cơ sở. Ảnh - Quochoi.vn.

Chiều 29/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đảm bảo tiền lương, chế độ chính sách cho nhân viên y tế, để thu hút được nguồn nhân lực trẻ, chuyên môn vào làm việc tại các cơ sở y tế dự phòng được nhiều đại biểu quan tâm, đề xuất.

MÁY SIÊU ÂM “ĐẮP CHIẾU” VÌ THIẾU NGƯỜI CÓ CHUYÊN MÔN VẬN HÀNH

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thời gian qua, y tế cơ sở giữ vai trò, vị trí là tuyến y tế gần dân nhất, chăm sóc sức khỏe cho mọi trường hợp, có thể có những chi phí hợp lý, nhất là khám bảo hiểm y tế. Mặc dù vậy, năng lực tuyến y tế cơ sở còn nhiều hạn chế do nhân lực thiếu và yếu về trình độ chuyên môn lẫn trang thiết bị y tế cũng như cơ sở vật chất. 

“Trạm y tế chỉ có một bác sỹ, có nơi chỉ có y sỹ, thậm chí nơi có bác sỹ lại là bác sỹ y học cổ truyền, được trang bị máy siêu âm nhưng lại đắp chiếu trùm mền do không có đội ngũ y tế chuyên môn để siêu âm. Điều đó dẫn đến nhiều người dân phải vượt tuyến khám chữa bệnh với chi phí cao”, đại biểu Phạm Văn Hòa băn khoăn.

Theo đại biểu, điều này có nguyên nhân cho chính sách về tiền lương, phụ cấp cho nhân viên y tế chưa tương xứng với khối lượng công việc, môi trường, điều kiện làm việc. “Bác sỹ mới ra trường đa số không ai chịu về tuyến cơ sở làm việc, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì ổn định nguồn nhân lực tại chỗ, công tác khám và điều trị bệnh…”, đại biểu lo ngại.

Với những hạn chế nêu trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở Việt Nam, thiết bị, cơ sở vật chất, chính sách cho thầy thuốc để thu hút bác sĩ mới ra trường để hệ thống y tế cơ sở đủ sức hoạt động. 

Bên cạnh đó, cần đầu tư cho các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa là phù hợp. Đồng thời cần có lộ trình tăng mức độ bảo hiểm y tế, mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh trong danh mục thuốc, vật tư y tế hợp lý.

Cũng cho ý kiến về chế độ, chính sách cho nhân viên y tế cơ sở, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cho rằng, chế độ lương cho nhân viên y tế cơ sở được áp dụng từ năm 2004, đến nay đã gần 20 năm, chế độ phụ cấp cũng đã được áp dụng hơn 10 năm, đây là hạn chế của công tác xây dựng chính sách. Đại biểu đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở. 

CẦN CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ TƯƠNG XỨNG

Để thu hút và giữ chân được nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, theo các đại biểu cần có chính sách đãi ngộ tương xứng với đặc thù công việc.

Đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum thừa nhận chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng hiện nay còn chưa phù hợp, số lượng nhân lực y tế cơ sở còn thấp…

Đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội trường ngày 29-05-2023. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội trường ngày 29-05-2023. Ảnh - Quochoi.vn.

Đặc biệt, việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Nguồn nhân lực chất lượng chuyên sâu tại y tế cơ sở, y tế dự phòng thiếu, số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy làm việc tại y tế cơ sở rất thấp, phần lớn đào tạo theo hình thức liên thông…

Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát trình Quốc hội ban hành các dự án Luật để bổ sung hoàn thiện quy định liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng riêng, đảm bảo tương xứng với công sức và đặc thù công việc.

Cũng quan tâm đến việc đảm bảo tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề xuất Chính phủ, xem xét, điều chỉnh, bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập đối với viên chức hành chính, hợp đồng chuyên môn và hợp đồng lao động phổ thông.

Qua đó, nhằm giúp viên chức yên tâm công tác; thay đổi, tăng mức phụ cấp  trực phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phát biểu tại hội trường ngày 29-05-2023. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phát biểu tại hội trường ngày 29-05-2023. Ảnh - Quochoi.vn.

Đại biểu cũng kiến nghị cần ban hành văn bản quy định mức phụ cấp thường trực 24/24 tại các cơ sở y tế; xem xét cán bộ y tế được hưởng phụ cấp thâm niên như một số ngành, lĩnh vực khác; tăng chế độ phụ cấp cho y tế thôn, bản, cộng tác viên dân số ở các thôn, tổ dân phố để đảm bảo phù hợp với mức giá hiện nay...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate