Suốt một thời gian dài, Thanh Hóa luôn giữ vị thế hàng đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của khu vực miền Trung. Đến năm 2013, Thanh Hóa vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn ngoại với việc dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn điều chỉnh tăng thêm 2,5 tỷ USD, tổng số vốn đầu tư xấp xỉ 9 tỷ USD. Chỉ riêng năm 2017, Thanh Hóa đã thu hút được hơn 3 tỷ USD từ các doanh nghiệp FDI với riêng dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn đã có nguồn vốn lên tới 2,8 tỷ USD.
DẤU HIỆU "HỤT HƠI”
Tuy nhiên từ năm 2019, trong khi các địa phương khác trong khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung vượt lên thì Thanh Hóa lại tỏ ra “hụt hơi”. Kết quả là Thanh Hóa đang có nguy cơ đánh mất vị thế dẫn đầu thu hút FDI khu vực miền Trung trong một vài năm tới. Vậy đâu là “điểm nghẽn” của hiện tượng Thanh Hóa kém sức thu hút trong mắt các nhà đầu tư quốc tế?
Năm 2021, Thanh Hóa chỉ thu hút được 8 dự án FDI với tổng vốn đăng ký mới đạt 112,7 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 5 dự án FDI với số vốn điều chỉnh là 14,8 triệu USD. Năm 2022, Thanh Hóa chỉ thu hút được 4 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 41 triệu USD, con số này cho thấy khả năng hút vốn FDI của Thanh Hóa thuộc diện thấp nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ. Đến năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 223,81 triệu USD. Đồng thời, Thanh Hóa chấp thuận điều chỉnh vốn cho 8 dự án FDI với số vốn tăng thêm là 63,64 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, vốn góp 11,35 triệu USD. Tình hình đã được cải thiện nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Lũy kế đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 157 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,616 tỷ USD. Trong đó có 75 dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, 82 dự án ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp.
Trên lý thuyết, Thanh Hóa vẫn là địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút FDI nhưng thực tế, khoảng cách với các tỉnh, thành phố phía sau đang được rút ngắn đáng kể. Trong đó, Hà Tĩnh có thể vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ về thu hút FDI trong thời gian tới.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã lên phương án hành động, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, khơi thông điểm nghẽn để Thanh Hóa từng bước lấy lại “phong độ” vốn có, tiếp tục duy trì vị trí đầu tàu khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung về thu hút FDI, tương xứng với quy mô và tiềm năng của tỉnh.
NHẬN DIỆN “ĐIỂM NGHẼN”
Nếu chỉ nhìn về tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 15 tỷ USD, con số đóng góp ngân sách hàng năm trên dưới 25.000 tỷ đồng, tạo ra hơn 200.000 việc làm thì bức tranh thu hút FDI của Thanh Hóa có gam màu sáng là chủ đạo. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn rất nhiều nút thắt, điểm nghẽn, rào cản, hạn chế lớn khiến địa phương đã có dấu hiệu hụt hơi trong nhiều năm trở lại đây.
Thực tế, Thanh Hóa vì nhiều khó khăn nội tại, gần như đã “đứng ngoài cuộc chơi” trong việc đón đầu xu hướng dịch chuyển đầu tư toàn cầu hậu Covid-19, có nguy cơ bỏ lỡ thời cơ đón làn sóng FDI thế hệ thứ 4. Nhiều tập đoàn “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực công nghệ cao toàn cầu như Samsung, Foxconn, Luxshare - ICT, Goertek… đã ở rất gần quyết định chọn Thanh Hóa để “xây tổ” nhưng vì nhiều lý do, các doanh nghiệp này buộc phải thay đổi kế hoạch, tìm đến địa phương khác trong nước để xây dựng nhà máy của mình.
Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân khiến Thanh Hóa chưa đạt kết quả cao trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân khách quan đó là diễn biến dịch Covid-19, tình hình kinh tế, chính trị thế giới trong thời gian qua có nhiều biến động, khó lường, làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư trong ngắn hạn, nhiều nhà đầu tư có xu hướng rút dòng vốn đầu tư về nước và thu hẹp đầu tư, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng.
Bên cạnh đó, nhiều quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, đấu thầu còn có sự bất cập, chồng chéo, chưa được điều chỉnh, giải quyết triệt để; nhiều văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, ảnh hưởng đến việc kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư.
Nguyên nhân chủ quan đó là trên địa bàn tỉnh hiện thiếu các “mặt bằng sạch” để sẵn sàng thu hút đầu tư. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất chậm, do đó, chưa có đủ điều kiện về hạ tầng để sẵn sàng thu hút đầu tư”.
Mặt khác, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh còn thụ động; nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư mới dừng lại ở khâu tiếp xúc, giới thiệu mà chưa làm cho nhà đầu tư thấy rõ tiềm năng, lợi thế và lợi ích kinh tế mang lại cho họ khi đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đầu năm 2023, tại hội nghị triển khai các nhiệm vụ kinh tế xã hội do Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức, ông Đỗ Trọng Hưng, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đã nêu: “Việc Thanh Hóa có được các cơ chế, chính sách “đặc thù” mới chỉ là kết quả của những nỗ lực ban đầu để địa phương tạo đột phá trong thu hút, huy động và phân bổ các nguồn lực phù hợp và có hiệu quả hơn trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, về bản chất, việc có được cơ chế “đặc thù” vẫn là sự “xin - cho” về cơ chế và nếu vẫn tiếp tục theo cách tiếp cận cũ thì hiệu quả rất hạn chế và có giới hạn. Điều quan trọng là cần phải biến các cơ chế, chính sách “đặc thù” thành các cơ chế, chính sách “vượt trội”, trước hết là trong xây dựng môi trường thể chế và quản trị địa phương - tức là tạo ra sự khác biệt và lợi thế nhờ đạt tới một “đẳng cấp” trong phát triển cao hơn”.
Là tỉnh có dân số đứng thứ ba, diện tích đứng thứ năm cả nước, Thanh Hóa có lợi thế về quy mô nhưng thật sự chưa phải là lúc nào, ở đâu cũng là nơi để “đất lành chim đậu”. Thanh Hóa cần khắc phục được tình trạng “tỉnh mở, sở thắt”, “trên trải thảm, dưới rải đinh” trong thu hút đầu tư. Mặc dù Thanh Hóa đã cải thiện được rất nhiều nhưng nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI phản hồi chỗ này, chỗ kia vẫn còn rất khó khăn. Nếu lãnh đạo tỉnh có quyết tâm lớn đến đâu mà một bộ phận cán bộ tham mưu, giúp việc không chịu thay đổi, vẫn sách nhiễu, quan liêu, thiếu năng lực thì không thể hiện thực hóa được quyết tâm của lãnh đạo cấp trên. Ủy ban Nhân dân tỉnh và chính quyền các địa phương cần phải đồng hành với doanh nghiệp, nhất là trong trao đổi về những phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng hạ tầng, tạo dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn thu hút đầu tư.
“Tư duy mới cần đi kèm với cách làm mới và đồng bộ để “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, với phương châm “Trung ương mở đường, địa phương thúc đẩy, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia” để xây dựng một môi trường thật sự thuận lợi cho phát triển”, ông Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh.
KHƠI THÔNG DÒNG VỐN NGOẠI
Trong thời gian gần đây, Thanh Hóa đã chủ động tìm đến các “đại bàng” trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp. Năm 2024, Thanh Hóa kỳ vọng thu hút được trên 20 dự án FDI mới, với vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỷ USD, trong đó có một số dự án quy mô lớn, như: Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn, vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD, Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall, vốn đầu tư 170 triệu USD...
Trong những dự án trên, Thanh Hóa có tới 6 dự án hạ tầng khu công nghiệp, với tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng. Cụ thể như dự án Khu công nghiệp WHA Smart Technology, thuộc một phần Khu công nghiệp Phú Quý, huyện Hoằng Hóa, do Tập đoàn WHA (Thái Lan) đề xuất đầu tư, với diện tích 178,5 ha và tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng, dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ. Khu công nghiệp WHA Smart Technology 2 - Thanh Hóa, thuộc một phần Khu công nghiệp Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa do Tập đoàn WHA - Thái Lan đề xuất, với diện tích 174,9 ha, tổng vốn đầu tư 1.275 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.
Bên cạnh đó, Dự án Khu công nghiệp số 17 thuộc Khu công nghiệp Nghi Sơn do Công ty cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn đề xuất, với diện tích 570,12 ha, tổng vốn đầu tư 6.432 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và đề nghị hoàn thiện hồ sơ. Dự án Khu công nghiệp dược phẩm công nghệ cao Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 1, thuộc Khu công nghiệp số 20 - Khu kinh tế Nghi Sơn do Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP, Công ty TNHH Sri Avantika Contractors và doanh nhân Ramesh Babu Potluri (Ấn Độ) đề xuất, với diện tích 142,2 ha, tổng vốn đầu tư 1.470 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định.
Đặc biệt, Dự án Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa - giai đoạn 1 do Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản đề xuất, với diện tích 167 ha, tổng vốn đầu tư 2.918 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Khu công nghiệp số 19, thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn do Công ty Cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Việt - Nhật Hợp Thành đề xuất, với diện tích 295 ha, tổng vốn đầu tư 2.360 tỷ đồng, dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định và yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án.
Những dự án này khi đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp FDI lựa chọn Thanh Hóa để “xây tổ” trong thời gian tới...
Đón đọc tiếp: [Bài 4]: Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2024 phát hành ngày 28/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam