Năm 1997, huyện Tĩnh Gia khi đó có tỷ trọng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 54%, tỷ lệ sản xuất công nghiệp, dịch vụ mới chỉ chiếm 18% trong cơ cấu kinh tế địa phương.
KÝ ỨC “NGOÀI KHƠI CÁ LẸP, TRÊN BỜ KHOAI LANG"”
Vùng đất phía Nam Thanh Hóa với đặc trưng là gió Lào, cát trắng một thời được liệt vào nơi nghèo nhất nhì xứ Thanh. Để nói về cái nghèo của Tĩnh Gia, người xứ Thanh vẫn lưu truyền câu ca “Nhất xương, nhì da”, xương là huyện Quảng Xương, da là huyện Tĩnh Gia, 2 huyện ven biển phía Đông Nam của tỉnh Thanh Hóa.
Nhà báo kỳ cựu Cao Ngọ, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện báo Thanh niên tại Khu vực Bắc Trung Bộ, nhớ lại: “Khoảng 40 năm trước, tôi lần đầu tiên về với Tĩnh Gia để một lần cảm nhận được vùng đất Tĩnh Gia nghèo khó, gian truân đến độ nào. Đi về các xã vùng biển Tĩnh Gia làm việc mới nhận ra rằng, một vùng cát trắng biển xanh rất đẹp. Nhưng phong cảnh nên thơ, yên bình cũng chỉ tồn tại những làng chài, những cánh đồng sản xuất muối và trồng lúa nước trong đất pha cát.
Cái nghèo khó như mặc định ở vùng đất này trước sự cam chịu của con người. Họ chỉ biết ra khơi, vào lộng mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản. Về với vùng biển mới cảm nhận hết được vị mặn chát của đời người, bán mặt cho biển, bán lưng cho trời, cần cù, chịu thương chịu khó chống chọi với thiên nhiên để tồn tại, để vươn lên...”.
Ở Tĩnh Gia khi đó, người ta vẫn thường trào lộng với nhau bằng câu ca cười ra nước mắt: ngoài khơi cá lẹp, trên bờ khoai lang. Cá lẹp là loài cá ven bờ, mỏng dẹp, nhiều xương, có giá trị kinh tế rất thấp. Còn khoai lang là loại cây lương thực duy nhất có thể chống chọi, sinh trưởng được với thổ nhưỡng vùng đất khô cằn, được trồng nửa hoang hóa như là cây lương thực phụ của các hộ gia đình vùng biển. Những sản vật có sẵn của thiên nhiên tuy chẳng có giá trị kinh tế nhưng lại gắn bó với người dân “cả bể” trong những ngày giáp hạt hay mỗi khi biển động, “tháng ba, ngày tám”, nuôi sống khát vọng vươn lên của người dân nơi đây.
Câu chuyện về một thời ký ức chưa xa về vùng đất mà bài toán “ăn no” còn đặt ra thường nhật thì khát vọng làm giàu còn gian nan. Nếu không tìm ra “lối thoát” thì vùng đất khó nhưng giàu tiềm năng đó không thể có bước phát triển “lột xác” như ngày nay. Đó cũng là nỗi trăn trở lớn của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lớp trước và kế tiếp hôm nay phải tìm cho ra lời giải.
Sau nhiều trăn trở, tỉnh Thanh Hóa đã xác định, để Nghi Sơn phát triển tương xứng với tiềm năng thì phát triển công nghiệp và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là con đường ngắn nhất. Một kế hoạch biến vùng đất khó Tĩnh Gia thành Khu kinh tế Nghi Sơn với những chính sách, cơ chế vượt trội, thu hút những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn đã được Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đưa ra và đề xuất với Trung ương.
Trong bối cảnh công cuộc Đổi mới và mở cửa của đất nước đã bước đầu thu được những thành quả ban đầu, tiềm năng của vùng đất này đã được Trung ương nhìn thấy với việc quy hoạch Khu công nghiệp Nam Thanh có quy mô 1.400ha và Khu đô thị mới Nghi Sơn cũng chính thức được Chính phủ phê duyệt. Một chương mới bắt đầu mở ra với huyện Tĩnh Gia.
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, người Nhật bắt đầu tìm đến khảo sát vùng đất ven biển Tĩnh Gia. Khi đó, Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã nhận định: “Nằm ở cuối phía Nam bờ biển tỉnh Thanh Hóa, Nghi Sơn có tiềm năng về xây dựng một cảng biển nước sâu từ 15-18m. Sau khi xây dựng một nhà máy xi măng lớn, một cảng chuyên dụng và tuyến kỹ thuật hạ tầng vào khu công nghiệp; đồng thời, với sự đầu tư tổng hợp cho phép vùng Nghi Sơn trở thành một trong các trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, sẽ là cửa ngõ chính của tam giác kinh tế phía Bắc”.
Sau chuyến khảo sát của JICA, những nhà đầu tư xứ “Mặt trời mọc” bắt đầu tìm đến với Nghi Sơn. Cơ chế đã có, quy hoạch đã thông, tiềm năng khoáng sản và vận tải đường biển được đánh giá là lý tưởng nhất khu vực phía Bắc để xây dựng cảng nước sâu, chính là tiền đề để Liên doanh Nhà máy xi măng Nghi Sơn với vốn đầu tư lên tới 650 triệu USD ra đời.
TRỞ THÀNH KHU KINH TẾ VEN BIỂN TRỌNG ĐIỂM
Công ty Xi măng Nghi Sơn (NSCC) được thành lập ngày 11/04/1995, là công ty liên doanh giữa Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) với hai tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản là Taiheiyo Xi măng (TCC) và Mitsubishi Vật liệu (MMC).
Thời điểm nhà máy khởi công vào năm 1997, cố Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Minh dí dỏm nói: “Bóng đến chân tiền đạo thì bằng mọi cách phải ghi bàn! Hôm nay là ngày vui, ngày đáng nhớ của Thanh Hóa, ngày đánh dấu sự mở đầu đi đến ấm no, hạnh phúc hơn đối với Thanh Hóa, đặc biệt với vùng đất Tĩnh Gia. Vì thế, chúng ta phải chớp lấy thời cơ, tạo mọi điều kiện để khu vực Nghi Sơn trong tương lai phải trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài”.
Tháng 7/2000, các cán bộ, nhân viên Việt Nam và Nhật Bản đã đưa dự án đầu tư lớn nhất của Nhật Bản tại Việt Nam lúc đó, gồm Nhà máy chính tại tỉnh Thanh Hóa và Trạm Phân phối tại thành phố Hồ Chí Minh cùng với hệ thống bán hàng chính thức đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhắc lại chuyện cũ, ông Nguyễn Văn Lợi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhớ lại: “Năm 2001, Chính phủ đã cho phép thành lập khu công nghiệp Nghi Sơn. Cơ chế ban đầu đã có. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tìm về Nghi Sơn đầu tư các dự án xi măng, may mặc, chế biến thủy hải sản. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy “chiếc áo cơ chế” đã trở nên chật chội với nhu cầu và tiềm năng phát triển của Nghi Sơn. Lúc bấy giờ, các cấp ủy, chính quyền Thanh Hóa nhận định: nếu chỉ là khu công nghiệp như mọi khu công nghiệp khác thì thế mạnh của Nghi Sơn sẽ không được phát huy đầy đủ. Mục tiêu đặt ra là phải xúc tiến thành lập Khu kinh tế Nghi Sơn. Bởi vì chỉ có Khu kinh tế mới có những cơ chế đặc thù mang tính đột phá, mới tạo ra những ưu đãi vượt trội để các nhà đầu tư quốc tế quan tâm. Nói như ngôn ngữ bây giờ là mới hấp dẫn, thu hút được các đại bàng trong và ngoài nước tìm về xây tổ”.
Bối cảnh đất nước khi đó, công cuộc đổi mới và mở cửa đã thu được những thành quả bước đầu đáng khích lệ. Các nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến Việt Nam như một sự lựa chọn tiềm năng bởi nguồn nhân lực dồi dào và tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. Một số khu kinh tế được thí điểm thành lập. Tuy nhiên, những khu kinh tế ở phía Nam khi đó chưa phát huy hiệu quả do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Vì thế, đây là giai đoạn tương đối nhạy cảm. Từ đó, tạo nên một làn sóng dư luận chưa đồng thuận khiến Trung ương phải xem xét.
Lợi thế lớn nhất của Nghi Sơn lúc bấy giờ mà các địa phương khác không có chính là tiềm năng phát triển một cụm cảng nước sâu có thể đón tàu có tải trọng đến 150.000 DWT, năng lực xếp dỡ hàng triệu tấn. Nếu không tận dụng được lợi thế này để hình thành Khu kinh tế Nghi Sơn thì những tiềm năng của Nghi Sơn không thể phát huy được hết thế mạnh của mình.
“Từ những lợi thế vốn có của Nghi Sơn, cộng với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền Thanh Hóa, chúng tôi đã chủ động trình bày ý tưởng dự án với các bộ, ban, ngành Trung ương. Đúng như dự đoán, một số ý kiến từ phía các cơ quan Trung ương chưa được đồng thuận. Lúc bấy giờ chúng tôi đã kiên trì, tranh thủ mọi cách để trình bày, thuyết phục và cuối cùng cũng được đồng thuận. Trên cơ sở đó, ngày 15/5/2006, Khu kinh tế Nghi Sơn chính thức được thành lập theo quyết định số 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, ông Lợi chia sẻ.
Hiện nay, Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha, là một trong 8 nhóm khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, được xây dựng với mục tiêu trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng gắn với Cảng biển nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu từ 250.000 tấn. Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn được quy hoạch phát triển 19 khu công nghiệp, diện tích đến năm 2030 là 6.045 ha và sau năm 2030 khoảng 6.809 ha. Đến nay Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 75 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 13,677 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 13,2 tỷ USD.
Một số dự án lớn, tiêu biểu tại Khu kinh tế có thể kể đến như: Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, vốn đăng ký đầu tư 9,0 tỷ USD; Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II công suất 1.200 MW, vốn đăng ký đầu tư 2,8 tỷ USD; Nhà máy xi măng Nghi Sơn công suất 4,3 triệu tấn/năm, vốn đăng ký đầu tư 622 triệu USD.
Khu kinh tế Nghi Sơn được đánh giá là Khu kinh tế ven biển trọng điểm thành công bậc nhất cả nước. Vùng đất Tĩnh Gia hoang hóa, nghèo khó năm xưa đã “thay da, đổi thịt” thành thị xã Nghi Sơn sầm uất, đang được quy hoạch để trở thành thành phố công nghiệp trong tương lai gần. Trong bước chuyển mình vươn lên của Tĩnh Gia xưa, Nghi Sơn nay có dấu ấn đậm nét của các nhà đầu tư đến từ các doanh nghiệp FDI.
“Năm 2001, Chính phủ đã cho phép thành lập khu công nghiệp Nghi Sơn. Cơ chế ban đầu đã có. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tìm về Nghi Sơn đầu tư các dự án xi măng, may mặc, chế biến thủy hải sản. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy “chiếc áo cơ chế” đã trở nên chật chội với nhu cầu và tiềm năng phát triển của Nghi Sơn. Lúc bấy giờ, các cấp ủy, chính quyền Thanh Hóa nhận định: nếu chỉ là khu công nghiệp như mọi khu công nghiệp khác thì thế mạnh của Nghi Sơn sẽ không được phát huy đầy đủ. Mục tiêu đặt ra là phải xúc tiến thành lập Khu kinh tế Nghi Sơn. Bởi vì chỉ có Khu kinh tế mới có những cơ chế đặc thù mang tính đột phá, mới tạo ra những ưu đãi vượt trội để các nhà đầu tư quốc tế quan tâm. Nói như ngôn ngữ bây giờ là mới hấp dẫn, thu hút được các đại bàng trong và ngoài nước tìm về xây tổ”.
Năm 2001, Chính phủ đã cho phép thành lập khu công nghiệp Nghi Sơn. Cơ chế ban đầu đã có. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tìm về Nghi Sơn đầu tư các dự án xi măng, may mặc, chế biến thủy, hải sản. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy “chiếc áo cơ chế” đã trở nên chật chội với nhu cầu và tiềm năng phát triển của Nghi Sơn. Lúc bấy giờ, các cấp ủy, chính quyền Thanh Hóa nhận định: nếu chỉ là khu công nghiệp như mọi khu công nghiệp khác thì thế mạnh của Nghi Sơn sẽ không được phát huy đầy đủ. Mục tiêu đặt ra là phải xúc tiến thành lập Khu kinh tế Nghi Sơn. Bởi vì chỉ có Khu kinh tế mới có những cơ chế đặc thù mang tính đột phá, mới tạo ra những ưu đãi vượt trội để các nhà đầu tư quốc tế quan tâm. Nói như ngôn ngữ bây giờ là mới hấp dẫn, thu hút được các đại bàng trong và ngoài nước tìm về xây tổ.
Một số dự án lớn, tiêu biểu tại Khu kinh tế Nghi Sơn có thể kể đến như: Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, vốn đăng ký đầu tư 9,0 tỷ USD; Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II công suất 1.200 MW, vốn đăng ký đầu tư 2,8 tỷ USD; Nhà máy xi măng Nghi Sơn công suất 4,3 triệu tấn/năm, vốn đăng ký đầu tư 622 triệu USD...
Đón đọc tiếp bài 2: "Đường lớn đã mở".
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2024 phát hành ngày 28/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam