Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 105/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
CHẤT LƯỢNG XỨNG TẦM, ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có quy mô lớn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho Đồng Nai, các tỉnh Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Với tầm quan trọng của dự án, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ để chỉ đạo triển khai thực hiện.
Ban chỉ đạo phải đạt được 3 mục tiêu cơ bản. Một là, tiến độ dự án phải hoàn thành vào năm 2025 theo đúng Nghị quyết Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hai là, chất lượng của dự án phải đặt lên hàng đầu, xứng tầm với quy mô là công trình quan trọng quốc gia, đòi hỏi cao về chất lượng, kiểu dáng kiến trúc, cảnh quan.
Ba là, chống lãng phí tiêu cực; tiết kiệm chi phí đầu tư.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao các thành viên Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các nhà thầu rất cố gắng, đạt kết quả chuyển biến tích cực trong 2 tháng vừa qua.
Theo đó, công tác giải phóng mặt bằng bàn giao thêm 328,59 ha thuộc khu vực thi công giai đoạn 1 và 332,28 ha thuộc khu vực dự trữ đất.
Ban Quản lý dự án của ACV được kiện toàn với đầy đủ chức năng, tư cách pháp nhân, đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất được tăng cường.
Các nhà thầu huy động nhiều thiết bị máy móc, huy động nhân lực làm việc 3 ca, không khí trên công trường bước đầu sôi động...
BÀN GIAO HOÀN TOÀN MẶT BẰNG DIỆN TÍCH ĐẤT ĐẾN NGÀY 30/4/2022
Để triển khai dự án đáp ứng tiến độ, chất lượng, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan tiếp tục cố gắng, tập trung tối đa trong công tác chỉ đạo, điều hành, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện, thủ tục đầu tư bảo đảm kịp thời, kiểm soát chất lượng. Duy trì họp giao ban hằng tháng theo Quy chế hoạt động với nội dung cụ thể, chi tiết.
Các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ các lực lượng tại địa phương (quốc phòng, công an) để bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự trong quá trình thi công.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức đi thực tế, nắm bắt tình hình, động viên cán bộ công nhân viên trên công trường, đề xuất với Trưởng Ban Chỉ đạo theo lĩnh vực quản lý.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, UBND tỉnh Đồng Nai huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách bồi thường, tái định cư, bàn giao mặt bằng.
"Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trực tiếp kiểm tra, xử lý khó khăn, vướng mắc tại hiện trường, chỉ đạo việc áp dụng chính sách, bố trí tạm cư, hỗ trợ... theo thẩm quyền. Bảo đảm mục tiêu đến ngày 15/4/2022 đạt 80%, đến ngày 30/4/2022 đạt 100% bàn giao mặt bằng phần diện tích đất giai đoạn 1. Trong tháng 6 năm 2022 bàn giao toàn bộ diện tích 5.000 ha", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Đối với dự án thành phần 1, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Đồng Nai chủ động, khẩn trương chuẩn bị và thực hiện đầu tư các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không như hải quan, công an, công an cửa khẩu, cảng vụ, kiểm dịch y tế theo quy định pháp luật, bảo đảm hoàn thành đồng bộ vào cuối năm 2024.
Với dự án thành phần 2, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam khẩn trương triển khai công tác khảo sát, thiết kế, hoàn thành trong tháng 6/2022, để triển khai các công việc tiếp theo, bảo đảm hoàn thành thi công xây lắp, cung cấp thiết bị vào cuối năm 2024.
Đối với dự án thành phần 3, gồm các hạng mục công trình quan trọng nhất của dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu ACV tiếp tục kiện toàn quy chế hoạt động của Ban Quản lý dự án, hoàn thiện bộ máy nhân sự, bổ sung thêm các khu làm việc cho chuyên gia, tư vấn giám sát,...
ACV chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng bảo đảm tiến độ phê duyệt thiết kế nhà ga hành khách vào tháng 7/2022 và khởi công vào tháng 10/2022; khởi công đường cất hạ cánh tháng 12/2022.
Còn với dự án thành phần 4, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các công trình, bảo đảm tiến độ hoàn thiện, vận hành thử đồng bộ với các dự án thành phần của dự án.
GẤP RÚT TRIỂN KHAI CÁC TUYẾN ĐƯỜNG KẾT NỐI
Về giá vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Đồng Nai kịp thời hướng dẫn, ban hành giá nhiên liệu, nguyên vật liệu theo thẩm quyền, đúng quy định.
Việc tính toán nhu cầu giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần dựa trên tầm nhìn dài hạn khi khai thác đủ công suất 100 triệu hành khách/năm.
Bộ Giao thông vận tải sớm nghiên cứu triển khai mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cùng với các tuyến đường đang triển khai thi công như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu giao thông kết nối, không để xảy ra tình trạng ùn tắc.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất việc đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối Cảng hàng không (ĐT.773 và ĐT.770B) bảo đảm quy mô đủ lớn, hạn chế việc phải đầu tư nâng cấp, mở rộng sau này.
Về các tuyến đường sắt kết nối Cảng hàng không Long Thành, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại văn bản số 1941/VPCP-CN ngày 30/3/2022, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tối ưu nhất để đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư.
Theo quy hoạch được phê duyệt, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Dự án có diện tích 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha, diện tích đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng là 1.050 ha, diện tích đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác là 1.200 ha.
Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16 tỷ 30 triệu USD, được chia làm 3 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Khi hoàn thành, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.