Với diện tích hơn 9.000 ha và là vùng trung tâm của Long Thành, phân vùng chức năng đặc thù của sân bay Long Thành được quy hoạch với mục tiêu khai thác tối đa giá trị kinh tế do sân bay mang lại.
VÙNG CHỨC NĂNG ĐẶC THÙ LÀM “HẠT NHÂN”
Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, đó là việc phát triển mạnh các trung tâm dịch vụ cấp quốc tế, khu dân cư, ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp liên quan đến hàng không, trong đó có khu dịch vụ logistics quốc tế chất lượng cao.
Dự án Cảng Hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành được quy hoạch xây dựng với công suất phục vụ 100 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 5 triệu tấn/năm.
Dự án bao gồm đường băng, nhà ga hàng không, các cơ sở hạ tầng dịch vụ sân bay cùng các tiện ích kèm theo. Dự án tạo ra động lực phát triển rất lớn cho nhiều ngành kinh tế trong tương lai, trong đó có ngành công nghiệp hàng không.
Cũng theo Sở Xây dựng Đồng Nai, sân bay Long Thành phát triển theo dự án riêng. Vùng bên ngoài sân bay lại bị giới hạn bởi hai loa tĩnh không nên bị hạn chế về chiều cao trong quá trình phát triển đô thị. Vì thế, đối với phân vùng chức năng đặc thù sân bay Long Thành được quy hoạch để phát triển về dịch vụ, các dịch vụ phục vụ cảng hàng không, logistics, văn phòng, các khu triển lãm,… phục vụ hội nghị, hội họp cho khách du lịch quốc tế là phù hợp.
Vùng đặc thù Long Thành sẽ hình thành mô hình phát triển bền vững, linh hoạt có khả năng thích ứng theo thời gian và phát triển hội nhập quốc tế. Phân vùng trung tâm sẽ được quy hoạch phát triển nhằm cung cấp hàng loạt các tiện ích đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo dấu ấn và nét đặc trưng riêng về cảnh quan, tính hiện đại cho khu vực cửa ngõ giao lưu quốc tế của Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia, Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp hàng không. Việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ mở ra cơ hội mới cho các dịch vụ bảo dưỡng, đại tu, sửa chữa máy bay và các công nghiệp hỗ trợ khác. Ông Bùi Đào Thái Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Roland Berger khu vực Đông Nam Á (CHLB Đức) nhận xét: Việt Nam hiện nay chỉ có một vài nhà sản xuất linh kiện máy bay nằm rải rác. Do đó, đây là tiềm năng cho một khu công nghiệp hàng không liên kết và tập trung.
CẦN MẠNG LƯỚI KẾT NỐI GIAO THÔNG ĐỒNG BỘ
Để tạo động lực phát triển cho phân vùng đặc thù sân bay Long Thành, một trong những yếu tố quyết định là phải tổ chức mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối hiệu quả từ khu vực lập quy hoạch đến trung tâm TP.HCM và toàn bộ những điểm đến khác trong vùng TP.HCM bằng nhiều loại phương tiện khác nhau.
Cuối tháng 11 vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ xem xét chấp thuận hỗ trợ cho tỉnh số tiền 4.136 tỷ đồng để đầu tư hai tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành gồm dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773 và dự án đường tỉnh 770B. Đây là những tuyến đường mang tính chiến lược, hình thành trục giao thông quan trọng kết nối các huyện Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và thành phố Long Khánh đến khu vực sân bay quốc tế Long Thành.
Tuyến kết nối quan trọng nhất từ khu vực sân bay Long Thành đến trung tâm TP.HCM chính là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, hiện nay tuyến cao tốc này thường xuyên bị ùn ứ do dấu hiệu quá tải.
Với lượng hành khách và hàng hóa được dự báo sẽ tăng cao khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, trục kết nối giao thông quan trọng này sẽ được đầu tư mở rộng sớm để đáp ứng nhu cầu. Hiện dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây cũng đã được hoàn thiện, đang cân nhắc phương án vốn để triển khai.
Còn theo quy hoạch, để phục vụ xây dựng Sân bay Long Thành sẽ có hai tuyến đường kết nối được đầu tư xây dựng. Sau khi Sân bay Long Thành hoàn thành xây dựng, đây cũng sẽ là hai tuyến đường bảo đảm giao thông cho công trình này.
Trong báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng sân bay Long Thành, hai tuyến đường kết nối bao gồm tuyến đường số 1 nối từ quốc lộ 51 vào đến sân bay Long Thành và tuyến số 2 bắt đầu từ tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối trực tiếp vào tuyến số 1, song song với quốc lộ 51 và trùng với tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Hai tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khai thác sân bay Long Thành. Ngoài ra, trục kết nối từ tuyến đường kết nối sân bay số 2 qua đường 25C vượt cầu Cát Lái cũng là một tuyến giao thông kết nối quan trọng sẽ được đầu tư xây dựng để kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM.
Ngày 11/11/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 1777/QĐ-TTg về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư là khoảng 109.111,742 tỷ đồng, tương đương hơn 4,6 tỷ USD.
Sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng sân bay đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.