Cổ phiếu ngân hàng là nhóm tỏa sáng duy nhất trên sàn hôm nay, nhưng cũng không phải là tất cả. Thiếu đi sức mạnh của hai trụ lớn nhất là VCB và BID, ngân hàng cũng không thể kéo VN-Index lên nổi mà chỉ có thể giúp VN30-Index tăng hầu như không đáng kể 0,1 điểm với số mã giảm nhiều gấp 2,6 lần số tăng.
Cơ hội có màu xanh của VN30-Index là nhờ yếu tố kỹ thuật về trọng số vốn hóa của các mã ngân hàng. Cả rổ VN30 có 8 mã tăng thì toàn bộ là ngân hàng. Kéo VN30-Index tốt nhất là MBB tăng 3,39% giúp chỉ số này có gần 2 điểm trong khi VN-Index chỉ khoảng 0,9 điểm. ACB tăng 2,18% cũng đẩy 1,8 điểm cho VN30 nhưng chỉ đem lại 0,5 điểm cho VN-Index, tương tự là các cổ phiếu ngân hàng khác.
Trong 4 mã ngân hàng giảm giá thuộc rổ VN30, lại có VCB giảm 0,67%, BID giảm 1,08% là hai mã vốn hóa lớn nhất của VN-Index trong khi tác động lại rất nhỏ trong VN30-Index. Dù chỉ số VN30 vẫn còn xanh nhưng thứ nhất là mức tăng quá ít (0,1 điểm) và tất cả các cổ phiếu ngoài ngân hàng đều giảm trong đó tới 12 mã giảm trên 1% thì việc tăng ở chỉ số này cũng rất ít ý nghĩa.
Mở rộng ra khắp thị trường, độ rộng áp đảo hoàn toàn ở phía giảm cho thấy nhóm ngân hàng là trường hợp tăng cá biệt. Cụ thể, VN-Index kết phiên giảm 0,65% tương đương -7,52 điểm nhưng chỉ có 132 mã tăng/380 mã giảm. Trong số giảm tới 182 mã giảm quá 1%, thậm chí gần 100 mã giảm trên 2%. Như vậy nếu nhà đầu tư không có cổ phiếu ngân hàng hoặc cổ phiếu nhóm này chiếm tỷ trọng nhỏ trong danh mục thì chắc chắn vẫn cảm nhận được sự thua lỗ.
Thậm chí ngay trong nhóm ngân hàng cũng không đồng đều. Toàn nhóm chỉ có 11/27 mã là tăng giá. Ngoài các blue-chips ngân hàng, những mã tăng còn lại đều yếu như LPB, OCB, TPB, MSB…
Cổ phiếu ngân hàng hôm nay đạt kỷ lục về thanh khoản với gần 7.027 tỷ đồng, trong đó các mã thuộc VN30 giao dịch 6.027 tỷ đồng. Thanh khoản nhóm ngân hàng chiếm 33% tổng giá trị khớp sàn HoSE và ngân hàng trong VN30 chiếm gần 63% tổng giá trị rổ. Giao dịch lớn nhất là STB với 1.221,6 tỷ, giá tăng 1,36%; MBB với 968,4 tỷ, giá tăng 3,39%, SHB với 786,5 tỷ, giá tăng 1,65%; ACB với 656,3 tỷ, giá tăng 2,18%; CTG với 538,2 tỷ, giá tăng 1,61%...
Ngoài nhóm ngân hàng, cũng có hơn trăm mã khác tăng giá, nhưng thanh khoản hầu hết rất nhỏ. Một số cổ phiếu đáng kể khác là BCG tăng 3,58% thanh khoản 71,9 tỷ; PSH tăng 2,88% giao dịch 44,3 tỷ; PVP tăng 1,44% với 14,9 tỷ; TTF tăng 1,14% với 15,2 tỷ; VHC tăng 1,08% với 50,9 tỷ. HCM, BSI, DGW là số ít còn lại vẫn tăng giá nhưng rất yếu và thanh khoản khả dĩ.
Ngược lại phía giảm rất nhiều mã chịu sức ép lớn và có thanh khoản cao nhưng giá giảm sâu. Trong 182 mã giảm sâu nhất (tối thiểu 1%) ở HoSE, có tới 30 mã thanh khoản trên 100 tỷ đồng. Sức ép cực lớn xuất hiện ở DIG bốc hơi 2,59% thanh khoản tới 818,8 tỷ đồng; GEX giảm 3,62% giao dịch 579 tỷ; DXG giảm 2,34% với 486,6 tỷ; NVL giảm 3,26% với 461,4 tỷ; CII giảm 3,72% với 333,3 tỷ; KBC giảm 2,52% với 323,6 tỷ; DBC giảm 2,67% với 253,7 tỷ; VCG giảm 2,87% với 244,2 tỷ… Chỉ riêng nhóm giảm sốc trên 2% hôm nay đã chiếm tới 26,4% tổng giá trị khớp của cả sàn HoSE.
Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX hôm nay tăng vọt 34% so với hôm qua, đạt 23.389 tỷ đồng. Mức tăng thanh khoản này thực ra là tiêu cực, khi áp lực bán khiến rất nhiều cổ phiếu giảm sâu. Thực ra ngay cả các cổ phiếu ngân hàng còn tăng hôm nay thì vẫn có những đợt xả ở vùng cao rất rõ. MBB chẳng hạn, giá đóng cửa bị ép xuống 0,93% so với đỉnh, ACB tụt gần 1,53%, CTG tụt 1,1%, SHB tụt 1,2%, TPB tụt 1,33%...
Nhà đầu tư nước ngoài không đóng vai trò gì trong sức ép bán hôm nay khi tổng giá trị xả ra chiếm khoảng 4,8% tổng giao dịch sàn HoSE. Thậm chí khối này còn mua ròng nhẹ 11,8 tỷ đồng. STB, VCB, VPB, CTG, MWG, SHB, DXG là các mã được mua tốt nhất trong khi bán ra có VNM, BCM, DPM, HDG, KDH, GEX, VRE.