December 08, 2021 | 12:10 GMT+7

Ban hành câu hỏi điều tra chống bán phá giá đối với bàn, ghế nhập khẩu

Mạnh Đức -

Trước 17h00 ngày 12/01/2022 (theo giờ Hà Nội), tất cả các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài phải gửi bản trả lời liên quan đến vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bàn, ghế có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Malaysia về Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)…

Bàn, ghế nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Bàn, ghế nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Ngày 8/12/2021, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết đã gửi bản câu hỏi chính thức dành cho nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bàn, ghế có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Malaysia (mã vụ viêc: AD16).

Ban hành câu hỏi điều tra chống bán phá giá đối với bàn, ghế nhập khẩu - Ảnh 1

Để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, Cơ quan điều tra đề nghị tất cả các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài có liên quan tham gia, hợp tác đầy đủ trong suốt quá trình điều tra. Nội dung bản trả lời sẽ là căn cứ để Cơ quan điều tra xem xét chọn mẫu giới hạn phạm vi điều tra trong trường hợp cần thiết.

Trong trường hợp Cơ quan điều tra không nhận được thông tin trả lời đúng hạn của các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài hoặc trong trường hợp thông tin cung cấp không chính xác, không đầy đủ theo yêu cầu thì Cơ quan điều tra sẽ sử dụng thông tin sẵn có để đưa ra kết luận theo quy định tại Điều 75 Luật Quản lý ngoại thương.

Các thông tin, số liệu cung cấp trong quá trình trả lời bản câu hỏi của Cơ quan điều tra và quyền tiếp cận thông tin vụ việc của các bên liên quan trong quá trình điều tra sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật về bảo mật thông tin tại Điều 11 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trước đó, ngày 01/9/2021 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2091/QĐ-BCT về việc Điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bàn, ghế có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Malaysia.

Ban hành câu hỏi điều tra chống bán phá giá đối với bàn, ghế nhập khẩu - Ảnh 2

Sản phẩm bị điều tra được phân loại theo các mã HS: 9401.30.00; 9401.40.00; 9401.61.00; 9401.69.90; 9401.71.00; 9401.79.90; 9401.80.00; 9401.90.40; 9401.90.92; 9401.90.99; 9403.30.00; 9403.60.90; 9403.90.90.

Quyết định điều tra được ban hành căn cứ trên kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại đối với Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được nộp bởi các doanh nghiệp đủ tư cách đại diện cho ngành sản xuất trong nước là Công ty cổ phần Xuân Hòa và Công ty cổ phần nội thất Hòa Phát.

 
Bên nguyên đơn đề xuất biên độ phá giá đối với sản phẩm bàn, ghế nhập khẩu từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở mức 21,4 - 35,2% và từ Malaysia là 24,9 - 32,4%. Thời  kỳ điều tra để xác định thiệt hại từ 1/7/2018 đến 30/6/2021.

Nguyên đơn cáo buộc có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước trong khoảng thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021.

Theo quy định tại Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Cơ quan điều tra xác định bên yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đáp ứng yêu cầu về tính đại diện cho ngành sản xuất trong nước và có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Căn cứ Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương về trình tự, thủ tục điều tra vụ việc phòng vệ thương mại và Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa bị điều tra có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Malaysia.

Thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra cuối cùng về vụ việc. Đồng thời, Cục cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các tạo cơ hội cho các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate