Hiện tại, hàng loạt xu hướng giảm cân rầm rộ xuất hiện, đi kèm những cảnh báo về sức khỏe khi cân nặng vượt mức cho phép. Bên cạnh đó, nỗ lực của chính phủ các nước trong việc hạn chế các thực phẩm chế biến nguy hại đã thúc đẩy người dân toàn cầu ý thức hơn về cân nặng. Giảm cân trở thành mối quan tâm sâu rộng, thậm chí là nỗi ám ảnh từ Á sang Âu, từ phụ nữ đến đàn ông và trẻ nhỏ.
Hãng tin CNN cho hay sự xuất hiện của các loại thuốc GLP-1 như Wegovy và Ozempic đã mang đến hy vọng cho những người muốn giảm cân. Tuy nhiên, theo phân tích của JP Morgan, việc sử dụng thuốc GLP-1 cũng đồng nghĩa với việc người dùng mua ít thực phẩm hơn 8% so với người tiêu dùng thông thường. Ngoài ra, khi cân nặng suy giảm, nhiều người Mỹ chuyển sang các khẩu phần ăn ít hơn, buộc các nhà kinh doanh thực phẩm phải điều chỉnh kích cỡ của sản phẩm.
Hiện nay, từ chuỗi cửa hàng thực phẩm bổ sung GNC cho đến dịch vụ giao bữa ăn Daily Harvest hay các kế hoạch ăn kiêng như Optavia, tất cả đều đang cố gắng thích nghi bằng cách cung cấp dịch vụ, sản phẩm dành riêng cho người dùng GLP-1. Ngay cả những "ông lớn" trong ngành cũng đang theo dõi sát sao xu hướng này, ghi nhận những mặt hàng bán chạy trong nhóm người dùng GLP-1 và báo cáo cho các nhà đầu tư.
Việc các doanh nghiệp tìm cách kiếm lời từ xu hướng tiêu dùng mới không phải là chuyện hiếm. Gần đây, hãng Chipotle đã tung ra thực đơn với nhiều món ăn phù hợp với các chế độ ăn kiêng khác nhau để bán sản phẩm tùy theo nhu cầu giảm cân ngày một lớn của thị trường. Ngoài ra các kiểu ăn kiêng khác như xu hướng keto cũng đã tạo điều kiện cho nhiều thương hiệu chuyên bán các sản phẩm phù hợp với chế độ ăn này ra đời.
Với ngành thời trang, theo các nhà phân tích của Deutsche Bank AG, xu hướng giảm cân đã và đang tạo động lực tăng trưởng tích cực cho các thương hiệu đồ thể thao và nhà bán lẻ quần áo. Adam Cochrane nhấn mạnh, những người gầy hơn sẽ cần mua kích cỡ nhỏ hơn và có động lực tập thể dục nhiều hơn. Nhờ đó, các nhà sản xuất đồ thể thao như Adidas, Puma… trở thành các thương hiệu hưởng lợi tiềm năng, cùng các nhà bán lẻ thời trang nhanh như Inditex (thương hiệu Zara), Hennes & Mauritz (thương hiệu H&M) và chuỗi Primark...
Theo WSJ, nhiều thương hiệu không thuộc các tập đoàn lớn cũng nhanh chóng thay đổi kiểu thiết kế và kích cỡ quần áo để đáp ứng nhu cầu của người dùng, tương tự trước đây họ đã nhạy bén tăng cỡ trang phục. Deirdre Quinn, CEO của Lafayette 148, thương hiệu thời trang tại New York, cho biết khoảng 5% khách hàng của thương hiệu mua trang phục mới vì cân nặng giảm đáng kể.
Tương tự, Amarra - công ty chuyên sản xuất đầm dạ hội và trang phục nghi lễ - từng ghi nhận nhu cầu gia tăng đối với các trang phục có kích cỡ lớn trước đại dịch. Tuy nhiên, hiện tại, xu hướng này đảo ngược hoàn toàn. Abhi Madan, đồng sáng lập kiêm Giám đốc sáng tạo của Amarra, cho biết trong suốt năm 2023 và nửa đầu năm 2024, nhu cầu mới buộc Amarra điều chỉnh cũng kích cỡ trang phục. Thương hiệu cũng thêm vào hạng mục sản xuất kích cỡ 000, đồng thời sản xuất nhiều sản phẩm kích cỡ từ 0 - 8 hơn, thay vì 18 - 24 như trước kia.
Sau Tuần lễ Thời trang New York, có thể thấy được có rất ít những người mẫu ngoại cỡ xuất hiện trên sàn diễn. Theo báo cáo của tờ Fashion Spot, số lượng người mẫu ngoại cỡ đã tăng đều đặn từ mùa xuân năm 2016 và đạt đỉnh điểm vào mùa xuân năm 2020 với 68 người mẫu xuất hiện trong các buổi trình diễn. Mặc dù số liệu năm nay chưa có nhưng chắc hẳn người ta đã cảm nhận được sự thiếu vắng của những người mẫu ngoại cỡ thông qua những buổi biểu diễn ở châu Âu.
Đối với giới trẻ hiện nay, phong cách Y2K là một luồng gió mới và là một cách thức để họ thể hiện cá tính của bản thân. Phong cách này gồm nhiều trang phục với màu sắc nổi bật và thiết kế vô cùng tôn dáng. Mặc dù vậy, Y2K cũng là phong cách mà nhiều cô nàng mũm mĩm không mấy hoan nghênh. Một bài đăng trên trang của tạp chí Vogue của Marielle Elizabeth đã bày tỏ sự hoang mang, lo lắng thấy rõ khi những dáng người nảy nở, mũm mĩm đang dần phải nhường chỗ cho thân hình thon gọn, mình hạc xương mai.
Theo Gianluca Russo - tác giả của cuốn The Power of Plus, sự đa dạng dáng người bị thoái trào là điều không thể tránh khỏi bởi sự xoay vòng của thời trang. Dù rất đẹp mắt và cá tính nhưng phong trào Y2K lại chỉ phù hợp với những người thon thả. Russo cho biết: “Từ Hollywood đến sàn diễn của Tuần lễ thời trang New York, chúng tôi nhận thấy xu hướng hiện nay là những cơ thể gầy gò. Bạn có thể thấy điều đó từ việc giảm cân của người nổi tiếng cho đến những người mẫu trên sàn catwalk, và điều đó thực sự đáng sợ đối với thế hệ trẻ”.
Dù nhiều phương pháp giảm cân có thể nguy hại và không nên khuyến khích, khảo sát của Impact Analytics trên 12 thương hiệu thời trang tại New York vẫn cho thấy thực tế, doanh số 3 kích cỡ lớn nhất của loại áo sơ mi với cổ áo cài nút dành cho phụ nữ đã giảm 10,9% trong 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, doanh số của những chiếc áo sơ mi cùng loại ở 3 kích cỡ nhỏ nhất tăng 12,1%. Xu hướng tương tự cũng diễn ra với váy và áo len của phụ nữ cũng như áo polo, áo nỉ và áo phông nam.
Khảo sát cũng chỉ rõ, nếu không có những thay đổi kịp thời về kích cỡ trang phục, các thương hiệu sẽ ôm lượng hàng tồn rất lớn vào nửa cuối năm 2024, đặc biệt trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu. “Trong một thị trường mà độ chính xác và khả năng thích ứng cực kỳ quan trọng, việc không điều chỉnh theo sự thay đổi mạnh mẽ về kích thước cơ thể có thể gây ra thảm họa tài chính cho các nhà bán lẻ thời trang”, các nhà phân tích của Impact Analytics nhấn mạnh.
Theo hãng thăm dò ý kiến Gallup, khoảng 15,5 triệu người, tương đương 6% dân số Mỹ, cho biết đã thử dùng thuốc dạng tiêm vốn dành cho người điều trị tiểu đường để giảm trọng lượng cơ thể. Loại thuốc giảm cân này không có tác dụng với tất cả mọi người và chi phí đôi khi có thể vượt quá 1.000 USD/tháng. Hơn nữa, nhiều người nhanh chóng tăng cân trở lại sau khi ngưng sử dụng thuốc này.