December 02, 2024 | 15:39 GMT+7

Bán nhỏ giọt, VN-Index xanh phút chót, khối ngoại quay lại xả

Kim Phong -

Sức ép bán hạ giá đã tăng lên một chút trong phiên chiều nay, có lúc đẩy VN-Index rơi qua tham chiếu với độ rộng áp đảo ở phía đỏ. Tuy nhiên một lần nữa thanh khoản cực thấp cho thấy bên mua chủ động lùi lại là chính, khi tiền bắt đáy xuất hiện, khả năng phục hồi giá rất dễ dàng...

VN-Index tiếp tục giằng co với thanh khoản cực thấp.
VN-Index tiếp tục giằng co với thanh khoản cực thấp.

Sức ép bán hạ giá đã tăng lên một chút trong phiên chiều nay, có lúc đẩy VN-Index rơi qua tham chiếu với độ rộng áp đảo ở phía đỏ. Tuy nhiên một lần nữa thanh khoản cực thấp cho thấy bên mua chủ động lùi lại là chính, khi tiền bắt đáy xuất hiện, khả năng phục hồi giá rất dễ dàng.

VN-Index bắt đầu đỏ khoảng 1h50 và giảm chạm đáy lúc 2h20 chiều nay. Chỉ số mất nhiều nhất 2,7 điểm, còn 1247.74 điểm. Độ rộng tại đáy ghi nhận 107 mã tăng/256 mã giảm. Trong 10 phút cuối và đợt ATC, chỉ số hồi lên và chốt phiên thành tăng 0,75 điểm (0,06) với 147 mã tăng/221 mã giảm.

So với thời điểm chốt phiên sáng (có 151 mã tăng/183 mã giảm), độ rộng chiều nay xấu hơn nhưng không quá tệ. Trong 221 mã đỏ, chỉ có 60 mã giảm hơn 1%, nhiều hơn buổi sáng (46 mã) nhưng về cơ bản vẫn chỉ có những cổ phiếu đã yếu từ sáng, rất ít mã bị bán tháo thêm. Mặt khác, thanh khoản sàn HoSE buổi chiều khá thấp, chỉ đạt gần 4.676 tỷ đồng giá trị khớp lệnh, giảm 3,5% so với phiên sáng và là mức thấp nhất 20 phiên.

Thanh khoản thấp, giá giảm nhẹ tiếp tục cho thấy biến động giá đang có yếu tố co giãn từ bên mua. Tùy từng thời điểm dòng tiền rút giá chào xuống thấp và bên bán lấn át khiến diễn biến giao dịch tiêu cực hơn, nhưng không phải là quá xấu. Khi đợt bán nhỏ kết thúc, cung cầu lại cân bằng và cổ phiếu hồi trở lại, duy trì biên độ dao động hẹp. Trạng thái bán nhỏ giọt không phải lần đầu mà mà đã sang phiên thứ 4 liên tiếp. Trong 6 phiên giao dịch gần nhất thì có tới 4 phiên sàn HoSE khớp lệnh dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

Khả năng duy trì phân hóa ở cổ phiếu đang khá thuận lợi vì sức ép từ phía bán không nhỏ. Ở những cổ phiếu có dòng tiền nhắm đến, cơ hội cân bằng hay thậm chí là đẩy giá tăng không khó. Ví dụ nhóm bất động sản hôm nay DXG, PDR, HAG, NLG nằm trong số xuất hiện thanh khoản nhiều và giá giảm sâu nhất. Ngược lại VCG, SZC, HHV, VGC, CII, KHG, LCG, LHG, KBC… vẫn tăng tốt. Ngân hàng cũng vậy, số tăng và số giảm và tham chiếu trong nhóm gần tương đương về số lượng. Nhóm chứng khoán cũng tăng giảm đan xen…

Bên bán đã hạ giá nhiều hơn trong phiên chiều, nhưng vẫn không đủ mạnh để đẩy rộng dao động.
Bên bán đã hạ giá nhiều hơn trong phiên chiều, nhưng vẫn không đủ mạnh để đẩy rộng dao động.

Nhìn chung đại đa số cổ phiếu dù đỏ cuối phiên hôm nay thì biên độ giảm cũng rất nhẹ. 60 mã giảm hơn 1% cũng chỉ chiếm khoảng 16,4% số cổ phiếu trong VN-Index đồng thời chiếm 7,3% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE. Giá ít biến động và thanh khoản thấp đồng nghĩa với cung cầu vẫn đang cân bằng, chưa bên nào chấp nhận hành động quyết liệt hơn.

Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay cũng chuyển trạng thái giao dịch cân bằng khác hẳn buổi sáng. Cụ thể, khối này bán thêm 736 tỷ đồng nữa nhưng cũng mua vào 726 tỷ, tương ứng bán ròng chỉ 10 tỷ đồng. Trong khi đó phiên sáng khối này đã bán ròng 294,8 tỷ. Dù vậy đây vẫn là một phiên bán ròng mạnh trở lại sau 6 phiên mua ròng liên tiếp với giá trị khoảng 1.011 tỷ đồng chỉ tính riêng cổ phiếu sàn HoSE.

Khối này bán ròng cũng tập trung nhiều vào FPT - cổ phiếu được mua ròng rất mạnh tuần trước. FPT chiều nay bị bán ròng thêm khoảng 89 tỷ đồng nữa, nâng tổng mức bán ròng cả ngày lên 164,1 tỷ đồng. Các cổ phiếu còn lại cũng bị bán thêm chút ít, nhưng về cơ bản quy mô vẫn tập trung từ phiên sáng. Cụ thể, VRE -67,5 tỷ, KDH -49,9 tỷ, VCB -47,8 tỷ, STB -43,3 tỷ, HPG -42,8 tỷ, NLG -22,3 tỷ. Phía mua có CTG +57,8 tỷ, PNJ +52,4 tỷ, TCB +48 tỷ, LPB +38,9 tỷ, VPB +32,3 tỷ, TLG +20,1 tỷ.

Việc thị trường đi lên gần như liên tục trong 9 phiên vừa qua khiên nhà đầu tư chưa kịp mua rơi vào trạng thái chờ đợi và nghi ngờ. VN-Index tăng tiến vào vùng kháng cự kỹ thuật nên có xác suất quay đầu điều chỉnh. Tuy nhiên sức ép từ phía bán quá yếu nên giá hầu như chỉ dao động. Mức giảm không đủ mạnh để hấp dẫn khiến tâm lý chờ đợi vẫn còn. Sự khác biệt về giá khiến thanh khoản đang duy trì mức rất thấp nhưng thị trường vẫn chưa có dấu hiệu nào sẽ “sụp đổ”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate