December 01, 2021 | 10:03 GMT+7

Bán ròng gần 60.000 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam, khối ngoại nói gì?

Kiều Linh -

Ròng rã suốt từ đầu năm 2021 đến nay, khối ngoại đã bán “không tiếc tay” trên sàn chứng khoán Việt Nam với giá trị lên đến gần 60.000 tỷ đồng...

Đồ hoạ: K.Linh.
Đồ hoạ: K.Linh.

Bất chấp thị trường chứng khoán Viêt Nam thăng hoa với những pha liên tiếp phá đỉnh cũ, lập đỉnh mới, dòng tiền cá nhân cuồn cuộn đổ vào thị trường tìm kiếm cơ hội sinh lời nhưng khối ngoại vẫn thờ ơ, bán ròng không tiếc tay. Thống kê cho thấy, chỉ trong tháng 11 vừa qua, khối ngoại bán tiếp gần 9.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Luỹ kế 11 tháng năm 2021, khối ngoại bán ròng gần 60.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với con số cùng kỳ năm 2020, bán ròng 15.000 tỷ đồng. Với lượng bán ròng này, Việt Nam trở thành thị trường bị bán ròng lớn nhất Đông Nam Á, bằng tổng lượng vốn rút ròng trên 2 thị trường Thái Lan và Malaysia cộng lại, dù quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.

Mặc dù, khối ngoại bán ra liên tục trên thị trường chứng khoán, nhưng theo thống kê từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn đạt khoảng 50 tỷ USD, gần với mức đầu năm.

Đồ hoạ: K.Linh.
Đồ hoạ: K.Linh.

Lý giải về xu hướng bán ròng của khối ngoại trong gần một năm vừa qua, trao đổi trên Phố Tài chính mới đây, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, thứ nhất là việc xác định vai trò của Việt Nam trên các thị trường vốn của nước ngoài. Việt Nam hiện được xét là thị trường cận biên và khái niệm đầu tư vào các thị trường cận biên đang hao mòn, đang bị chậm lại, thậm chí bị coi là một chiến lược cũ cần được thay thế, chính vì vậy họ đã phải bán đi các khoản đầu tư của họ tại Việt Nam.

Thứ hai, dù đã đáp ứng được nhiều mặt nhưng Việt Nam vẫn chưa được xét vào danh sách các thị trường mới nổi cho nên đã hạn chế khả năng để thu hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba là do thời kỳ Covid thì phản ứng đầu tiên là ai gặp sự cố cũng muốn lấy tiền của mình về nhà. Tuy nhiên, với trường hợp của Dragon Capital là chỉ có huy động thêm chứ không phải rút ra.

Bên cạnh đó, vẫn có vài điểm khó khăn đối với nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn vào Việt Nam. Thứ nhất là khả năng tiếp cận đủ thông tin như các nhà đầu tư khác, ví dụ như về việc các công ty có chuẩn bị và công bố thông tin bằng những ngôn ngữ không phải tiếng Việt như là tiếng Anh, Nhật... Điểm thứ hai là quy định yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài phải gửi tiền qua tài khoản chứng khoán trước vẫn chưa khắc phục được cho nên họ vẫn cho đây là trở ngại nhất định đối với họ. Thêm yếu tố thứ ba là room ở những công ty mà họ muốn mua vào đã hết. Cơ bản Việt Nam là thị trường có độ mở đủ, chỉ còn vài việc không lớn cần hoàn thiện.

Tuy nhiên, trên thế giới cũng như trong khu vực, những người ngoài lãnh thổ Việt Nam đang bắt đầu hình thành một cách nhìn đối với Việt Nam như một đầu tàu kinh tế của khu vực ASEAN. Dần về sau này, cách nhìn của nhà đầu tư đối với sức mạnh và quy mô, mức độ dẫn đầu của thị trường tài chính Việt Nam sẽ ngày càng khác đi. Quy mô của thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên, mức độ phát triển về các công cụ, công nghệ, về cách phục vụ cho khách hàng, dù là khách hàng doanh nghiệp hay khách hàng cá nhân sẽ ngày càng phát triển và hiện đại, Việt Nam không thua kém ai.

Đồng quan điểm, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital cho rằng, việc mở tài khoản giao dịch chứng khoán ở Việt Nam cũng tương đối phức tạp đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nếu quy trình mở tài khoản dễ hơn thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia nhiều hơn. Nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn biết là nhà đầu tư Việt Nam khi chọn lựa thì họ chọn sản phẩm gì? Hiện nay, sản phẩm dành nhà đầu tư Việt Nam rất hạn chế.

"Nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại Việt Nam, tôi tự tin họ sẽ quay lại, quan trọng là Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm cho họ đầu tư hay không! Hy vọng trong tương lai chúng ta có thêm một số sản phẩm phái sinh để cho nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài tham gia vào. Tôi cũng hy vọng Việt Nam sẽ đi từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của MSCI. Để lên thị trường mới nổi, họ sẽ đưa vào vào tình trạng kiểm soát trước và tình trạng kiểm soát cũng mất khoảng 1 năm đến 2 năm. Hiện nay thì Việt Nam chưa được vào giai đoạn kiểm soát đó, nếu Việt Nam vào được thì hy vọng là có thể được hạng lên thị trường mới nổi", ông Andy Ho nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate