Sự trỗi dậy của các thương hiệu nội địa độc lập đã mở ra một triều đại mới cho địa hạt thời trang Việt Nam. Không thể không nhắc đến những nhà thiết kế như Công Trí, Đỗ Mạnh Cường, Lê Thanh Hòa – những cái tên đã đưa thời trang Việt Nam vươn ra quốc tế với phong cách sáng tạo, đậm chất nghệ thuật và bản sắc dân tộc.
Họ và các nhà thiết kế trẻ kế cận hiện nay chính là minh chứng sống động cho việc Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nơi sáng tạo ra thời trang, chứ không chỉ là nơi sản xuất các sản phẩm thời trang.
MẠCH NGUỒN SÁNG TẠO
Với tần suất hiện diện ngày càng dày đặc trên các sàn diễn quốc tế, những nhà thiết kế Việt Nam đang dần khẳng định vị thế không chỉ bằng tài năng sáng tạo mà còn bằng bản sắc văn hóa độc đáo. Thông qua ngôn ngữ thời trang, hình ảnh một Việt Nam đậm đà truyền thống nhưng đầy sức sống hiện đại được truyền tải sinh động tới bạn bè năm châu.
Chia sẻ về lý do mang thời trang đậm bản sắc Việt vươn ra thế giới, nhà thiết kế trẻ Phan Đăng Hoàng bày tỏ: "Lòng tự hào dân tộc chính là mạch nguồn bất tận cho sáng tạo. Là một người Việt Nam, tôi cảm thấy vô cùng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa chính là cội nguồn của một dân tộc. Tôi mong rằng, khi bước ra thế giới, thông qua các sản phẩm của mình, mọi người sẽ luôn nhận ra tôi là một nhà thiết kế đến từ Việt Nam".

Bên cạnh việc đưa những trang phục dân tộc như áo dài, áo yếm hay chất liệu truyền thống trong trang phục dạ hội ra thế giới, một bước tiến thú vị khác cũng đang diễn ra: các thiết kế Việt đang len lỏi vào tủ quần áo hàng ngày của khách hàng quốc tế. Những chiếc quần denim, áo T-shirt, trang phục streetwear - cộp mác thương hiệu Việt - giờ đây đã có mặt tại Los Angeles, New York, Tokyo, Đài Loan,... qua những cửa hàng pop-up và nền tảng thương mại điện tử.
Manh Nguyen, founder của Astoud – nền tảng thương mại điện tử đầu tiên phân phối sản phẩm từ hơn 50 thương hiệu thời trang độc lập Việt Nam – đang mở rộng cộng đồng thời trang Việt trên thị trường quốc tế. Tháng 9 năm ngoái, Astoud tổ chức một cửa hàng pop-up tại New York, trong khuôn khổ New York Fashion Week, mang đến trải nghiệm đa giác quan cho các khách hàng yêu thời trang đường phố.
Đồng thời, sự thay đổi này không chỉ nằm ở phía các nhà thiết kế mà còn thể hiện rõ rệt trong cách công chúng Việt Nam tiếp nhận và tiêu thụ thời trang. Thế hệ trẻ ngày nay cởi mở hơn trong việc khám phá và thể hiện phong cách cá nhân thông qua trang phục. Họ không chỉ tìm kiếm những bộ trang phục đẹp mà còn quan tâm đến câu chuyện đằng sau mỗi thiết kế, giá trị mà thương hiệu mang lại và cách nó phản ánh bản sắc riêng của mình.
Nhờ đó, các sản phẩm, chất liệu thiên nhiên như vải và sợi gai dầu, tơ tằm… được tạo ra bởi thợ thủ công, nghệ nhân các thôn, làng như Sán Séo Tỷ (Hà Giang), Nam Cao (Thái Bình), Mỹ Đức (Hà Nội)…, đã trở thành nền tảng sáng tạo cho nhiều thương hiệu thời trang bền vững như Hemp Oi, La Phạm, Mã Châu…
NTK Phạm Ngọc Anh của thương hiệu La Phạm chia sẻ: "Hiện nay, không chỉ khách nước ngoài mà nhiều nghệ sĩ, doanh nhân, người nổi tiếng Việt Nam cũng thường xuyên lựa chọn sản phẩm thời trang mang bản sắc dân tộc như một cách thể hiện gu thẩm mỹ và sự trân trọng văn hóa truyền thống. Đây là tín hiệu tích cực cho một ngành thời trang bền vững".

Tại Quảng Nam, CEO Trần Yến kết hợp cùng các NTK như Lê Thanh Hòa, Huy Võ, Ngô Nhật Huy… để khôi phục các hoa văn, họa tiết, các dòng lụa Mã Châu cổ đã thất truyền, sản xuất sợi dệt tự nhiên, nhuộm thực vật tạo nên những nguyên liệu, sản phẩm mang chuỗi giá trị xanh. Nữ CEO thế hệ 9x này cùng với lụa Mã Châu đang dần vươn tới các thị trường Mỹ, Pháp, Úc qua các bộ sưu tập của nhiều nhà thiết kế...
PHONG CÁCH RIÊNG ĐỦ SỨC CẠNH TRANH TOÀN CẦU
Với chủ đề #PureStyleShines - Bản sắc riêng tạo phong cách, Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam Xuân Hè 2025 (Vietnam International Fashion Week Spring Summer 2025) diễn ra từ ngày 5 - 8/6 tại TP.HCM tới đây sẽ quy tụ 16 nhà thiết kế, thương hiệu thời trang danh tiếng trong nước và quốc tế.
Trải qua 18 mùa tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM, tuần thời trang bước sang năm thứ 11 với kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên ghi dấu ấn cho bản sắc thời trang Việt, khẳng định vị thế riêng của thời trang nước nhà trên bản đồ quốc tế, hướng tới xây dựng một ngành công nghiệp thời trang đậm đà bản sắc văn hóa, có giá trị riêng biệt và đủ sức cạnh tranh toàn cầu.
Suốt 10 năm qua, Vietnam International Fashion Week theo đuổi thời trang bền vững, từ việc giới thiệu các bộ sưu tập sử dụng chất liệu tái chế như tơ sen, vỏ hàu, thân tre, đến việc gìn giữ yếu tố văn hóa trong từng thiết kế.

Năm nay, ngoài việc tiếp tục tôn vinh chất liệu thân thiện môi trường, chương trình còn nhấn mạnh yếu tố “bản sắc riêng” trong ngôn ngữ thiết kế của từng nhà mốt – khởi đầu cho một chặng đường mới, nỗ lực đưa Việt Nam từ một điểm đến gia công trở thành quốc gia có ngành công nghiệp thời trang phát triển toàn diện, mang dấu ấn riêng trên trường quốc tế.
Đặc biệt hơn, tuần thời trang lần này sẽ mang công nghệ AR lên thảm đỏ - cho phép khách mời trải nghiệm các thiết kế mới qua công nghệ thực tế ảo. Ứng dụng sắp ra mắt còn tích hợp vào thư mời và tính năng trải nghiệm trang phục ngay tại sự kiện, mở ra một kỷ nguyên mới trong việc kết nối thời trang với công nghệ.
Đáng lưu ý, nhà thiết kế Julien Fournié (thành viên chính thức của Hiệp hội Thời trang cao cấp Paris, Pháp từ năm 2017) sẽ tham dự Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam Xuân Hè 2025 với 29 thiết kế trong bộ sưu tập “First Circus” từng có cuộc ra mắt ấn tượng tại Tuần lễ thời trang cao cấp Paris Haute Couture.
Bên cạnh đó, sự kiện còn quy tụ các nhà thiết kế quốc tế khác như Alberto Zambelli (Italy), Frederick Lee (Singapore) và thương hiệu thời trang đến từ Malaysia, Indonesia. Các nhà thiết kế Việt tham gia có: Đặng Trọng Minh Châu, Adrian Anh Tuấn, Lê Thanh Hòa, Vũ Việt Hà, Ivan Trần, Hà Nhật Tiến, Cao Minh Tiến, Vương Khang…

Trong đó, nhà thiết kế Lê Thanh Hòa diễn mở màn với bộ sưu tập đặc biệt “The Light of Water,” thay lời tri ân vẻ đẹp của nước mềm mại, tinh khiết nhưng vẫn mạnh mẽ. Nhà thiết kế Vũ Việt Hà sẽ khép lại tuần thời trang với bộ sưu tập “Mã đáo,” lấy cảm hứng từ các phiên chợ, cuộc sống của người dân vùng cao. Những điều tinh túy mang bản sắc Việt sẽ được thể hiện qua cách dệt vải, thêu thùa và chất liệu thổ cẩm.