April 03, 2025 | 16:39 GMT+7

Lựa chọn xanh của thời trang châu Á

Minh Nguyệt -

Theo báo cáo mới nhất của WGSN - công ty chuyên về dự báo xu hướng và phân tích thị trường, Gen Z tại châu Á đang có những thay đổi đáng kể trong ưu tiên tiêu dùng và lối sống...

Faslink (Việt Nam) tạo ra các loại sợi từ bã cà phê, sợi dứa, sợi sen, vỏ bắp, vỏ hàu…
Faslink (Việt Nam) tạo ra các loại sợi từ bã cà phê, sợi dứa, sợi sen, vỏ bắp, vỏ hàu…

Dự kiến đến năm 2025, Gen Z sẽ chiếm 1/4 lượng người tiêu dùng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC), với khả năng chi tiêu ngày càng tăng. Thay vì chỉ tìm kiếm cách định nghĩa bản thân như trước đây, thế hệ này giờ đây góp phần định hình lại văn hóa đại chúng và ưu tiên lối sống xa xỉ chậm rãi, có chủ đích hơn.

Đặc biệt, người tiêu dùng thế hệ mới đang thúc đẩy việc giảm dấu chân sinh thái qua quyết định mua sắm. Khảo sát của McKinsey cho thấy có tới 91% người tham gia khảo sát thuộc thế hệ Gen Z cho biết họ sẵn sàng chi trả cao hơn cho các thương hiệu theo mô hình kinh doanh bền vững. 

Trong nhiều năm qua, châu Á là trung tâm sản xuất may mặc của thế giới. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ở châu Á đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong tiêu dùng thời trang bằng cách chuyển sang phong cách bền vững, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của thời trang “ăn liền”, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và nguy cơ biến đổi khí hậu.

Rock Daisy, Singapore.
Rock Daisy, Singapore.

Gần đây, Rachel Lio, người sáng lập thương hiệu thời trang Rock Daisy ở Singapore, đã giới thiệu một loạt trang phục mới được làm hoàn toàn từ sợi tự nhiên, chủ yếu dành cho phụ nữ châu Á. Công ty sử dụng Tencel, một loại sợi được sản xuất từ cây bạch đàn. Loại vải này do công ty Lenzing có trụ sở tại Áo phát triển và công ty này thu thập nguyên liệu từ Indonesia, sau đó làm việc với các thợ dệt ở khu vực Tây Java.

Rachel Lio chia sẻ mặc dù giá thành của sợi này cao hơn khoảng 7 lần so với polyester, nhưng đây là một “bước đi mạnh mẽ” cho thương hiệu của mình. Tuy nhiên, cô cũng nhấn mạnh rằng đôi khi người tiêu dùng cần phải hiểu về lý do vì sao sản phẩm có giá cao hơn như vậy.

Trong khi đó, TAL Apparels, một nhà sản xuất may mặc hàng đầu có trụ sở tại Hong Kong, dự báo sẽ có chuyển đổi từ thời đại tiêu thụ quần áo siêu nhanh sang thời trang bền vững và tối giản. Delman Lee, Phó chủ tịch của TAL, cho biết: "Hiện có một phong trào đang nổi lên với mong muốn phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh doanh may mặc".

TAL đã đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí nhà kính so với mức cơ bản năm 2018 và đã áp dụng một loạt các biện pháp như thu mua vải và bông từ các nguồn cung ở các quốc gia như Thái Lan và Việt Nam. Công ty này cung cấp sản phẩm từ những nguyên liệu này cho các thương hiệu thời trang cao cấp của Mỹ như Brooks Brothers và JC Penney.

Lee cho biết, một trong những cách quan trọng mà họ đang áp dụng là thay thế năng lượng từ than bằng năng lượng tái tạo trong các quy trình sản xuất, và họ cũng khuyến khích các nhà cung cấp cấp cao hơn thực hiện điều tương tự với các quy trình như dệt và nhuộm. Công ty cũng đã tăng sử dụng loại bông tốt hơn để giảm tác động đến môi trường. Trồng bông có thể gây ra nhiều vấn đề môi trường, như suy thoái đất, khan hiếm nước và sử dụng hóa chất độc hại.

TAL Apparels, Hong Kong.
TAL Apparels, Hong Kong.

Tại Ấn Độ, chị Neha Butt bắt đầu kinh doanh quần áo đã qua sử dụng từ nhiều năm trước trên các trang mạng xã hội. Nhờ xu hướng tiêu dùng xanh đang phát triển rộng khắp, công việc kinh doanh của chị ngày càng phát đạt. “Khách hàng ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường. Họ sẵn sàng mua quần áo đã qua sử dụng hay hàng tồn kho vì biết đây là hành vi bền vững,” chị nói.

Dù ngành may mặc Ấn Độ sản xuất hàng tỷ USD quần áo mới mỗi năm, vẫn có một bộ phận đáng kể người dân ở đây đang chuyển sang mua sắm quần áo “second-hand”. Nhiều nhà thiết kế hay nhãn hàng quần áo địa phương cũng không nằm ngoài xu hướng thời trang “xanh”. Chẳn hạn như Doodlage, thương hiệu chuyên sản xuất và kinh doanh quần áo, túi xách may từ những khúc vải có lỗi và bị các nhà máy loại bỏ.

Chị Kriti Tula, nhà sáng lập thương hiệu Doodlage chia sẻ: “Chúng tôi tái sử dụng vải bị lỗi hoặc vải trong quần áo cũ để may thành trang phục mới, giúp tạo ra vòng đời mới cho vải. Chúng tôi cải tiến quy trình tái chế, để giúp tiết kiệm năng lượng và nước. Ấn Độ là quốc gia thứ 3 trên thế giới tiêu thụ thời trang, vì vậy vẫn còn rất nhiều việc phải làm”.

Doodlage, Ấn Độ.
Doodlage, Ấn Độ.

Tương tự tại Indonesia, trong hai năm gần đây, thương hiệu SukkhaCitta liên tục được nhắc đến khi Denica Riadini-Flesch, nhà sáng lập, được xướng tên trong những chương trình vinh danh và hỗ trợ doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế như Cartier Women’s Initiative và Rolex Awards for Enterprises vì những cam kết, hỗ trợ của cô cho phụ nữ, những người thợ thủ công và bảo tồn văn hóa địa phương Indonesia. 

SukkhaCitta mang đến những trang phục có thể tái tạo theo khái niệm từ trang trại đến tủ quần áo (from farm to closet) bằng chất liệu hoàn toàn tự nhiên được trồng và canh tác theo mùa bởi những Ibu (nghệ nhân) sống ở các ngôi làng ở rải rác khắp nơi tại Indonesia. Họ sử dụng phần lớn cotton được canh tác hữu cơ theo phương thức tái sinh, màu nhuộm hoàn toàn tự nhiên và các kỹ thuật dệt, trang trí thủ công theo truyền thống lâu đời của Indonesia.

SukkhaCitta cũng là thương hiệu thời trang đầu tiên ở Indonesia có chứng nhận B-Corp – một chứng chỉ dành cho các doanh nghiệp cam kết theo những tiêu chuẩn cao nhất về tác động tích cực đối với môi trường và xã hội.

SukkhaCitta, Indonesia.
SukkhaCitta, Indonesia.

Tại Việt Nam, báo cáo của Nielsen Việt Nam (2023) chỉ ra rằng 74% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm bền vững, trong khi 58% đang chủ động tìm kiếm các nhãn hiệu thời trang xanh. Điều này chứng tỏ sự thay đổi trong nhận thức và hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.

Một số thương hiệu trong nước đã bắt đầu nắm bắt xu hướng này. VietTien áp dụng tiêu chuẩn xanh trong dây chuyền sản xuất, tiết kiệm 30% lượng nước so với quy trình truyền thống. Nhãn hàng Santino lần lượt cho ra mắt hàng loạt BST dựa trên vải sợi tre, sợi coolmax eco... cho các dòng áo sơ mi, áo phông và quần âu công sở. ShoeX làm giày từ bã cà phê; Re.sock sản xuất tất từ rác thải nhựa. Faslink đã tạo ra các loại sợi từ bã cà phê, sợi dứa, sợi sen, vỏ bắp, vỏ hàu… làm nguyên liệu sản xuất vải, sản phẩm may mặc…

Với sự gia tăng của các chiến dịch nâng cao nhận thức về môi trường và sự phát triển của các thương hiệu đón đầu xu hướng này, quần áo bền vững có thể sẽ trở thành lựa chọn chính của người tiêu dùng trong tương lai gần.

Nghiên cứu từ tổ chức Vietnam Eco Fashion cũng chia sẻ rằng, nếu các thương hiệu tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất, giảm chi phí và tăng cường truyền thông về lợi ích của thời trang bền vững, thị trường Việt Nam có thể chứng kiến mức tăng trưởng lên tới 20% trong ngành này trong vòng 5 năm tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate