November 12, 2022 | 08:48 GMT+7

Ban tổ chức phản hồi về lùm xùm giải thưởng Gạo ngon năm 2022

Ban Mai -

Sau những thông tin lùm xùm về cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần 3 - năm 2022, ban tổ chức cuộc thi đã có phản hồi về việc này…

Cuộc thi Gạo ngon năm Việt Nam lần 3 - năm 2022.
Cuộc thi Gạo ngon năm Việt Nam lần 3 - năm 2022.

Sáng 11/11/2022, Ban tổ chức Cuộc thi gạo ngon Việt Nam lần thứ 3 - năm 2022 đã tổ chức họp báo về những thông tin liên quan về thể lệ, quy chế và kết quả cuộc thi.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trưởng ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam năm 2022, cho biết cuộc thi gạo ngon lần thứ 3 được tổ chức đúng quy chế và thể lệ cuộc thi.

Ban giám khảo đã làm việc trung thực. Tuy nhiên, sau cuộc thi, kỹ sư Hồ Quang Cua đã có phản ánh cho rằng cuộc thi không khách quan, không khoa học, không giữ bí mật mã số của từng đơn vị thi. Giống lúa TBR39 của Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) giống với giống lúa ST24 của ông Cua là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí.

"Ông Cua chỉ điện thoại một lần cho tôi nói về vấn đề giống lúa TBR39 của ThaiBinh Seed giống với giống lúa ST24. Đến giờ này ban tổ chức chưa nhận được phản ánh chính thức của ông Hồ Quang Cua. Tôi thấy đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp Việt Nam. Tôi khẳng định, cuộc thi Gạo ngon năm 2022 là hoàn toàn đúng theo quy chế và thể lệ thi. Ban giám khảo và Ban tổ chức đã làm đúng theo quy định. Có sơ xuất như ông Cua phản ánh thì chưa có thông tin rõ ràng”, ông Nam nói.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trưởng ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần 3 - năm 2022 , thông tin tại cuộc họp báo - Ảnh: VNE.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trưởng ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần 3 - năm 2022 , thông tin tại cuộc họp báo - Ảnh: VNE.

Còn theo ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong chấm điểm tỷ lệ ngon của gạo TBR39 chiếm cao hơn so với gạo ST24. Ban giám khảo độc lập và minh bạch, trực tiếp truyền hình, nhưng khi chấm thì báo chí không được vào.

Thông tin về việc mã số của từng loại gạo đã không được giữ bí mật trong chấm thi, ông Tùng cho rằng việc mã hoá là một người làm, ban giám khảo chấm điểm là một người khác, nhập điểm là người khác nữa…

Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: "Ban tổ chức vẫn còn lưu mẫu của đơn vị dự thi và chịu trách nhiệm về cuộc thi" - Ảnh: VNE.
Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: "Ban tổ chức vẫn còn lưu mẫu của đơn vị dự thi và chịu trách nhiệm về cuộc thi" - Ảnh: VNE.

“Có thể thể lệ và quy chế dự thi thiếu thì là bình thường vì không ai nghĩ hết những điều xảy ra trong cuộc thi. Chúng tôi đã có điều chỉnh. Nếu ban tổ chức không chấp hành thể lệ thi lại là chuyện khác. Chúng tôi đã gọi lại hai lần cho ông Cua nhưng không liên lạc được”, ông Tùng nói.

Đối với hồ sơ dự thi của ThaiBinh Seed cho đến thời điểm này hồ sơ đúng theo yêu cầu. Trong đó, có 2 nội dung quan trọng, thứ nhất: có tổ hợp lai; thứ 2: phải được khảo nghiệm từ 1 trong 4 trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng trên phạm vi cả nước và có chứng nhận  DUS (tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định).

Năm 2022, Trung tâm khảo nghiệm giống Cây trồng phía Nam (cũng là thành viên của Ban giám khảo) đã khảo nghiệm giống TBR39 lần 1 và 2. Đây là cơ sở mà ban tổ chức chấp nhận.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về cách phân tích chất lượng gạo để phân định độ ngon của mẫu gạo tham dự, ông Trần Ngọc Trung, Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi Gạo ngon năm 2022, cho biết trong quá trình nấu thì các giống gạo được mã hoá; đổ nước theo quy định và chờ một thời gian nấu, sau đó lấy ra thử từng mã gạo.

“Nhìn cảm quan thì các mẫu gạo đều có độ sáng, bóng, nhưng độ ngon thì phải nấu ra ăn mới cảm nhận được độ dẻo, thơm, ngọt… Đối với mẫu gạo đạt giải nhất thì thấy chất lượng đều. Chúng tôi cũng phân vân vì chất lượng nhiều mã gạo gần tương đương nhau”, ông Trung nói.

Đề cập đến việc có thi lại hay không, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Nguyễn Ngọc Nam cho rằng sẽ không thi lại.

Thông tin thêm, ông Lê Thanh Tùng cho rằng ban tổ chức vẫn còn lưu mẫu của đơn vị dự thi và chịu trách nhiệm về cuộc thi. Người dự thi được quyền nghi ngờ và người bị nghi ngờ được phép không phải trả lời gì cả.

“Việc nghi nghờ giống TBR39 của ThaiBinh Seed giống với ST24 không thuộc thẩm quyền của ban tổ chức mà thuộc thẩm quyền của đơn vị khác. Để đánh giá sự khác nhau giữa 2 giống gạo có tới 62 chỉ tiêu, và có thể dùng các mã vạch phân tử DNA. Điều này cũng không thuộc thẩm quyền của ban tổ chức”, ông Tùng nói.

 

Cuộc thi "Gạo ngon nhất Việt Nam" lần 3 năm 2022, diễn ra ngày 4/11/2022, có 6 đơn vị dự thi: Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH thương mại HK, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng cộng 8 mẫu gạo thơm và 4 mẫu gạo nếp.

Ban giám khảo gồm Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Hội Đầu bếp Việt Nam, Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ và Công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC; sẽ chấm điểm trên các tiêu chí: mẫu gạo, nếp trước và sau khi nấu; sau đó thuyết minh đặc tính của các mẫu.

Kết quả, gạo thơm TBR39 của Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed được trao giải nhất, giải nhì là gạo ST24 của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, giải ba là gạo của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.

Với gạo nếp, giải nhất và giải ba thuộc về Công ty cổ phần Tập đoàn THAIBINH SEED, giải nhì thuộc về Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau khi cuộc thi kết thúc, kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống gạo ngon nhất thế giới - ST25, đã thông tin trên báo chí cho biết sẽ có văn bản tường trình đề nghị điều tra lại kết quả cuộc thi, vì nghi có sự đánh tráo loại gạo của ông là gạo thơm ST24.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate