Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng sứ mệnh của báo chí không chỉ tuyên truyền một chiều mà là một kênh truyền dẫn thông tin, tương tác đa chiều. Nhà báo là những người đi nhiều, bởi vậy “họ nắm bắt được những trắc trở, những miệng hố, những cái bẫy, những khúc khuỷu trên con đường phát triển của ngành nông nghiệp và sự nghiệp phát triển nông thôn”.
GÓP PHẦN TẠO RA GIÁ TRỊ GIA TĂNG CHO NÔNG NGHIỆP
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhà báo bình thường thì đưa tin, nhà báo giỏi thì biết cách kể chuyện, nhà báo giỏi hơn thì biết truyền cảm hứng và nhà báo giỏi hơn nữa thì biết kích hoạt hành động. Muốn làm được điều đó, trước tiên nhà báo cần rèn luyện để có sức khỏe tốt. Khi có sức khỏe rồi thì đầu óc sẽ khoáng đạt hơn, khi cầm ngòi bút sẽ minh mẫn hơn, thanh thoát hơn. Khi đó, những câu chữ sẽ tuôn ra đầy cảm xúc.
"Chúng ta không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cả cảm xúc cho người tiêu dùng. Bởi vậy, nhà báo cũng cần biết thổi hồn cho các sản phẩm. Muốn độc giả có cảm xúc với tác phẩm của mình thì trước tiên nhà báo cần đọc nhiều, đi nhiều, biết rung động, xúc động trước những sự việc mình chứng kiến”.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Chính nhà báo góp phần tạo giá trị gia tăng cho nền nông nghiệp từ việc truyền thông các mô hình mới, cách làm mới, sản phẩm mới. Giá trị của một sản phẩm bao gồm giá thành và các yếu tố vô hình như truyền thống địa phương, lịch sử, văn hóa...", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Đề cao vai trò của báo chí trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cho biết khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu công tác tuyên truyền đã được chú trọng. Thông qua các cơ quan báo chí, cơ quan nhà nước nắm rõ hơn về tình hình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương và người dân hiểu được những lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của chương trình.
Đặc biệt, báo chí đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, từ chỗ hiểu “xây dựng nông thôn là một dự án của Nhà nước” đến nhận thức “xây dựng nông thôn bằng nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực trong dân là chủ yếu. Nhờ đó, không những xóa bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại mà còn khơi dậy tiềm năng, nỗ lực vượt qua khó khăn, cổ vũ mạnh mẽ các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, xã hội chung sức, đồng lòng trong công tác xây dựng nông thôn mới.
BÁO CHÍ PHẢI ĐƯA RA THÔNG TIN CHÍNH THỐNG
Những năm gần đây, người nông dân ở nhiều nơi vẫn phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do thông tin thất thiệt. Đơn cử là thông tin lươn (Nghệ An) được nuôi bằng… thuốc tránh thai; nhãn (Hưng Yên) tẩm lưu huỳnh để giữ cho mẫu mã đẹp, tươi lâu; hay như tin xoài (Đồng Tháp) được ủ thuốc trong các túi giấy lạ; rau cần Khai Thái (Hà Nội) được người dân phun thuốc tăng trưởng…
"Giữa cơn bão thông tin thật – giả lẫn lộn như hiện nay, vai trò của các cơ quan báo chí chính thống càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhất là kịp thời chặn đứng những thông tin thất thiệt, qua đó giúp các bộ, ban, ngành kịp thời có những chỉ đạo, khắc phục, xử lý những vấn đề nhức nhối".
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Mùa tiêu thụ vải thiều năm ngoái, đúng vào lúc Bắc Giang trở thành tâm điểm của dịch Covid, trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) bị các lái buôn ép giá 2.000 đồng/kg gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, khi công an và các cơ quan báo chí chính thống vào cuộc, các thông tin đăng sai sự thật đã được gỡ bỏ.
“Các cơ quan báo chí đưa ra thông tin chính thống đã làm dư luận không còn hoang mang, thương lái không có cớ để ép giá, nên mùa vải năm ngoái nông dân Lục Ngạn vẫn bán được giá cao”, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khẳng định.
Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, mà trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, báo chí cũng được đánh giá là có vai trò quan trọng. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay báo chí đóng vai trò là “cầu nối” để truyền tải kịp thời những cảnh báo, dự báo để cộng đồng chủ động chuẩn bị và phòng tránh, tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong phòng ngừa, ứng phó cũng như tăng cường nhận thức của cán bộ và toàn xã hội.
“Trong mạng lưới thông tin về phòng chống thiên tai, các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương là lực lượng nòng cốt, với mối quan hệ mật thiết với cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp, cùng đa dạng nội dung và hình thức truyền tải, với nhiều loại hình như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí hay ứng dụng mạng xã hội trong truyền thông”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Thông tin từ cuộc sống sẽ điều chỉnh quyết định người lãnh đạo
Khi nhà báo đi xuống đồng, lội ruộng, gặp bà con thì phải luôn đặt câu hỏi, tại sao nông dân còn nghèo? Tại sao nông thôn chưa phát triển? Tại sao chuỗi giá trị nông sản bị đứt gãy? Tại sao chúng ta muốn ăn sạch nhưng thực phẩm lại không an toàn?...
Nhằm tích cực hóa đời sống thực tiễn, báo chí sẽ chỉ ra cách làm chưa tốt, chưa đúng để giúp cho chính quyền địa phương và nhân dân có sự điều chỉnh phù hợp, đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Qua đó đi sâu đến từng vấn đề còn tồn đọng, bản chất của nó là gì? Nguyên nhân do đâu? Và giải pháp như thế nào?
Chính thông tin từ cuộc sống sẽ dẫn dắt để hướng đến sự điều chỉnh quyết định của người lãnh đạo. Nếu kênh truyền dẫn bị tắc, thì chúng tôi sẽ khó nắm bắt tiếng nói của cuộc sống, sẽ đưa ra những chính sách thiếu hiệu quả.
Lãnh đạo mà không có thông tin thì không lãnh đạo được. Lãnh đạo dựa vào thông tin chứ không phải mình nghĩ ra. Tôi vẫn hay dùng từ “tưởng”, tưởng ở đây là tưởng tượng. Điều mình tưởng đôi khi không thực tế. Từ những thông tin được báo chí phản ánh, giúp chúng tôi nắm bắt được thực tế đời sống nông dân, những vấn đề nảy sinh trong nông nghiệp, để rồi có những quyết sách, chính sách đúng đắn cho ngành nông nghiệp.
Làm báo là sự cống hiến không ngừng nghỉ
Báo chí có một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai với ba chức năng cụ thể. Thứ nhất, báo chí nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự tham gia hành động của cộng đồng. Thứ hai, báo chí có thể giúp người dân hiểu rõ và biết cách phòng tránh thiên tai và tình trạng biến đổi khí hậu. Thứ ba, báo chí có thể giúp cung cấp thông tin cho các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách trong việc chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu.
Sự cống hiến không ngừng của báo chí trong việc nâng cao nhận thức và truyền bá thông tin liên quan đến thiên tai là rất quan trọng khi chúng ta cùng làm việc để nhanh chóng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai.