Mỗi năm các công ty trên toàn thế giới sản xuất gần 460 triệu tấn nhựa. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 1,1 tỉ vào năm 2050. Từ đó, hạt vi nhựa hiện diện khắp nơi trong môi trường. Chẳng hạn, một nguồn hạt vi nhựa chính trong không khí đến từ việc lái xe. Sự ma sát làm mòn lốp xe và mặt đường, thải ra các mảnh nhựa vào không khí.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco (UCSF), lốp xe và rác phân hủy thải ra các hạt vi nhựa vào không khí, góp phần gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe. "Những vi nhựa này thực chất là ô nhiễm không khí dạng hạt, và chúng ta biết rằng loại ô nhiễm này gây hại", tiến sĩ Tracey J. Woodruff, giáo sư sản khoa, phụ khoa và khoa học sinh sản tại UCSF, cho biết.
Tờ The Guardian ngày 3/2 cũng dẫn một nghiên cứu tại bang Oregon (Mỹ) cho thấy tình trạng ô nhiễm vi nhựa rất phổ biến trong các mẫu hải sản. Nghiên cứu được tiến hành bởi các chuyên gia tại Đại học Portland và Đại học Oregon cho thấy vi nhựa xuất hiện trong 180/182 mẫu hải sản mua từ cửa hàng hoặc từ một tàu cá tại bang Oregon, tỷ lệ tương đương 99%. Mức cao nhất được phát hiện trong tôm hồng.
Các tác giả nghiên cứu không khuyến nghị tránh hải sản vì vi nhựa đã được tìm thấy rộng rãi trong thịt và nông sản nên việc thay đổi chế độ ăn uống sẽ không có ích. Họ nhận thấy việc rửa sạch hải sản có thể làm giảm mức độ nhiễm vi nhựa.
Thậm chí, một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học Tự chủ Barcelona, Tây Ban Nha, phát hiện ra rằng một túi lọc trà có thể giải phóng hàng trăm tỷ hạt vi nhựa và nano nhựa vào mỗi cốc trà. Cụ thể, những túi lọc được làm chủ yếu từ polypropylene, giải phóng khoảng 1,2 tỷ hạt trên mỗi mililit nước, kích thước trung bình của hạt là 136,7 nanomet. Túi lọc bằng cellulose giải phóng trung bình 135 triệu hạt/mililit có kích thước khoảng 244 nanomet. Túi bằng nylon-6 giải phóng khoảng 8,18 triệu hạt/mililit có kích thước trung bình 138,4 nanomet…
Các nhà nghiên cứu cũng thử nghiệm cách tương tác của hạt nano nhựa với tế bào ruột người và phát hiện ra rằng các tế bào này có mức hấp thụ đủ để nhựa xâm nhập được vào nhân tế bào. Báo cáo nghiên cứu viết "Thành phần polyme của nano nhựa ảnh hưởng đáng kể đến các tương tác sinh học của chúng, gây ra những tác động khác nhau lên các bộ phận bên trong cơ thể, mô và tế bào. Nhóm nghiên cứu kiến nghị có thêm biện pháp chuẩn hóa việc sử dụng nhựa trong bao bì thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, trong một báo cáo được công bố vào tháng 12/2024 trên Tạp chí ACS Publications Environmental Science & Technology, các nhà khoa học tuyên bố tại mỗi gian bếp, còn có rất nhiều món đồ khác khiến chúng ta phải dè chừng nếu chọn phải loại kém chất lượng. Chẳng hạn, mỗi lát cắt đang tạo ra trên thớt nhựa sẽ đính kèm những mảnh nhựa vụn cực nhỏ trộn lẫn vào thức ăn của mình. Từ chiếc xẻng bằng nhựa đen đảo thức ăn khi xào nấu đến những chiếc thìa, muôi bằng nhựa để trong nước canh nóng... cũng sẽ thôi nhiễm nhựa, khiến hạt vi nhựa có cơ hội đi vào cơ thể.
Cũng vậy, màng bọc thực phẩm đã có từ gần một thế kỷ, nhưng nó không phải là lựa chọn tốt nhất. Màng bọc thực phẩm được làm từ polyvinyl clorua (PVC) không chứa phthalate vì phthalate được phát hiện có ảnh hưởng đến hành vi của trẻ em. Khi màng bọc thực phẩm tiếp xúc với thực phẩm nóng, đặc biệt là các thành phần có nhiều chất béo, các hạt vi nhựa có thể bám vào. Các miếng bọt biển xốp phổ biến đều chứa melamine. Bọt melamine rất tốt để cọ rửa bát đĩa, nhưng nó sẽ thải ra hàng triệu sợi vi nhựa khi bị mòn…
Cũng được đăng tải 3/2 vừa qua, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Medicine cho rằng ngoài máu, tinh dịch, sữa mẹ, nhau thai và tủy xương, hạt vi nhựa cũng xâm nhập vào cả não người. TS. Matthew Campen, Giáo sư khoa học dược phẩm tại Đại học New Mexico, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết lượng nhựa mà các nhà nghiên cứu tìm thấy trong mẫu não trung bình tương đương với một chiếc thìa nhựa. "Chúng tôi đang nỗ lực để đưa ra ước tính chính xác nhất", TS. Campen nói.
Nghiên cứu cho thấy các mẫu não chứa lượng vi nhựa và nano nhựa cao gấp từ 7 đến 30 lần so với mẫu thận và gan, hầu hết đều có kích thước cực nhỏ, dưới 200 nanomet. Việc phát hiện các hạt có nồng độ cao hơn trong não là một điều bất ngờ vì hàng rào máu não có chức năng bảo vệ não khỏi bị nhiễm trùng. Marcus Garcia, tiến sĩ dược tại Đại học New Mexico và là thành viên nhóm nghiên cứu, cho rằng “gan và thận có chức năng lọc độc tố ra khỏi cơ thể, trong khi não có hệ thống thanh thải hạn chế". Một khả năng khác là mô não chứa khoảng 60% chất béo, nghĩa là nhựa có thể bám vào não tốt hơn.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng nồng độ vi nhựa cao hơn khoảng 6 lần trong các mẫu não của những người mắc chứng mất trí. TS. Matthew Campen cho biết: "Do sự hiện diện ngày càng tăng theo cấp số nhân của vi nhựa và nano nhựa trong môi trường, dữ liệu này đòi hỏi nỗ lực lớn hơn nhiều để tìm hiểu liệu chúng có vai trò trong các rối loạn thần kinh hay các tác động khác đến sức khỏe con người hay không".
Trước đó, một nghiên cứu khác được công bố vào vào đầu tháng 2 cho thấy, ô nhiễm nhựa siêu nhỏ cao hơn đáng kể trong nhau thai từ trẻ sinh non. Giáo sư Tamara Galloway tại Đại học Exeter ở Anh, người không tham gia nhóm nghiên cứu, cho biết mức tăng 50% về mức độ vi nhựa trong não trong 8 năm qua phản ánh sự gia tăng sản xuất và sử dụng nhựa và là đáng kể. "Điều này cho thấy nếu chúng ta giảm ô nhiễm môi trường bằng vi nhựa, mức độ phơi nhiễm của con người cũng sẽ giảm", Galloway cho biết.
Một nghiên cứu diễn ra năm ngoái của các nhà khoa học ở Tế Nam, Trung Quốc, đã tiết lộ một giải pháp có thể loại bỏ phần lớn hạt vi nhựa trong nước uống khá đơn giản và hiệu quả, đó chính là đun sôi nước.
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ phát hiện những hạt vi nhựa có ở 129/159 mẫu nước máy từ 14 quốc gia trên thế giới. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi đun sôi nước, canxi cacbonat tự nhiên kết tủa thành một chất rắn, phấn trắng gọi là cặn vôi, và chất này đã giữ lại các hạt vi nhựa.
Chúng ta chỉ cần sử dụng một bộ lọc càphê đơn giản là loại bỏ được cặn vôi với các hạt vi nhựa này. TS. Eddy Zeng, người dẫn đầu nghiên cứu, còn cho biết thêm: "Nước đun sôi còn có một số lợi ích khác, chẳng hạn như tiêu diệt vi khuẩn, ký sinh trùng và loại bỏ kim loại nặng".