Theo TS. Sudheer Saxena, Giám đốc khoa Tim mạch, Bệnh viện Max, Mohali (Ấn Độ), nhịn ăn gián đoạn là một phương pháp ăn uống mà trong đó bạn sẽ có những khoảng thời gian không ăn và ăn trong ngày. Người ăn kiêng kiểu này sẽ phải ăn toàn bộ các bữa trong một khung giờ nhất định, rồi không ăn uống bất cứ thứ gì có năng lượng, chỉ uống nước trong thời gian còn lại.
Ví dụ nếu bạn áp dụng kiểu nhịn ăn 16:8, bạn cần bắt đầu bữa sáng và kết thúc buổi tối trong thời gian 8 giờ, ví dụ ăn sáng lúc 10 giờ và ăn tối xong trước 18 giờ, sau đó nhịn cho đến 10 giờ hôm sau. Có thể áp dụng các khung thời gian "mềm" hơn như nhịn ăn 14:10 hay 12:12... Các nghiên cứu về nhịn ăn gián đoạn cho thấy nó có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm giảm cân, cải thiện độ nhạy insulin… và giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine mới đây đặt ra một số nghi ngờ về lợi ích sức khỏe lâu dài của chiến lược ăn uống này. Trong đó, nghiên cứu được trình bày tại Phiên họp khoa học về dịch tễ học và phòng ngừa/lối sống và tim mạch chuyển hóa của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã xem xét một nhóm gồm 20.000 người trưởng thành trả lời các câu hỏi về chế độ ăn uống của họ trong Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia hàng năm 2003-2018 (NHANES).
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người tham gia thực hành nhịn ăn gián đoạn bằng phương pháp 16:8 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong cao hơn những người không nhịn ăn hoặc áp dụng các phương pháp nhịn ăn khác.
Tiến sĩ Arun Kochar, Giám đốc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Fortis, Mohali (Ấn Độ) nhấn mạnh, những người mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa lâu năm có thể không được hưởng lợi từ quá trình nhịn ăn gián đoạn. Cùng quan điểm, Tiến sĩ Rakesh Sharma, Phó Giám đốc Khoa tim mạch, Bệnh viện Ivy, Panchkula (Ấn Độ), thông tin thêm, chế độ nhịn ăn kéo dài có thể dẫn đến sự dao động của các hormone gây đói, chẳng hạn như ghrelin và leptin, có khả năng gây căng thẳng cho hệ thống tim mạch.
Thời gian nhịn ăn kéo dài có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải, đặc biệt là nếu không duy trì đủ nước và chất dinh dưỡng. Mất cân bằng điện giải có thể ảnh hưởng đến chức năng tim và có thể gây ra rủi ro cho những người mắc một số bệnh tim. Bên cạnh đó, nhịn ăn vào một số thời điểm nhất định trong ngày có thể ảnh hưởng đến hiệu suất tập thể dục, đây là một khía cạnh quan trọng để duy trì sức khỏe tim mạch. Những người tham gia nhịn ăn gián đoạn nên cân nhắc thời gian ăn uống của mình để phù hợp với lịch trình tập luyện nhằm tối ưu hóa hiệu suất và phục hồi.
Tại Phiên họp khoa học về lối sống EPI năm 2024 ở Chicago (Mỹ), TS. Cheng-Han Chen, bác sĩ tim mạch can thiệp ở California (Mỹ), cho biết thêm đó không phải là những hạn chế duy nhất. Những phát hiện mới đi ngược lại với nhiều nghiên cứu trước đây vốn tìm thấy lợi ích của việc ăn uống hạn chế thời gian đối với sức khỏe tim mạch và trao đổi chất. Chẳng hạn như việc bỏ bữa ăn và giới hạn calo quá mức có thể gây hại đối với những người đang có tình trạng bệnh lý (ví dụ như đái tháo đường). Những người đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc bệnh tim cũng có nguy cơ bị bất thường điện giải do nhịn ăn.
Trong khi đó, theo Science Alert, một nhóm khoa học gia quốc tế đã thử nghiệm trên chuột để tiếp nối một nghiên cứu trước đó, chỉ ra việc ăn kiêng theo kiểu nhịn ăn gián đoạn ở chuột có thể thúc đẩy khả năng tái tạo của tế bào gốc đường ruột. Điều này tuy giúp bảo vệ khỏi một số tình trạng viêm và tổn thương nhưng lại gây ra rủi ro đối với bệnh ung thư.
Trong bài công bố trên tạp chí khoa học Nature, các nhà khoa học chỉ ra rằng sự gia tăng sản xuất tế bào gốc này tăng tốc khi các con chuột ăn lại sau thời gian nhịn ăn trong ngày. "Hoạt động của tế bào gốc nhiều hơn sẽ tốt cho quá trình tái tạo nhưng nếu hoạt động quá mức theo thời gian có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn" - nhà sinh vật học Omer Yilmaz đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đồng tác giả, giải thích.
Nhóm nghiên cứu cũng xác định được một con đường sinh học gọi là mTOR, mà các tế bào gốc thông qua đó hoạt động. Con đường này liên quan đến sự phát triển và trao đổi chất của tế bào và sau khi nhịn ăn, nó làm tăng sản xuất các phân tử nhỏ gọi là polyamines, thúc đẩy sự tăng sinh tế bào. Các phân tử này đóng vai trò then chốt giúp cơ thể phục hồi và tái tạo sau khi bị thiếu hụt chất dinh dưỡng và năng lượng do chế độ ăn uống thông thường cung cấp. Tuy nhiên, nghiên cứu chứng minh khả năng sinh ra khối u cũng tăng lên, đặc biệt là trong điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của ung thư.
Tại Trung Quốc, trong một chuỗi thí nghiệm và phân tích, nhà sinh học tế bào gốc Bing Zhang, từ Đại học Westlake và các cộng sự cho thấy nỗ lực giảm cân bằng phương pháp nhịn ăn gián đoạn đang "hot" có thể ảnh hưởng đến các mô ngoại vi như da hoặc tóc. Trên tờ Science Alert, các nhà nghiên cứu cho rằng tế bào gốc nang tóc/lông (HFSC) ở người và động vật không thể xử lý được sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa do sự chuyển đổi giữa glucose và chất béo.
Trong một thí nghiệm trên người, các tác giả đã tuyển chọn 49 thanh niên khỏe mạnh và thử nghiệm với chế độ nhịn ăn gián đoạn 8:16. Kết quả cho thấy những người ăn kiêng kiểu này mọc tóc chậm hơn hẳn nhóm đối chứng. Đó cũng có thể là lý do một số người đang nỗ lực giảm cân cảm thấy sự bất ổn đối với mái tóc. Vì vậy theo các tác giả, kiểu ăn kiêng này có thể sẽ phù hợp với một số người nhưng có thể mang lại phiền toái ở một số người khác.
Điều này cho thấy kiểu ăn kiêng "hot" này cần được nghiên cứu toàn diện hơn, ngoài những tác dụng sức khỏe mà nó mang lại. Các nghiên cứu trước đây hầu hết cũng mới chỉ tập trung vào các thay đổi của cơ thể diễn ra trong khoảng thời gian nhịn ăn trong ngày, mà chưa lưu tâm nhiều đến những gì xảy ra khi chúng ta ăn uống trở lại.