October 16, 2022 | 10:00 GMT+7

Bão nối bão, nguy cơ mưa lũ dài ngày

Chu Khôi -

Trong khi cơn bão số 5 (bão SONCA) vừa đi qua, thì đang có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở khu vực phía Đông của Philippin, dự sẽ đi vào biển Đông vào khoảng ngày 16-17/10 và khả năng cao trở thành cơn bão số 6. Vì vậy, các địa phương ở miền Trung đang phải khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5, đồng thời chuẩn bị ứng phó với cơn bão mới và mưa lũ dài ngày...

Ông Phạm Đức Luận chủ trì cuộc họp ngày 15.10/2022.
Ông Phạm Đức Luận chủ trì cuộc họp ngày 15.10/2022.

Ngày 15/10/2022 Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai họp với thành viên của một số bộ, nghành về công tác chỉ đạo ứng phó với mưa lũ, sạt lở và công tác khắc phụ hậu quả sau bão số 5 và áp thấp nhiệt đới. Chủ trì cuộc họp Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Phòng chống thiên tai Phạm Đức Luận, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo.

MƯA LỚN DO BÃO GÂY NGẬP LỤT Ở ĐÀ NẴNG

Theo Tổng Cục Thiên tai, thiệt hại ban đầu do mưa bão số 5 (bão SONCA) tính đến 2 giờ chiều 15/10 đã có 4 người chết và mất tích.

Mưa lớn đã gây ngập lụt tại nhiều khu vực của ở các tỉnh từ  Quảng Trị đến TP. Đà Nẵng. Cụ thể: Quảng Trị có 684 nhà bị ngập 0,3-0,5m tại huyện Hải Lăng, 19 điểm giao thông bị ách tắc (ngập từ 0,6-1,5m).

Tại Thừa Thiên Huế có 11.200 nhà bị ngập sâu từ 0,3-0,8m; còn nhiều điểm giao thông ngập 0,4-0,7m (TP Huế, Phong Điền, Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới, Quảng Điền, Hương Trà, Nam Đông).

TP Đà Nẵng có 3.892 nhà bị ngập từ 0,4-1m, hầu hết các khu vực trung tâm thành phố ngập sâu từ 0,5-1,5m, cục bộ có nơi trên 2,0m; đêm 14/10 TP đã cắt điện để đảm bảo an toàn. Hiện các tuyến đường trong TP nước đã cơ bản rút, điện đã được khôi phục.

 

"Từ chiều 14 đến trưa 15/10, các tỉnh, thành phố Quảng Trị,  T.T.Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã di dời 3.305 hộ/9.515 người đến nơi an toàn. Hiện các tỉnh, TP đang theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để tổ chức sơ tán dân đảm bảo an toàn".

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Do ảnh hưởng của bão số 5 (SONCA), thành phố Đà Nẵng có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 400-700mm, cao nhất tại Sơn Trà 775 mm, thời điểm mưa lớn nhất từ 19 giờ-21 giờ ngày 14/10 khiến nhiều khu vực bị ngập sâu trong nước.

Đại tá Trần Công Thành, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, cho biết trong đêm 14/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã điều động gần 200 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp nhân dân trên địa bàn hỗ trợ, di dời được 236 hộ gia đình/617 người ra khỏi vùng ngập lụt tại địa bàn các quận: Thanh Khê, Sơn Trà, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu.

Hiện, mưa đã ngớt, các đơn vị tiếp tục triển khai lực lượng để giúp dân ở các vùng vẫn bị ngập. Tại những nơi nước rút, Bộ đội Biên phòng giúp dân vệ sinh, dọn bùn và sắp xếp đồ đạc ổn định cuộc sống.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị thông tin, khu vực Quảng Trị trong đêm 14 và rạng sáng 15/10 có mưa to đến rất to, tập trung ở 2 huyện miền núi và huyện đồng bằng Hải Lăng. Theo đó, lượng mưa phổ biến đạt 100-250mm, một số nơi như huyện miền núi Đakrông có mưa lớn: A Vao 278mm, A Bung 370mm, Tà Rụt 371mm, đập thủy điện La Tó 422mm. Xã Hải Phong của huyện Hải Lăng lượng mưa 286mm. Mưa lớn gây lũ trên các sông Ô Lâu, Thạch Hãn. Chính quyền phải tổ chức sơ tán 240 hộ dân ở vùng ngập lũ đến nơi an toàn.

Hiện trạng  thị trấn Diên Danh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Hiện trạng  thị trấn Diên Danh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Ngoài ra, mưa lớn làm ách tắc giao thông tại các huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Tại huyện miền Đakrông mưa lũ chia cắt 2 điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh ở Km265 và Km273 với mực nước ngập khoảng 0,5 đến 1m. Tuyến đường 588a bị chia cắt tại ngầm tràn Ba Lòng ngập sâu trên 3m. Tuyến quốc lộ 15D bị chia cắt tại các điểm cầu tràn A Ngo-A Bung; ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo, A Rồng Trên, A Đeng ở xã A Ngo; ngầm tràn Ly Tôn ở xã Tà Long; cầu tràn La Tó, Húc Nghì xã Húc Nghì. Cầu Chân Rò xã Đakrông; cầu tràn Đá Đỏ xã Ba Nang, ngập từ 0,5-2,5m, chia cắt vào trung tâm các xã Ba Lòng, Ba Nang, A Vao.

CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ VỚI BÃO SỐ 6

Ông Mai Văn Khiêm Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết dự báo từ ngày 15/10 đến hết ngày 16/10, ở khu vực từ phía Nam Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và dông; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa to. Cụ thể: Khu vực phía Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế mưa 70-150, có nơi trên 200mm; Khu vực Đà Nẵng đến Quảng Ngãi mưa 50-100mm, có nơi trên 120mm.

Từ đêm 15/10 đến ngày 17/10, trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4-7m, hạ lưu từ 1,5-4,0m. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai.

Ông Mai Văn Khiêm cho biết hiện nay đang có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở khu vực phía Đông của Philippin. Dự báo vào khoảng ngày 16-17/10 áp thấp này sẽ di chuyển vào biển Đông, khả năng cao trở thành cơn bão số 6.

Ông Mai Văn Khiêm phát biểu tại cuộc họp.
Ông Mai Văn Khiêm phát biểu tại cuộc họp.

Bên cạnh đó, hiện nay, bộ phận áp cao lục địa ở phía nam Trung Quốc đang có dịch dần xuống phía nam, dự báo khoảng từ ngày 16/10, bộ phận không khí lạnh này có thể bắt đầu ảnh hưởng tới các tỉnh Bắc Bộ, duy trì thời tiết nắng khô trong những ngày vừa qua ở Bắc Bộ. Không khí lạnh cũng có khả năng cao sẽ tương tác với cơn bão số 6 sắp tới khiến cho các diễn biến về bão trên Biển Đông trong những ngày tới còn rất phức tạp.

Với việc các cơn bão liên tiếp hình thành và đi vào nước ta, dự báo nguy cơ miền Trung sẽ xảy ra mưa lụt dài ngày trong nửa cuối tháng 10.

Tại cuộc họp Phó tổng cục trưởng Phạm Đức Luận, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm Công điện số 939/CĐ-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 32/CĐ-QG ngày 12/10/2022 của Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT, trong đó tập trung một số nội dung sau: 

Cập nhật thường xuyên, liên tục các bản tin dự báo, cảnh báo để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; Tiếp tục rà soát, sơ tán người dân ở ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, chú ý đảm bảo an toàn, vệ sinh, an ninh trật tự nơi sơ tán; 

Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người như trong những ngày vừa qua; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố; 

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến người dân, nhất là tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam để chủ động ứng phó.

Tạm dừng các công trình thi công có nguy cơ xảy ra sự cố; bố trí thường trực để vận hành điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du, nhất là thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.

Bán sát diễn biến lưu lượng về hồ chứa để điều tiết giảm lũ cho hạ du đảm bảo phù hợp và an toàn cho công trình và hạ du, nhất là các hồ chứa Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền (T.T.Huế).

Kịp thời cung cấp hàng hoá, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân ở khu vực bị ngập lụt, chia cắt.

Tổ chức tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt.

Sẵn sàng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường ngay khi nước rút. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo tình hình với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate