Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ ngày 9 - 12/10/2021, các Khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa to kéo dài nhiều ngày, lượng mưa phổ biến từ 150-400 mm.
Một số trạm đo có tổng lượng mưa lớn hơn như: Tà Si Láng (Yên Bái) 463 mm; Láng Nhi (Yên Bái) 347 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 323 mm, Yên Hưng (Quảng Ninh) 322 mm, Nâm Xay Luông 3 (Lào Cai) 318 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 316 mm, Tân Minh (Phú Thọ) 303 mm, Bảo Lộc (Lâm Đồng) 270 mm.
NHIỀU THIỆT HẠI DO MƯA LŨ
Mưa lớn đã gây lũ ống, lũ quét tại nhiều địa bàn miền núi phía Bắc. Tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, mưa lũ đã khiến 2 người dân trên địa bàn thôn suối Giao, xã Xà Hồ bị nước lũ cuốn trôi và thiệt mạng.
Mưa lũ cũng làm sạt lở ta luy và dạt lở nhiều con đường ở xã Tà Si Láng ở huyện Trạm Tấu. Từ chiều 11/10 đến hôm nay, điạ phương đã huy động hơn 150 lượt người vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị nước cuốn trôi.
Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 7, ở Quảng Nam đã có mưa to, khiến 4 người bị lũ cuốn trôi. Rất may, sau đó 3 người tự bơi vào được bờ, còn lại 1 người tử vong.
Tại Lào Cai, mưa lớn đã khiến xảy ra lũ ở huyện Văn Bàn, làm hàng chục ha lúa, hoa màu bị ngập úng, vùi lấp. Một số tuyến đường giao thông (Quốc lộ 4D, một số tuyến tỉnh lộ) bị hư hỏng nặng do đất đá sạt lở. Thống kê sơ bộ, thiệt hại do đợt mưa này tại huyện Văn Bàn khoảng hơn 3 tỷ đồng.
Trong khi đó ở thị xã Sa Pa, mưa lớn đã gây sạt lở, chia cắt nhiều tuyến đường. Trong đó, tuyến đường tránh Quốc lộ 4D, tuyến tỉnh lộ 152 và một số tuyến đường liên thôn bị đất đá sạt lở vùi lấp, chia cắt hoàn toàn.
Về giao thông: trên cả nước có 19 điểm đường giao thông bị sạt lở trong đợt mưa lũ hiện nay. Ngoài ra, một số công trình thủy lợi cũng đã bị sát lở, như: Sạt lở cuối đường tràn hồ Trù Bụa và 20m kênh mương tại Hòa Bình.
Để khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra, UBND thị xã Sa Pa đã chỉ đạo UBND các xã, phường huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại.
Tại Hòa Bình, trong ngày 10 và 11/10 có mưa to đến rất to đã gây sạt lở một số tuyến giao thông, làm hư hỏng công trình thủy lợi. Một số hộ dân ở xã Hợp Thành, phường Thái Bình thuộc TP. Hòa Bình đã được sơ tán để tránh nguy cơ sạt lở đất…
Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, ngoài nhiều nhà bị sập, nhiều điểm trường học bị hư hại, mưa lũ cũng đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp với thống kê ban đầu có 353 ha lúa và hoa màu bị ngập úng.
BÃO SỐ 8 SỨC GIÓ GIẬT CẤP 13
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai ngày 12/10, thông tin cho hay, cơn bão Kompasu (bão số 8 trên biển Đông năm nay) vừa quét qua Philippines đã khiến ít nhất 9 người tại nước này thiệt mạng.
Theo đó, ngày 11/10, bão Kompasu đã gây mưa lớn trên hầu hết đảo Luzon, đảo đông dân nhất Philippines, đã khiến nước lũ dâng cao ở 11 làng mạc trên đảo, một số tuyến đường cao tốc và các cây cầu bị ngập nước.
Tại cuộc họp, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, đêm 11/10, bão Kompasu đã đi vào biển Đông. Sáng 12/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 850km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.
Dự báo đến 7 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 16,0 đến 22,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông.
Đại diện Bộ Tư lệnh Biên phòng cho hay, đến sáng 12/10, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 53.944 tàu với 233.335 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 8 để chủ động phòng tránh.
Các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì việc cấm biển. Các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh và từ Đà Nẵng đến Phú Yên kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền (chỉ đánh bắt ven bờ và hoạt động ở các khu vực ngoài vùng dự kiến ảnh hưởng của bão số 8).
Theo Tổng cục Thủy lợi, do lưu lượng nước về các hồ thủy điện, hồ thủy lợi tăng mạnh, nên nhiều hồ đã đầy nước. Hiện có 75 hồ chứa trên các lưu vực đang xả tràn. Cả nước có 6 hồ thủy điện đã đầy là: Chi Khê; A Lưới; An Khê; Sê San 4A; Đồng Nai 2; Srok Phu Miêng.
Ở khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, hiện tại 1.874 trong số 3.048 hồ thủy lợi đã đầy nước. Bởi vậy, cần phải có kế hoạch vận hành, xả bớt nước các hồ trước khi bão số 8 đổ bộ.
Hệ thống đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có tổng chiều dài 950 km (436 km đê biển, 514 km đê sông). Trong đó có 33 trọng điểm, vị trí xung yếu và 7 công trình đê, kè biển, cửa sông đang thi công.
Cần đặc biệt quan tâm đến những tuyến đê, kè trực diện biển hoặc đang thi công như: đê biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định; đê biển Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình; đê biển Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đê cửa sông tả Thái, tỉnh Nghệ An.
Đối với thu hoạch lúa mùa, đến thời điểm này, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc Trung Bộ đã thu hoạch 424.400/627.202 ha lúa mùa (đạt 67,66%). Trong đó: đồng bằng sông Hồng thu hoạch 280.500/477.631 ha (đạt 58,72%); Bắc Trung Bộ thu hoạch 143.900/149.571 ha (đạt 96,21%).
Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu các cơ quan liên quan, các địa phương cần phải gấp rút khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời triển khai các hoạt động ứng phó với bão số 8. Phải tổ chức quản lý chặt chẽ, thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền đảm bảo an toàn.
Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Thủy sản thống nhất về số liệu tàu thuyền còn hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Tổng cục Thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình hồ chứa, đặc biệt lưu ý biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình hồ chứa đang thi công. Cục Cứu hộ - Cứu nạn duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.