October 25, 2024 | 11:20 GMT+7

Bão Trà Mi vào biển Đông, các tỉnh miền Trung khẩn trương triển khai ứng phó

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Để ứng phó với bão số 6 (bão Trà Mi), các tỉnh miền Trung đã khẩn trương kêu gọi tàu thuyền tới nơi tránh trú an toàn, sẵn sàng chuẩn bị các phương án ứng phó...

Hình ảnh vệ tinh của cơn bão Trami. Ảnh: PAGASA
Hình ảnh vệ tinh của cơn bão Trami. Ảnh: PAGASA

Tại tỉnh Quảng Bình hiện có 6.174 tàu cá và gần 18.700 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đã theo dõi, nắm bắt cụ thể để hướng dẫn, hỗ trợ kêu gọi tàu cá, ngư dân vào bờ neo đậu an toàn.

Cảng Hòn La, cảng Gianh có 46 tàu, xà lan, phương tiện đường thủy với gần 200 người; các hệ thống nuôi trồng thủy sản tại Hòn La, Đảo Yến, sông Gianh... được theo dõi để khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động các phương án phòng tránh bão.

Khu vực biên giới có 5 điểm nguy cơ sạt lở bờ biển, 2 điểm sạt lở núi. Dự kiến khi xảy ra mưa lớn, tuyến biên giới đất liền có 13 điểm ngập lụt, làm chia cắt cục bộ 21 thôn, bản tại 8 xã biên giới.

Cán bộ trạm kiểm soát Đồn Biên phòng Nhật lệ bộ đội biên phòng Quảng Bình kêu gọi hướng dẫn tàu cá và ngư dân vào nơi neo đậu an toàn.
Cán bộ trạm kiểm soát Đồn Biên phòng Nhật lệ bộ đội biên phòng Quảng Bình kêu gọi hướng dẫn tàu cá và ngư dân vào nơi neo đậu an toàn.

Ngoài các điểm có nguy cơ sạt lở cao, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện các điểm sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để kịp thời tham mưu, phối hợp cùng địa phương đưa ra phương án di dời hợp lý.

Về lực lượng và phương tiện, trên 600 cán bộ, chiến sĩ được huy động tham gia trực và sẵn sàng cơ động ứng phó trên các hướng; 42 tổ/120 đồng chí trực tại các địa bàn trọng điểm; 42 phương tiện gồm các loại xe, xuồng, tàu được huy động, sằn sàng trong mọi tình huống hỗ trợ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Tại tỉnh Quảng Trị, hiện có tổng cộng 2.615 chiếc tàu thuyền với 6.160 thuyền viên. Đến thời điểm hiện tại, phần lớn các tàu thuyền của tỉnh đã được đưa vào neo đậu an toàn tại các bến cảng trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, 2.609 tàu với 6.102 thuyền viên đang neo đậu tại các bến trong tỉnh, một số tàu khác đang neo đậu tại các tỉnh như: Phú Yên, Nghệ An, Vũng Tàu và đảo Bạch Long Vỹ.

Đồng thời, tỉnh Quảng Trị cũng đang đón tiếp 49 tàu thuyền của các tỉnh khác, với tổng cộng 316 thuyền viên. Công tác kiểm tra, giám sát tình hình neo đậu và bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền này đang được thực hiện nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra khi bão đổ bộ.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của tỉnh này đã được huy động, sẵn sàng triển khai khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Các địa phương và đơn vị chức năng đã rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện và lực lượng ứng cứu. Những vùng xung yếu, ven biển và khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đều đã được cảnh báo và có phương án di dời dân cư nếu tình hình xấu đi.

Cập nhật vị trí và đường đi của bão số 6 Trà Mi hồi 17 giờ ngày 24.10. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia
Cập nhật vị trí và đường đi của bão số 6 Trà Mi hồi 17 giờ ngày 24.10. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành công điện, đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp ứng phó với bão Trami.

Theo đó, đối với trên biển lực lượng chức năng các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. 

Tàu thuyền công suất lớn của ngư dân Diễn Châu (Nghệ An) neo đậu tại cảng cá Lạch Vạn
Tàu thuyền công suất lớn của ngư dân Diễn Châu (Nghệ An) neo đậu tại cảng cá Lạch Vạn

Đối với trên đất liền, lực lượng chức năng rà soát, sẵn sàng phương án để ứng phó với mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét… Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chủ động di dời, sơ tán dân ở khu vục nguy hiểm đến nơi an toàn.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate