Nhiều doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc, từ các công ty dệt may sử dụng nhiều nhân công cho tới các công ty công nghệ cao và quang điện, đang mở nhà máy ở Việt Nam để tránh rủi ro và các rào cản thương mại. Một số doanh nghiệp Trung Quốc giờ đây đã có thể đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu bằng hàng hoá từ các máy đặt tại Việt Nam - tờ báo Trung Quốc Yicai Global cho biết.
Gongjin Electronics đã chi khoảng 400 triệu Nhân dân tệ, tương đương 57,5 triệu USD để xây dựng hai giai đoạn đầu của nhà máy công ty đặt tại Việt Nam - đại diện của nhà cung cấp thiết bị băng thông rộng đầu cuối này cho biết trong cuộc trò chuyện với Yicai.
Trước khi chuyển sản xuất sang Việt Nam, Gongjin - công ty có trụ sở ở Thẩm Quyến - chưa từng có nhà máy ở nước ngoài và một nửa sản phẩm của công ty khi đó được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Chỉ 4 năm sau, nhà máy của Gongjing ở Việt Nam đã chiếm toàn bộ đơn hàng xuất khẩu của công ty.
“Khách hàng nước ngoài của chúng tôi bắt đầu lo lắng về chuỗi cung ứng sau khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ bùng nổ vào năm 2018. Họ muốn chúng tôi đặt nhà máy ở nước ngoài”, ông He Yimeng - thư ký Hội đồng Quản trị của Gongjin - cho biết. “Sau khi giai đoạn 1 của nhà máy ở Việt Nam mang lại kết quả tốt, chúng tôi nhanh chóng bắt đầu xây dựng giai đoạn 2”.
Và khi giai đoạn 3 đi vào hoạt động, nhà máy của Gongjin ở Việt Nam sẽ đạt sản lượng bình quân hàng năm khoảng 10 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1,4 tỷ USD. “Điều này sẽ cho phép chúng tôi nhận đơn hàng xuất khẩu nhiều hơn”, ông He nói.
“DBG Technology, một nhà cung cấp dịch vụ sản xuất hàng điện tử, đang chuẩn bị đưa cơ sở tại Việt Nam thành một trung tâm sản xuất ở nước ngoài có thể đạt công suất 40 triệu smartphone và các sản phẩm điện tử khác sau 3 năm và kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 4,5 tỷ USD - theo Chủ tịch Tang Jianxing của DGB, công ty đến từ Huizhou, Quảng Đông.
Công ty này có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo khoảng 15.000 công nhân tại Việt Nam và xây dựng một chuỗi cung ứng hỗ trợ việc mua hàng tại địa phương ở Thái Nguyên.
Nhiều công ty Trung Quốc ở thượng nguồn và hạ nguồn của các chuỗi cung ứng công nghiệp đang giữ vai trò là những cánh tay kết nối cho việc đầu tư vào Việt Nam, theo Yicai. Chẳng hạn DBG đang hợp tác với Huaqin Technology, một nhà sản xuất phần cứng thông minh, và Lingyi iTech, một nhà cung ứng của Apple, để xây dựng một khu công nghiệp ở Thái Nguyên.
“Phát triển ở nước ngoài thông qua quan hệ đối tác với các doanh nghiệp khác là một lựa chọn an toàn hơn, cả từ góc độ đối tác và khách hàng”, ông Wang Zhigang, thư ký Hội đồng Quản trị của Huaqin, phát biểu.
“Huaqin, công ty đặt trụ sở ở Thượng Hải, mạnh về phát triển kinh doanh và thiết kế, trong khi DBG mạnh về sản xuất thông minh”, ông Wang nói. “Mối quan hệ đối tác ở Việt Nam không chỉ cho phép hai bên san sẻ rủi ro mà còn giúp tăng cường gắn kết giữa hai công ty”.
Huaqin, công ty có khách hàng lớn như Samsung, OPPO và Xiaomi, chủ yếu dùng các nhà máy ở Việt Nam và Indonesia để đáp ứng các đơn hàng từ Bắc Mỹ. Nhà máy của công ty ở Ấn Độ cung cấp cho thị trường địa phương, còn các nhà máy ở Trung Quốc phục vụ các thị trường khác - theo ông Wang.
“Trong dài hạn, chúng tôi hy vọng hai cơ sở sản xuất ở Trung Quốc sẽ chiếm 80% tổng công suất, phần còn lại là của các nhà máy đặt ở nước ngoài”, ông nói.
Tuy nhiên, nhà máy của Huaqin ở Việt Nam vẫn cần nhập khẩu nhiều linh kiện từ Trung Quốc. “Mỗi chiếc smartphone cần từ 1.500-1.600 linh kiện và không một quốc gia nào có thể so với Trung Quốc về độ hoàn thiện của chuỗi cung ứng”, ông Wang nói.
Chi phí lao động vẫn là một lợi thế lớn của Việt Nam, nhưng chi phí về nước, điện và các tiện ích khác không có nhiều khác biệt so với ở Trung Quốc theo ông He. Ngoài ra, Việt Nam đang có nhiều dạng ưu đãi thuế cho những công ty như Huaqin và Gongjin.