May 09, 2023 | 17:34 GMT+7

Thương mại tháng 4 của Trung Quốc ảm đạm, tín hiệu xấu cho kinh tế toàn cầu

An Huy -

Sự sụt giảm nhập khẩu của Trung Quốc cho thấy một điều rằng nền kinh tế thế giới khó có thể dựa vào nước này như một đầu tàu tăng trưởng trong năm nay...

Cảng Thanh Đảo ở Sơn Đông, Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Cảng Thanh Đảo ở Sơn Đông, Trung Quốc - Ảnh: Reuters.

Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 4 vừa qua, trong khi xuất khẩu tăng trưởng chậm lại - những dấu hiệu mới nhất cho thấy nhu cầu nội địa còn yếu dù Zero Covid đã được dỡ, gây áp lực lên sự phục hồi vốn dĩ đang mong manh trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu giảm tốc. Những số liệu này không chỉ là chỉ báo xấu về triển vọng kinh tế Trung Quốc mà cả nền kinh tế thế giới.

Quý 1 vừa qua, kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 4,5% -  nhanh hơn kỳ vọng nhờ tiêu dùng dịch vụ khởi sắc mạnh, nhưng sản lượng công nghiệp đã suy yếu. Số liệu thương mại mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới còn một chặng đường dài phải đi để lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố ngày 9/5 cho thấy giá trị nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp nối cú giảm 1,4% ghi nhận trong tháng 3. Xuất khẩu tăng 8,5%, sụt tốc từ mức tăng 14,8% của tháng trước.

 

“Nền kinh tế toàn cầu đang xấu đi và sẽ khiến lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc suy yếu theo”.

Bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ING

Trong một cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Reuters, giới chuyên gia kinh tế dự báo nhập khẩu của Trung Quốc đi ngang và xuất khẩu tăng 8%.

“Vào đầu năm, nhiều người tin rằng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc năm nay sẽ dễ dàng vượt mức của năm 2022 sau khi mở cửa trở lại. Nhưng thực tế không phải là như vậy”, nhà kinh tế học Xu Tianchen của tổ chức nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định với hãng tin Reuters.

“Sự phục hồi hậu Covid của kinh tế Trung Quốc có thể xem là nhanh và mạnh, nhưng chủ yếu được giới hạn ở bên trong nước này và phần còn lại của thế giới không cảm nhận được”, ông Xu nói thêm.

Các quan chức chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về môi trường bên ngoài "nghiêm trọng" và "phức tạp" khi nguy cơ suy thoái kinh tế tăng lên ở nhiều nước là đối tác thương mại quan trọng của nước này.

Sự suy giảm mạnh trong dòng chảy thương mại của tháng 4 sẽ chỉ làm gia tăng lo ngại về nhu cầu bên ngoài và rủi ro đặt ra đối với nền kinh tế trong nước của Trung Quốc. Mối lo này đặc biệt lớn do sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại còn yếu ớt, bởi ở thời điểm một năm trước, các chuyến hàng xuất và nhập khẩu đã bị gián đoạn nghiêm trọng do các hạn chế chống Covid-19.

“Xét tới triển vọng ảm đạm của nhu cầu bên ngoài, chúng tôi cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc còn giảm tốc trước khi chạm đáy trong năm nay”, chuyên gia kinh tế Zichung Huang của công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định.

Sự sụt giảm nhập khẩu của Trung Quốc cho thấy một điều rằng nền kinh tế thế giới khó có thể thể dựa vào nước này như một đầu tàu tăng trưởng trong năm nay. Ngoài ra, do Trung Quốc tái xuất một phần hàng hoá nhập khẩu, nên sự sụt giảm đó cũng cho thấy tình trạng suy yếu của một số nền kinh tế là đối tác thương mại chính của nước này. Nhập khẩu linh kiện bán dẫn của Trung Quốc giảm 15,3% phản ánh mức độ suy giảm nhu cầu của thị trường tái xuất linh kiện.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (xanh nhạt) và nhập khẩu (xanh đậm) của Trung Quốc qua các tháng so với cùng kỳ năm trước - Nguồn: Reuters.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (xanh nhạt) và nhập khẩu (xanh đậm) của Trung Quốc qua các tháng so với cùng kỳ năm trước - Nguồn: Reuters.

Các nhà phân tích cho rằng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu mạnh mẽ trong 12-18 tháng qua và căng thẳng ngân hàng ở phương Tây gần đây vẫn đang là những yếu tố gây lo ngại cho triển vọng phục hồi của cả Trung Quốc và toàn cầu.

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã giảm xuống 4,5% trong tháng 4 từ mức 35,4% của tháng trước. Khu vực này là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.

Các dữ liệu khác gần đây cũng cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc, một thước đo nhanh về nhập khẩu của Trung Quốc, đã giảm 26,5% trong tháng 4, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp.

Nhập khẩu than của Trung Quốc đã giảm trong tháng 4 so với mức cao nhất trong 15 tháng thiết lập trong tháng trước, cho thấy sự sụt giảm trở lại do nhu cầu suy yếu ở “gã khổng lồ” tiêu thụ than châu Á. Nhập khẩu đồng - một chỉ báo quan trọng về tăng trưởng toàn cầu - và nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc cũng giảm trong tháng 4.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của ngành sản xuất Trung Quốc gần đây cho trong tháng 4, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh, nhấn mạnh thách thức mà các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt khi họ nuôi hy vọng về sự  phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau COVID.

Dữ liệu tăng trưởng GDP quý 1/2023 của Trung Quốc công vào tháng trước, dù mang tới một sự giải toả tâm lý nhất định, cũng làm dấy lên nghi ngờ về triển vọng nhu cầu do sự yếu kém của thị trường bất động sản, giá cả tăng chậm lại và lượng tiền tiết kiệm trong ngân hàng tăng mạnh.

Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường một loạt các biện pháp hỗ trợ chính sách, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP khiêm tốn khoảng 5% cho năm nay, sau khi không đạt được mục tiêu năm 2022.

“Nền kinh tế toàn cầu đang xấu đi và sẽ khiến lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc suy yếu theo”, bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ING, nhận định. “Nhiều khả năng, Chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách hỗ trợ thị trường lao động của khu vực sản xuất bằng cách biện pháp kích thích tài khoá”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate