August 22, 2022 | 17:38 GMT+7

Bất chấp đà tăng đã qua, cổ phiếu “bank” vẫn hấp dẫn?

Thu Minh -

Các ngân hàng niêm yết đang giao dịch tương ứng với P/B 2022E trung vị là 1,3x – mức định giá hấp dẫn dựa trên tiềm năng tăng trưởng khả quan của ngành ngân hàng và tỷ lệ ROE 2022E là 21%...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau suốt một thời gian điều chỉnh giảm từ đỉnh đạt được vào thời điểm cuối năm 2021 - đầu năm 2022, cổ phiếu nhóm ngân hàng thời gian gần đây đã hồi phục mạnh. Trong vòng một tháng qua, cùng với bất động sản và chứng khoán, sóng cổ phiếu ngân hàng đã đưa nhiều cổ đông về bờ.

SÓNG NGÂN HÀNG ĐI QUA, YUANTA VẪN KHUYẾN NGHỊ MUA VÀO

Thống kê trên 3 sàn cho thấy, chỉ có 3/27 cổ phiếu nhóm này có mức giảm điểm gồm EIB, NVB, SSB còn lại hầu hết đều có mức tăng, dao động trung bình đâu đó khoảng 10%.

Một số mã hồi phục rất tốt trong một tháng vừa qua như ABB tăng 12,15%; BID tăng 10%; HDB 12,18%; PGB 17%; VCB `3,6%; VPB 11,61%. Ở thời điểm hiện tại, nhiều dấu hiệu cho thấy nhóm này đang đi ngang tích lũy.

Mặc dù vậy, trong bảng đánh giá vừa đưa ra, Chứng khoán Yuanta vẫn duy trì quan điểm tích cực với nhóm ngân hàng. Theo Yuanta, các ngân hàng niêm yết đang giao dịch tương ứng với P/B 2022E trung vị là 1,3x – mức định giá hấp dẫn dựa trên tiềm năng tăng trưởng khả quan của ngành ngân hàng và tỷ lệ ROE 2022E là 21%. Lựa chọn hàng đầu của công ty chứng khoán này là MBB, VCB và ACB. Đồng thời khuyến nghị mua đối với STB và VPB.

Đối với HDB, hạ khuyến nghị HDB xuống Nắm giữ - Khả quan trong tháng 12/2021 là do mức định giá lúc đó tương đối cao, nhưng ở mức giá hiện tại thì cổ phiếu HDB đang có mức sinh lời khá hấp dẫn ở mức +31%.

Bất chấp đà tăng đã qua, cổ phiếu “bank” vẫn hấp dẫn? - Ảnh 1

Cơ sở để Yuanta đưa ra triển vọng lạc quan với nhóm ngân hàng là kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại vào cuối Q3/2022. Các ngân hàng như MBB và VCB có chất lượng tài sản tốt và đang tham gia vào hoạt động tái cấu trúc ngân hàng yếu kém, có thể sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác.

NIM TOÀN NGÀNH GIẢM NHƯNG ẢNH HƯỞNG MỖI NHÀ BĂNG LÀ KHÁC NHAU

Yuanta kỳ vọng NIM sẽ giảm ở giai đoạn sắp tới trong bối cảnh chi phí huy động vốn đang gia tăng và tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn sẽ bị giảm. Thanh khoản có dấu hiệu thu hẹp, và lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong tháng vừa qua.

Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực để củng cố giá trị của đồng VND trong bối cảnh FED thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD tăng mạnh so với đầu năm. Những sự kiện này làm tăng chi phí huy động vốn của các ngân hàng, và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất cho đến cuối năm.

Trong khi đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ người đi vay theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, lãi suất cho vay có thể vẫn duy trì tương tự như mức ở hiện tại, hoặc có thể chỉ tăng nhẹ. Do đó, NIM của toàn ngành trong năm 2022 có thể sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Bất chấp đà tăng đã qua, cổ phiếu “bank” vẫn hấp dẫn? - Ảnh 2

Tuy vậy, tác động đối với từng ngân hàng sẽ khác nhau. Các ngân hàng có tỷ lệ LDR (cho vay / huy động vốn) thấp như HDB, MSB, VIB và VPB sẽ ít bị áp lực hơn trong việc gia tăng chi phí huy động vốn so với các ngân hàng có tỷ lệ LDR cao. Các nhà đầu tư nên tập trung vào các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao (như TCB, MBB và VCB), những ngân hàng này có khả năng hạn chế tốt những tác động tiêu cực đối với NIM khi chi phí huy động vốn gia tăng.

Hầu hết các ngân hàng đều đã công bố tỷ lệ CASA thấp hơn trong Q2/2022, nguyên nhân là do tín dụng bị eo hẹp trong Q2/2022, khi các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu. Do đó, các ngân hàng không thể giải ngân, và những người đi vay sẽ phải rút tiền gửi CASA để chi trả hoặc phân bổ vào những kênh đầu tư như bất động sản hay chứng khoán.

Tuy nhiên, CASA sẽ phục hồi tăng trở lại khi hạn mức tín dụng được tăng lên và chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ diễn ra vào cuối Q3/2022.

Việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn cũng sẽ tác động lên tỷ lệ NIM của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn từ 37% xuống còn 34% vào tháng 10/2022.

Bất chấp đà tăng đã qua, cổ phiếu “bank” vẫn hấp dẫn? - Ảnh 3

Do đó, các ngân hàng đang có tỷ lệ này ở mức cao sẽ phải giảm bớt, hoặc có thể các ngân hàng đó không còn nhiều dư địa để tăng tỷ lệ này lên và cải thiện NIM. Mặt khác, các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn thấp (như ACB, HDB, MSB và VPB) vẫn còn dư địa có thể cho vay và từ đó tăng NIM.

Dự phòng toàn ngành giảm -14%, giúp thúc đẩy lợi nhuận Q2/2022. Hầu hết các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao (như VCB, BID, MBB, CTG, ACB và TCB) đều giảm dự phòng trong Q2/2022 do dư nợ tái cơ cấu đã đạt đỉnh trong Q1/2022. Trên thực tế, ACB đã hoàn nhập 267 tỷ đồng dự phòng trong Q2/2022. Ngược lại, các ngân hàng với tỷ lệ LLR thấp đã tăng dự phòng trong Q2/2022. Yuanta kỳ vọng dự phòng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate