FiinGroup vừa công bố báo cáo “Thu nhập của Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT và Thành viên độc lập HĐQT tại các Công ty Đại chúng ở Việt Nam năm 2023” được thực hiện bởi FiinGroup, FiinRatings và VNIDA.
Dữ liệu bao phủ 200/1647 công ty đại chúng đang niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên 3 sàn (HOSE, HNX và UPCoM). Cụ thể, có 15/27 Ngân hàng, 9/43 Công ty chứng khoán, 3/14 Công ty bảo hiểm và 173/1563 Doanh nghiệp các ngành khác (phi tài chính). Tiêu chí là doanh nghiệp quy mô vốn hóa từ 500 tỷ đồng trở lên tại thời điểm cuối năm 2023. Top 30 doanh nghiệp lớn nhất thuộc 19/19 ngành theo Tiêu chuẩn phân loại ngành của FTSE Russell (ICB cấp 2)
Những phân tích trong báo cáo hoàn toàn dựa trên số liệu từ các công bố thông tin công khai của Công ty đại chúng.
Theo đó, ở vị trí Tổng giám đốc, Thu nhập bình quân không bao gồm ESOP của vị trí CEO trong các công ty đại chúng ở Việt Nam ở mức dưới 2,5 tỷ đồng/năm trong năm 2023.
Bất động sản, Dịch vụ Tài chính chủ yếu là Chứng khoán và Bảo hiểm là Top 3 ngành có Thu nhập bình quân của CEO cao nhất, vượt trội so với mức bình quân của thị trường. Một số công ty trong Top 15 doanh nghiệp có mức thu nhập cao nhất có CEO là người nước ngoài bao gồm Masan (MSN), Bất động sản Nam Long (NLG).
Thu nhập của CEO ở nhóm doanh nghiệp nhà nước chi phối chưa bằng gần một nửa so với nhóm doanh nghiệp tư nhân cho dù hiệu quả hoạt động (thể hiện qua tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu – ROE) khá tương đồng. Điều này xuất phát từ thực tế là vị trí Chủ tịch HĐQT trong các doanh nghiệp nhà nước cũng là các vị trí có tính chất điều hành theo cơ chế hiện nay.
Thu nhập của CEO ở nhóm Vốn hóa lớn vượt xa mặt bằng chung, cao hơn khoảng 52% so với mức bình quân toàn thị trường trong năm 2023. Điều này khá hợp lý khi hiệu quả hoạt động ở nhóm Vốn hóa lớn tích cực hơn so với hai nhóm còn lại.
Công nghệ thông tin, Ngân hàng, Bán lẻ là các ngành có hiệu quả hoạt động tốt hơn mặt bằng chung với tỷ suất ROE cao (>15% trong năm 2023) nhưng thu nhập bình quân của CEO lại ở mức tương đối thấp. Lý do chính là thu nhập này chưa tính đến giá trị của số cổ phiếu thưởng theo ESOP mà ban lãnh đạo nhận được trong năm.
Ngành Bất động sản đang trải qua giai đoạn nhiều khó khăn thách thức và với hiệu quả hoạt động suy giảm nhiều năm liên tiếp nhưng thu nhập cho vị trí CEO vẫn ở mức cao nhất trong các ngành.
Xét riêng năm 2023, thu nhập của vị trí CEO chưa gắn liền với mục tiêu về tăng trưởng giá trị công ty ở hầu hết các ngành. Thực tế là thu nhập của Ban lãnh đạo thường được xác định từ năm trước đó. Ngoài ra, theo thông lệ tại Việt Nam thì việc tăng trưởng giá trị công ty chưa phải là một chỉ tiêu KPI hoặc xác định chế độ lương thưởng của các vị trí chủ chốt của Ban Điều hành.
Năm 2023, nhiều ngành với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế cao có tăng trưởng mạnh về thu nhập bình quân của vị trí Tổng Giám đốc, bao gồm Dầu khí, Dịch vụ Tài chính (chủ yếu Chứng khoán), Bảo hiểm. Ngược lại, trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng ở mức thấp, Bán lẻ, Tài nguyên Cơ bản (Thép, Gỗ…) có kết quả kinh doanh gây “thất vọng” trong năm 2023. Do đó, thu nhập bình quân của vị trí Tổng Giám đốc giảm so với năm 2022.
Ở vị trí Chủ tịch HĐQT, thu nhập của Chủ tịch HĐQT ở Ngân hàng, Dịch vụ Tài chính chủ yếu Chứng khoán và một số doanh nghiệp (bao gồm PNJ, VHM, NLG, NTP, REE…) cao hơn so với phần đông còn lại. Yếu tố này có thể do ngoài việc đây đều là những doanh nghiệp lớn, đầu ngành thì vị trí Chủ tịch HĐQT cũng tham gia vào một số công tác điều hành và chia sẻ một số phạm vi công việc của vị trí điều hành như CEO.
Thu nhập của vị trí Chủ tịch HĐQT có mối tương quan đáng kể với hiệu quả hoạt động ở ngành Ngân hàng. Thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT và hệ số ROE bình quân ngành Ngân hàng cùng ở mức cao. Thực tế này xuất phát một phần từ thực tế là Chủ tịch HĐQT nhiều Ngân hàng đều là chủ tịch điều hành.
Ngược lại, Công nghệ thông tin và Bán lẻ có hiệu quả cao (ROE) cao nhưng thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT lại ở mức rất thấp.
Xét riêng năm 2023, thu nhập của vị trí Chủ tịch HĐQT chưa gắn liền với mục tiêu về tăng trưởng giá trị công ty ở hầu hết các ngành. Thực tế là thu nhập của Ban lãnh đạo thường được xác định từ năm trước đó. Ngoài ra, theo thông lệ tại Việt Nam thì việc tăng trưởng giá trị công ty chưa phải là một chỉ tiêu KPI hoặc xác định chế độ lương thưởng của các vị trí chủ chốt của Ban Điều hành.
Ở vị trí Thành viên độc lập HĐQT, thu nhập trung bình của vị trí Thành viên độc lập HĐQT có sự chênh lệch rất lớn giữa các ngành. Cụ thể, thu nhập trung bình cao nhất ở Hàng cá nhân (PNJ) và Ngân hàng, lần lượt là 2 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng/năm, trong khi nhóm còn lại phần lớn dao động trong khoảng 100-500 triệu đồng/năm.
Những doanh nghiệp có chế độ thù lao cao đều là các doanh nghiệp đầu ngành. Ngoài ra, những thành viên độc lập HĐQT có thù lao cao thường kiêm
nhiệm thêm các vị trí cụ thể ví dụ Ủy ban Kiểm toán, Ủy ban Chiến lược... của những doanh nghiệp đó.